Người dân Slovakia lo ngại tình trạng chia rẽ chính trị ngày càng tăng trong xã hội

Bi kịch đang xảy ra sau nhiều năm Slovakia chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc trong dân chúng về chính trị.

Cảnh sát được triển khai bên ngoài Tòa án hình sự Pezinok ở phía Bắc thủ đô Bratislava, nơi nghi phạm âm mưu sát hại Thủ tướng Slovakia Robert Fico ra trình diện, ngày 17/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảnh sát được triển khai bên ngoài Tòa án hình sự Pezinok ở phía Bắc thủ đô Bratislava, nơi nghi phạm âm mưu sát hại Thủ tướng Slovakia Robert Fico ra trình diện, ngày 17/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Lãnh đạo đảng đối lập Slovakia Michal Simecka, người mô tả vụ ám sát Thủ tướng Robert Fico trong tuần này là một cuộc tấn công vào nền dân chủ, ngày 17/5 cho biết ông, vợ và con ông đã nhận được những lời đe dọa.

Những gì mà gia đình ông Simecka nhận được không phải là hiếm gặp, đặc biệt là tại Slovakia – nơi mà quan điểm thù địch cá nhân và sự phân chia chính trị cực đoan đã tạo ra bối cảnh cho vụ ám sát Thủ tướng Fico.

Hiện ông Fico vẫn đang được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện sau 5 ngày bị bắn ở cự ly gần.

Những người dân Slovakia như Lubos Oswald, ủy viên hội đồng 41 tuổi ở Handlova - nơi xảy ra vụ nổ súng - cảm thấy bi kịch đang xảy ra sau nhiều năm có sự chia rẽ sâu sắc trong dân chúng về chính trị.

“Mọi chuyện không thể tiếp diễn như thế này nữa: Hai người hàng xóm ghét nhau vì không có cùng quan điểm chính trị. Đây là điều tôi cảm thấy trong hội đồng địa phương. Mọi người cố gắng kịch động cảm xúc và sự thù hận”, ông Lubos chia sẻ.

Trong những giờ sau vụ nổ súng, các chính trị gia thuộc mọi tầng lớp đã tìm cách xoa dịu nỗi lo lắng, trong đó Phó Thủ tướng Robert Kalinak kêu gọi đất nước bắt đầu tạo dựng con đường khoan dung.

Tuy nhiên, tương tự các cuộc tranh cãi trước đây, Kalinak, một luật sư 53 tuổi được coi là cánh tay phải của Thủ tướng Fico trong chính phủ, đã cáo buộc các đảng đối lập và giới truyền thông gây ra sự bất bình bằng cách khuyến khích các cuộc biểu tình chống lại chính sách của chính phủ.

Hàng chục nghìn người đã tuần hành trên khắp đất nước 5,4 triệu dân kể từ khi Thủ tướng Fico trở lại chính phủ vào tháng 10 năm ngoái, cáo buộc các chính sách của ông là nhằm giành lấy quyền lực.

Chủ tịch Trường Nghệ thuật Tự do Quốc tế Bratislava, Samuel Abraham, cho biết: “Ông ấy đang đặt dấu ấn của mình lên toàn bộ bối cảnh chính trị. Trước đây, ông ấy sẽ thực hiện việc đó cẩn trọng hơn, giờ đây ông ấy có một kế hoạch chi tiết hoàn hảo”.

Thủ tướng Fico bắt tay triển khai một loạt thay đổi làm dấy lên mối lo ngại về pháp quyền, bao gồm việc loại bỏ cơ quan công tố xử lý tội phạm cấp cao cũng như kế hoạch giảm nhẹ các hình phạt đối với tội hối lộ, cải tổ phương tiện truyền thông đại chúng và hạn chế ảnh hưởng của các tổ chức phi chính phủ. Ông cũng chấm dứt các khoản hỗ trợ quân sự của chính phủ cho Ukraine.

Bộ trưởng Nội vụ Matus Sutaj Estok cho biết nghi phạm liệt kê các chính sách của chính phủ đối với Ukraine, giải tán văn phòng công tố viên đặc biệt chuyên giải quyết vấn đề tham nhũng cấp cao và kế hoạch cải tổ đài truyền hình là lý do dẫn đến vụ ám sát.

Từ lâu, Thủ tướng Fico đã cáo buộc các tổ chức xã hội dân sự và các nhà báo độc lập thực hiện mệnh lệnh của phe đối lập.

Đối với nhiều người Slovakia, mối lo lắng ngày càng gia tăng kể từ chiến dịch bầu cử quốc hội năm ngoái. Lenka, nhân viên xã hội 31 tuổi đến từ Bratislava, cho biết xã hội có hai thái cực. Có người yêu quý Thủ tướng Fico, có người ghét ông ấy.

Trong khi đó, Veronika, một kiến trúc sư 28 tuổi, cho biết cuộc bầu cử châu Âu sắp diễn ra vào tháng 6 cũng làm nỗi bất an của công chúng gia tăng trên diện rộng.

“Mọi người đều căng thẳng… Thái độ ngày càng hung hãn hơn, nhưng tôi không nghĩ nó chỉ xảy ra ở Slovakia mà trên toàn thế giới”, Veronika bày tỏ suy nghĩ.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Yahoo News/Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nguoi-dan-slovakia-lo-ngai-tinh-trang-chia-re-chinh-tri-ngay-cang-tang-trong-xa-hoi-20240519105313406.htm