Người dân phục chế hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng

Ông Đào Văn Hối, 85 tuổi, ngụ ấp Thuận Bình, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu phục chế căn hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng trong ngôi nhà của mình. 'Tôi muốn giữ lại căn hầm để giáo dục truyền thống cách mạng cho con, cháu' - ông Hối tâm sự.

Đại tá Lý Hồng Sinh tặng ông Hối một số tiền dành dụm cá nhân để bày tỏ lòng biết ơn đối với người có công nuôi dưỡng cán bộ cách mạng.

Đại tá Lý Hồng Sinh tặng ông Hối một số tiền dành dụm cá nhân để bày tỏ lòng biết ơn đối với người có công nuôi dưỡng cán bộ cách mạng.

“Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh”

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một số cán bộ cách mạng thường xuyên đến gia đình ông Hối trú ẩn. Thấy phía sau nhà có chuồng nuôi trâu, cán bộ cách mạng động viên mẹ ông Hối đào căn hầm phía dưới. Vậy là ban đêm, gia đình ông lặng lẽ đào hầm theo kiểu “hàm ếch”, đất đào được đổ lên nền chuồng cho trâu đi lại, giẫm đạp để xóa dấu vết. Năm 1959, gia đình ông thường xuyên nuôi giấu một số cán bộ cách mạng trong căn hầm này, như ông Tám Nhằm, Tư Nghĩa (Bát Giới), Sáu Sơn….

Chuồng trâu trũng thấp, vào mùa mưa, nước hay ứ đọng khó ẩn náu, nên chú Tám Nhằm- một trong những cán bộ trú ẩn ở đây- nhờ ông Hối đào thêm hai căn hầm khác ở trong nhà và sau hè.

Giai đoạn 1963-1964, ông Hối đào một căn hầm bí mật trong phòng ngủ và một căn hầm khác ở bụi tre sau hè, mỗi căn hầm có thể chứa được hai ba người. Hai căn hầm này nối với nhau bởi một địa đạo và thông lên mặt đất bởi một miệng ngách, đường kính khoảng 40cm.

Thời điểm đó, cha mẹ ông Hối kiếm sống bằng nghề nấu rượu, trong nhà có một lò nấu rượu. Miệng hầm được ngụy trang bằng cách đặt trã rượu lên phía trên. Những năm sau đó, gia đình ông nuôi giấu thêm nhiều cán bộ trong nhà, như ông Ba Quốc, Tư Ngon, Năm Banh, Bảy Bèo, Tám Mển… Nhờ có hầm bí mật, nhiều cán bộ cách mạng ẩn náu an toàn, chỉ đạo hoạt động trừ gian diệt ác một cách thuận lợi.

Miệng hầm phía sau nhà được ông Hối phục dựng lại.

Miệng hầm phía sau nhà được ông Hối phục dựng lại.

“Hằng ngày tôi đi tới đi lui canh gác và nắm tin tức bên ngoài về cung cấp cho mấy ổng. Mấy ổng viết bản cảnh cáo những người tề gian thì tôi đi dán”- ông Hối nhớ lại.

Năm 1971, giặc Mỹ dồn dân lập ấp chiến lược, ông Hối vận động người dân đấu tranh, đào đường gây cản trở giao thông nên bị lộ. Từ đó, ông thoát ly gia đình, vào Suối Nhánh (hiện nay thuộc ấp Thuận Tân, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu) để hoạt động cách mạng. Ông từng giữ các chức vụ Phó Bí thư, Bí thư Chi đoàn xã; quân báo xã, Chính trị viên, Xã đội trưởng, Ban Binh vận xã và Phó Ban Binh vận huyện Dương Minh Châu.

Phục chế

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Hối trở về địa phương sinh sống, được nhân dân địa phương bầu chọn làm đại biểu HĐND xã và lần lượt giữ các chức vụ Phó Ban Thương binh - Xã hội xã; Tập đoàn trưởng Tập đoàn số 10 xã. Năm 1990, tập đoàn giải thể, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ già đau yếu nên ông nghỉ công tác.

Gần 60 năm, dưới tác động của môi trường, những căn hầm một thời nuôi giấu cán bộ cách mạng giờ đã bị sụp lún và mất gần hết dấu vết. Căn hầm bí mật sau vườn và sau hàng tre bị đất cát sạt lở, bồi lấp gần như bằng phẳng. Căn hầm bí mật trong nhà cũng bị nước mưa chảy vào làm sụp lún. Trong phòng ngủ của gia đình ông chỉ còn một miệng ngách- nơi dẫn xuống hầm bí mật ở sau nhà là khá nguyên vẹn.

Ông Hối muốn lưu giữ dấu tích này để làm kỷ niệm và giáo dục truyền thống cách mạng cho con cháu, năm 2017, khi cất căn nhà mới, ông Hối chừa lại miệng hầm trong phòng, bảo người con trai dùng gạch ống xây xung quanh miệng ngách để bảo quản, không cho sụp lún.

Ông Hối chui xuống miệng hầm.

Ông Hối chui xuống miệng hầm.

Những năm dịch Covid- 19 bùng phát, con cháu đều tụ họp trong nhà, rảnh rỗi, ông bảo các con nạo vét địa đạo nối liền từ phòng ngủ ra căn hầm phía sau nhà. Ở vị trí căn hầm này, ông cho xây miệng hầm có nắp đậy để tượng trưng cho căn hầm bí mật ngày xưa. Bên trên, ông lắp đặt mái che bằng khung sắt, lợp tôn khá kiên cố, trải dài hết chiều ngang căn nhà. Chi phí thực hiện mái che và nắp hầm hơn 10 triệu đồng, do ông bỏ tiền cá nhân thuê người thực hiện. Số đất nạo vét địa đạo, ông sử dụng vào việc bồi đắp, nâng cao mặt bằng xung quanh miệng hầm.

Tính đến nay, hầu hết người thân và những cán bộ, chiến sĩ cách mạng từng được nuôi giấu trong gia đình ông Hối đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc hoặc qua đời vì tuổi già sức yếu. Trong đó, cha của ông là ông Đào Châu Ba hy sinh năm 1947; người anh và người em ruột của ông cũng đã ngã xuống trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ của ông là bà Nguyễn Thị Gấm đã qua đời, được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Huân chương Độc lập hạng Ba.

Ông Hối bên những bằng chứng nhận Huân, Huy chương của người thân trong gia đình.

Ông Hối bên những bằng chứng nhận Huân, Huy chương của người thân trong gia đình.

Vợ của ông là bà Phạm Thị Ngàn được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, theo diện nhân dân có công với cách mạng. Còn ông Hối được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cuối tháng 4.2020, Đại tá Lý Hồng Sinh- Phó Giám đốc Công an Tây Ninh đến thăm gia đình ông Đào Văn Hối, chân thành cảm ơn gia đình ông Hối đã bất chấp hiểm nguy, nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng trong những năm khói lửa chiến tranh ác liệt, trong đó có ông Lý Văn Nhằm (chú Tám Nhằm), là cha ruột của Đại tá Lý Hồng Sinh.

Đại tá Lý Hồng Sinh tham quan miệng hầm trong nhà ông Hối- nơi trước đây cha của ông được nuôi giấu.

Đại tá Lý Hồng Sinh tham quan miệng hầm trong nhà ông Hối- nơi trước đây cha của ông được nuôi giấu.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Giàu- Chủ tịch UBND xã Truông Mít cho biết, gia đình ông Đào Văn Hối là gia đình cách mạng và đang hưởng chế độ chính sách ở địa phương. Chính quyền địa phương thường xuyên thăm gia đình vào những dịp lễ, tết theo quy định, chính sách của Nhà nước. Ông Hối muốn gìn giữ căn hầm để giáo dục truyền thống cách mạng cho con cháu trong gia đình nên đã tự trùng tu, tôn tạo, không đề xuất địa phương hỗ trợ.

Đại Dương - Quốc Sơn

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nguoi-dan-phuc-che-ham-nuoi-giau-can-bo-cach-mang-a166584.html