Người đàn ông này khiến Apple phải nhận 'trái đắng'

Apple chỉ là một trong rất nhiều công ty bị Masimo đâm đơn kiện với cáo buộc về bằng sáng chế trong lĩnh vực y tế.

 Giá trị tài sản ròng của vị CEO lên đến 1,3 tỷ USD tính đến tháng 4/2023. Ảnh: Business Wire.

Giá trị tài sản ròng của vị CEO lên đến 1,3 tỷ USD tính đến tháng 4/2023. Ảnh: Business Wire.

Vừa qua là chuỗi ngày khó khăn cho Apple khi Watch Series 9 và Ultra 2 bị cấm bán tại tất cả cửa hàng thị trường Mỹ. Tất cả bắt nguồn từ tranh chấp bằng sáng chế của gã khổng lồ công nghệ với một công ty ít tên tuổi hơn về công nghệ theo dõi nồng độ oxy trong máu.

“Đây không phải là một sai sót ngẫu nhiên. Họ đang cố ý chiếm đoạt tài sản trí tuệ của chúng tôi”, Joe Kiani - CEO và người sáng lập Masimo - tuyên bố với Bloomberg.

Công nghệ đo nồng độ oxy độc quyền của Kiani

Theo Forbes, CEO Joe Kiani sinh ra ở Iran và chuyển đến Mỹ khi mới 9 tuổi. Hai năm sau khi chuyển đi, bố mẹ Kiani quay trở lại Iran làm việc, để lại ông và em gái khi đó chỉ 14-15 tuổi ở Mỹ. Vào cuối những năm 1980, Kiani đã có bằng cử nhân và thạc sĩ về kỹ thuật điện tại trường Đại học bang San Diego.

Trong một bài chia sẻ với Trung tâm Y tế Texas, Kiani cho biết đã cố gắng theo đuổi con đường dự bị y khoa, chuyên ngành hóa học, nhưng phải dừng lại vì không giỏi hóa. Thay vào đó, Kiani giỏi vật lý nên quyết định trở thành kỹ sư.

 Với những vi phạm liên quan đến bằng sáng chế, Apple có nguy cơ phải từ bỏ một phần phân khúc kinh doanh trị giá 17 tỷ USD của mình. Ảnh: Min Yeung.

Với những vi phạm liên quan đến bằng sáng chế, Apple có nguy cơ phải từ bỏ một phần phân khúc kinh doanh trị giá 17 tỷ USD của mình. Ảnh: Min Yeung.

Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại một startup về công nghệ y tế để nghiên cứu máy đo nồng độ oxy trong máu. Sau đó, Kiani nghỉ việc ở tuổi 23 vì công ty muốn ông nghiên cứu chế tạo máy đo nồng độ oxy trong mạch có giá rẻ hơn thay vì làm cho công nghệ chính xác hơn.

Đến năm 1989, Kiani thành lập Tập đoàn Masimo trong một garage ở California cùng khoản vay 40.000 USD mua nhà. Phát biểu khai giảng năm 2013 tại Đại học Chapman, ông chia sẻ mình thành lập công ty với mục tiêu cải thiện máy đo oxy trong mạch. Vị CEO gần như làm việc 7 ngày/tuần, và mỗi tháng chỉ nghỉ 2 ngày cuối tuần suốt 7 năm.

Ông là người lãnh đạo việc phát triển công nghệ trích xuất tín hiệu (Signal Extraction Technology) của Masimo. Thiết bị có thể đo chính xác nồng độ oxy trong máu, đặc biệt là khi bệnh nhân đang chuyển động.

Những “nạn nhân” của Kiani

Theo Business Insider, công ty thiết bị y tế đang phát triển một nhóm thiết bị theo dõi bệnh nhân không xâm lấn nhằm mục đích cải thiện sự an toàn cho họ và giảm chi phí chăm sóc. Dưới sự lãnh đạo của Kiani, các thiết bị của Masimo đã được bệnh viện trên khắp thế giới sử dụng.

Masimo niêm yết vào năm 2007 và hiện có vốn hóa thị trường khoảng 6 tỷ USD. Là nhà sáng lập kiêm CEO Masimo, ông đã nhận được gói lương thưởng hơn 16 triệu USD vào năm 2022, trong đó có hơn 9,8 triệu USD tiền thưởng cổ phiếu. Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của vị CEO lên đến 1,3 tỷ USD tính đến tháng 4/2023.

 Kiani thành lập Tập đoàn Masimo với khoản nợ khổng lồ. Ảnh: Majunath Kiran.

Kiani thành lập Tập đoàn Masimo với khoản nợ khổng lồ. Ảnh: Majunath Kiran.

Không chỉ riêng Apple, Masimo đã nhiều lần đâm đơn kiện các công ty vì vi phạm bằng sáng chế công nghệ cảm biến oxy trong mạch.

Năm 1999, Kiani kiện Nellcor - nhà sản xuất máy đo nồng độ oxy trong màu - vì sử dụng công nghệ của họ mà không có sự cho phép. Forbes đưa tin vào năm 2006, Masimo đã đạt được thỏa thuận với Nellcor với tổng trị giá thiệt hại và tiền bản quyền gần 800 triệu USD.

Đến năm 2009, Masimo tiếp tục đâm đơn kiện tương tự cáo buộc Philips Electronics - hãng sản xuất thiết bị chăm sóc sức khỏe của Hà Lan. 7 năm sau, Philips đồng ý trả cho Masimo 300 triệu USD để dàn xếp của họ, theo SEC.

Vào tháng 4/2020, Masimo kiện Apple vì sử dụng công nghệ đo lượng oxy trong máu trong Apple Watch. Nói với Bloomberg, Kiani cho biết năm 2013 Apple đã chiêu mộ 25 kỹ sư của họ, bao gồm cả giám đốc y tế và giám đốc công nghệ ở một công ty con. “Họ không cần phải cướp người của chúng tôi. Chúng tôi có thể hợp tác với họ mà”, nhà sáng lập nói.

Đến tháng 10/2023, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đã ban hành lệnh cấm Apple nhập khẩu đồng hồ thông minh. Liên quan đến phán quyết của ITC, Kiani cho biết ông sẵn sàng thỏa thuận với Apple. "Tuy nhiên, vẫn cần phải có một lời xin lỗi từ Apple”, Kiani nói với Bloomberg.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-dan-ong-khien-apple-phai-ngung-ban-apple-watch-la-ai-post1450425.html