Người dân xã Tiên Sơn muốn giữ nguyên tên và trụ sở

Theo dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Tiên Phước (Quảng Nam) giai đoạn 2023 - 2025, xã Tiên Cẩm và xã Tiên Sơn sáp nhập thành xã Tiên Sơn Cẩm, trụ sở mới đặt tại Tiên Cẩm. Sau khi đề án dự thảo được công bố, người dân xã Tiên Sơn có đơn kiến nghị gửi các cấp và cơ quan báo chí lý giải những bất cập và mong muốn lấy tên xã sau sáp nhập là Tiên Sơn và trung tâm hành chính xã mới đặt tại Tiên Sơn.

Người dân xã Tiên Sơn kiến nghị lấy tên xã sau sáp nhập là xã Tiên Sơn và trung tâm hành chính xã mới đặt tại Tiên Sơn.

Trong đơn kiến nghị, người dân xã Tiên Sơn nêu rõ: Người dân hoàn toàn ủng hộ chủ trương sắp xếp 2 xã Tiên Sơn và Tiên Cẩm lại thành 1 đơn vị hành chính cấp xã. Tuy nhiên, theo phương án đề xuất thì tên xã Tiên Sơn Cẩm sẽ làm xáo trộn toàn bộ thủ tục liên quan đến hành chính của cả 2 xã. Tên gọi xã Tiên Sơn xuất hiện cách đây đã 76 năm, còn tên gọi xã Tiên Cẩm chỉ mới xuất hiện cách đây 43 năm. Xã Tiên Sơn đã được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20-12-1994. Hiện xã có 1 di tích lịch sử cấp quốc gia là Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam và 4 di tích lịch sử cấp tỉnh là: Di tích Lò chén Phú Lâm, Chiến thắng núi Ngang, Khu chứng tích Hầm heo Gò Vàng, Nền trường tân học Phú Lâm. Xã Tiên Sơn cũng đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào ngày 24-2-2016, còn xã Tiên Cẩm chưa đủ tiêu chuẩn. Xã Tiên Sơn là một trong những địa phương đầu tàu về kinh tế của huyện, dẫn đầu thi đua nhiều năm liền. Chính vì vậy đặt tên xã mới sau khi sáp nhập là Tiên Sơn là hoàn toàn hợp lý.

Cũng theo người dân xã Tiên Sơn, nơi đặt trụ sở của hệ thống chính trị phải đảm bảo tính cơ động trong lãnh đạo, quản lý điều hành và thuận lợi cho người dân đến UBND xã. Nếu đặt trụ sở hành chính xã sau khi sáp nhập vẫn ở UBND xã Tiên Sơn thì từ Ủy ban xã mới đến các thôn cuối của xã Tiên Sơn hiện nay chỉ 7km; đến các thôn cuối của của xã Tiên Cẩm khoảng 7km. Như vậy, sự quản lý điều hành của chính quyền đến các điểm dân cư thuận lợi, người dân đến cơ quan hành chính xã cũng thuận lợi.

Nếu đặt trụ sở hành chính sau khi sáp nhập tại trung tâm hành chính xã Tiên Cẩm thì rất bất hợp lý, cách các thôn xa nhất của xã Tiên Sơn đến 13 km. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý điều hành của các ban, ngành. Đặc biệt là khi xảy ra tình huống về an ninh trật tự ở những thôn xa, lực lượng Công an, Xã đội khó đến xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, hiện nay, hầu hết cơ sở vật chất tại trung tâm hành chính xã Tiên Sơn đều đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ sau khi sáp nhập xã Tiên Cẩm vào xã Tiên Sơn. Trong đó, nhà Công an mới xây dựng, Trung tâm văn hóa, sân vận động mới được sửa chữa, nâng cấp với tổng diện tích 11.540 m2; Trạm y tế mới vừa được xây dựng…

“Căn cứ vào những cơ sở nêu trên, chúng tôi tha thiết yêu cầu các cấp có thẩm quyền phân tích, đánh giá thấu đáo để có quyết định hợp lòng dân. Chúng tôi kiến nghị lấy tên xã sau sáp nhập là xã Tiên Sơn và trung tâm hành chính xã mới đặt tại Tiên Sơn”- người dân kiến nghị.

Người dân xã Tiên Sơn gửi đơn kiến nghị đến các cấp và cơ quan báo chí liên quan đến việc sáp nhập 2 xã.

Về kiến nghị của người dân xã Tiên Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính huyện Tiên Phước Phan Văn Dương cho rằng, việc sáp nhập 2 xã và đặt trụ sở mới ở vị trí thuận lợi sẽ góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, đây mới là đề án dự thảo đang trong quá trình xây dựng theo quy trình. Huyện sẽ tổ chức phản biện, lấy ý kiến cử tri 2 xã, sau đó nghiên cứu, thống nhất đưa ra quyết định cuối cùng thuận lòng dân.

Lê Vương

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nguoi-dan-xa-tien-son-muon-giu-nguyen-ten-va-tru-so-post294275.html