Người đàn ông 84 tuổi đã cứu Nvidia là ai

Công ty chip nghìn tỉ USD Nvidia sẽ không tồn tại đến giờ nếu không có sự giúp đỡ của Shoichiro Irimajiri - một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp được ngưỡng mộ nhất Nhật Bản.

Trước khi là một trong những công ty có giá trị nhất thế giới, Nvidia từng đứng trên bờ vực phá sản.

Vào những năm 1990, vài năm sau khi đi vào hoạt động, công ty do tỷ phú Jensen Huang thành lập đứng trước “cơn bão lớn”.

Con chip đầu tiên thất bại. Con chip tiếp theo cũng bị dự đoán đối mặt với viễn cảnh tương tự. Bản thân Huang - CEO Nvidia - chia sẻ đó từng là “khoảnh khắc sinh tử" đối với công ty non trẻ của ông.

Thời điểm đó, “vị cứu tinh" xuất hiện.

Theo Wall Street Journal, Huang là giám đốc điều hành của hãng sản xuất chip kể từ ngày nó ra đời. Nvidia sẽ không tồn tại nếu không có ông.

Nhưng ngay cả ông cũng nói rằng công ty sẽ không tồn tại đến giờ nếu không có sự giúp đỡ của Shoichiro Irimajiri, còn gọi là Irimajiri-san, Iri-san hay chỉ đơn giản là Iri.

Cách người đàn ông này cứu công ty đã dạy cho Huang một trong những bài học quan trọng nhất và ít được đánh giá cao nhất trong kinh doanh.

“Bạn không thể coi thường lòng tốt của người khác khi thành lập công ty của mình”, Huang nói trên podcast của Sequoia Capital.

 Jensen Huang. Ảnh: Lam Yik Fei/Bloomberg.

Jensen Huang. Ảnh: Lam Yik Fei/Bloomberg.

Kỳ tích xuất hiện từ lòng tốt

Khi tỷ phú Huang thành lập công ty hơn 30 năm trước, viễn cảnh Nvidia trở thành công ty có giá trị thứ 3 thế giới - chỉ sau Microsoft và Apple - có vẻ hoàn toàn phi lý.

Thậm chí một năm trước, điều đó rất khó xảy ra.

Nhưng kể từ khi cơn sốt AI bắt đầu, vốn hóa thị trường của công ty đã tăng gấp 3 lần. Năm 2023, nó đã phá vỡ mốc 1.000 tỷ USD. Năm nay, nó đã phá vỡ mốc 2.000 tỷ USD.

Nó có thể chạm mốc 3.000 tỷ USD nếu nhu cầu về chip trí tuệ nhân tạo giúp công ty đạt được một báo cáo thu nhập bùng nổ khác trong tuần tới.

Nhưng mọi công ty đều cần một chút may mắn và rất nhiều thiện chí trên con đường đi đến thành công. Đặc biệt đối với công ty trị giá 2.000 tỷ USD.

Một trong những điều đặc biệt về công ty đứng sau cơn sốt AI này là nó có thể đã phá sản từ lâu nếu không có lòng tốt của một người chưa từng làm việc ở đó.

Người đó chính là Shoichiro Irimajiri. Là kỹ sư xuất sắc và giám đốc điều hành có sức lôi cuốn, Irimajiri là một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp được ngưỡng mộ nhất Nhật Bản.

Vậy làm thế nào mà ông có thể cứu được công ty của tỷ phú Jensen Huang từ cách xa hàng nghìn km?

 Irimajiri-san là một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp được ngưỡng mộ nhất Nhật Bản. Ảnh: Wall Street Journal.

Irimajiri-san là một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp được ngưỡng mộ nhất Nhật Bản. Ảnh: Wall Street Journal.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Irimajiri nhận công việc thiết kế động cơ cho môtô giải đua Grand Prix và xe Công thức 1 tại Honda Motor nhằm thách thức giới hạn tốc độ trên mặt đất. Công việc chế tạo những cỗ máy đua nhanh nhất thế giới đưa ông trở thành nhân vật huyền thoại theo đúng nghĩa.

“Ông ấy có những ý tưởng mà các kỹ sư khác cho là không thể thực hiện được”, nhà báo Mat Oxley cho biết.

Điều đó đưa sự nghiệp của ông đi lên nhanh chóng. Là giám đốc điều hành trẻ nhất trong lịch sử công ty, Irimajiri được cử đến Mỹ để điều hành hoạt động sản xuất của Honda vào năm 1984.

Sau 4 năm thúc đẩy sự phát triển của Honda tại Mỹ, ông trở lại Nhật Bản vào năm 1988 với tư cách là ứng cử viên cho vị trí điều hành công ty. Tuy nhiên, sau đó ông đột ngột từ chức vào năm 1992 với lý do căng thẳng và sức khỏe.

Ông được Sega thuê vào năm 1993. Đây công ty đã vượt qua Nintendo để trở thành thế lực thống trị trong lĩnh vực trò chơi điện tử thời điểm đó.

Irimajiri được thăng chức làm chủ tịch và giám đốc điều hành tại doanh nghiệp Mỹ vào năm 1996 và trở thành chủ tịch của toàn bộ công ty vào năm 1998.

Thời điểm đó, 3 chàng trai đang thành lập công ty ở Thung lũng Silicon đã thu hút sự chú ý của ông. Công ty Nvidia được tỷ phú Huang cùng 2 người bạn thành lập vào năm 1993, khi các trò chơi đang chuyển từ đồ họa 2D sang 3D.

Giữa lúc đó, Sega chịu áp lực phải tạo ra sản phẩm ăn khách. Hãng đã phát triển bảng điều khiển Dreamcast trước sự phổ biến đáng kinh ngạc của máy chơi PlayStation.

 Irimajiri nói rằng việc cùng Huang phát triển chip tiên tiến cho Dreamcast là một trong những kỷ niệm hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông. Ảnh: Sega/X.

Irimajiri nói rằng việc cùng Huang phát triển chip tiên tiến cho Dreamcast là một trong những kỷ niệm hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông. Ảnh: Sega/X.

Nvidia được giao nhiệm vụ xây dựng bộ xử lý đồ họa (GPU) cho Dreamcast sau khi Irimajiri gặp Huang - người để lại cho ông ấn tượng sâu sắc.

“Chàng trai ấy có sự tự tin rất mạnh mẽ”, Irimajiri kể lại.

Hợp đồng với Sega mang lại công ty của Huang một khoản. Nhưng những quyết định mạo hiểm và sai lầm nghiêm trọng trong ngày đầu gần như đã phá hủy Nvidia.

Huang lo sợ điều tồi tệ nhất xảy ra khi Irimajiri đến văn phòng và nói rằng Sega sẽ tung ra Dreamcast với GPU do một công ty khác sản xuất. Nvidia đã thất bại.

Nhưng lúc đó, Irimajiri vẫn tin tưởng vào Huang. “Tôi muốn giúp Nvidia thành công”, ông nói. "Bằng cách nào đó".

"Người bạn cũ"

Irimajiri quay lại Nhật Bản với ý tưởng đáng ngạc nhiên: Sega nên đầu tư vào Nvidia. Thật không dễ dàng để thuyết phục ông chủ của mình bơm tiền vào một công ty khởi nghiệp bấp bênh, thậm chí còn không thực hiện được hợp đồng hiện tại.

Nhưng sau một số cuộc đàm phán, Irimajiri đã đảm bảo được thêm 5 triệu USD mà Nvidia rất cần vào thời điểm đó.

“Đó là tất cả số tiền chúng tôi có”, tỷ phú Huang nói. “Sự hiểu biết và sự rộng lượng của ông ấy đã giúp chúng tôi có thể tồn tại được 6 tháng”.

Trong 6 tháng đó, Nvidia tập trung cao độ và nỗ lực phát triển con chip đột phá được phát hành vào năm 1997. Nó đã cứu và thậm chí giúp công ty bắt đầu phát hành cổ phiếu vào năm 1999.

Tuy nhiên, Irimajiri sau đó từ chức chủ tịch của Sega. Ông nói chỉ sau khi rời công ty, quyết định đúng đắn nhất của ông mới được đền đáp. Sega đã bán cổ phiếu Nvidia của mình với giá khoảng 15 triệu USD.

 Sự bùng nổ AI đã đưa Nvidia - công ty mà Jensen Huang đồng sáng lập - trở thành một trong những công ty công nghệ quan trọng nhất thế giới. Ảnh: Bloomberg.

Sự bùng nổ AI đã đưa Nvidia - công ty mà Jensen Huang đồng sáng lập - trở thành một trong những công ty công nghệ quan trọng nhất thế giới. Ảnh: Bloomberg.

Hiện nay, Irimajiri điều hành công ty tư vấn riêng tại văn phòng ở Tokyo. Irimajiri mất liên lạc với CEO của Nvidia cho đến khi ông được yêu cầu tổ chức hội thảo về AI vào năm 2017.

Đó là lúc ông lần ra địa chỉ email của Huang và gửi bức thư bằng tiếng Anh cho vị tỷ phú mà ông đã không gặp trong 20 năm.

Từ: Shoichiro Irimajiri

Tới: Jensen Huang

Chủ đề: Từ người bạn cũ

“Chào Jensen-san”, ông viết. “Đây là Shoichiro Irimajiri, một trong những đối tác kinh doanh của ông vào thập niên 1990. Nếu ông nhớ, thời điểm đó chúng ta đã cùng nhau nỗ lực phát triển chip đồ họa tiên tiến cho Sega Dreamcast. Đây là một trong những kỷ niệm vui của cuộc đời tôi”.

Sau đó, Irimajiri trình bày yêu cầu. Ông muốn biết liệu Huang “hoặc một người nào đó của Nvidia” có thể đến thăm Nhật Bản và thuyết trình trước một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp thân thiết hay không.

“Nếu có thể, tôi sẽ rất cảm kích”, Irimajiri viết. “Rất xin lỗi đã làm phiền thời gian bận rộn của ông, nhưng cũng rất cảm ơn ông đã đọc thư của tôi. Trân trọng và chúc ông sẽ thành công hơn nữa trong tương lai”.

Irimajiri đã nhận được phản hồi vào ngày hôm sau.

“Irimajiri-san thân mến”, tỷ phú Huang, hiện là chủ tịch công tỷ nghìn tỷ USD, trả lời. "Thật là một bất ngờ tuyệt vời khi nghe tin từ ông. Làm việc với Sega vào thời kỳ đầu của Nvidia cũng là một trong những kỷ niệm hạnh phúc của cuộc đời tôi".

"Tôi rất vui lòng nhận lời ông", Huang viết cho người bạn cũ của mình.

Minh An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguoi-dan-ong-84-tuoi-da-cuu-nvidia-la-ai-post1476129.html