Người dân làng xôi Phú Thượng dậy từ 2h sáng tất bật phục vụ Tết Đoan ngọ

2h sáng ngày Tết Đoan Ngọ, các hộ dân ở làng xôi Phú Thượng (Hà Nội) đã bắt đầu tất bật dậy để chuẩn bị xôi, cơm rượu nếp để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) còn được gọi là Tết nửa năm, tết diệt sâu bọ. Nhiều gia đình thường chuẩn bị mâm cúng có cơm rượu, quả vải, quả mận… hay đi tắm biển đúng giờ Ngọ. Tết Đoan Ngọ 2022 rơi vào ngày 3/6.

Đây là ngày lễ quan trọng trong truyền thống của người Việt Nam, thường diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Tại làng xôi Phú Thượng, người dân dậy từ 2h sáng, chuẩn bị xôi, cơm rượu nếp để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Ghi nhận của PV tại nhà ông Nguyễn Văn Cơ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), một gia đình có truyền thống làm xôi với thâm niên hơn 20 năm. Ông Cơ cho hay, hầu như ngày nào tôi cũng dậy từ lúc 3h sáng để làm xôi sau đó vợ tôi sẽ đưa ra chợ bán. Do hôm nay là ngày Tết Đoan ngọ nên tôi tranh thủ dậy sớm hơn mọi ngày để chuẩn bị xôi và rượu nếp.

Ông Cơ cho biết, không chỉ ông mà cả làng làm xôi cũng đều phải dậy sớm để chuẩn bị. Ngày bình thường 1 ngày sẽ phải sử dụng khoảng 80kg gạo, nhưng như ngày hôm nay sẽ dùng nhiều hơn.

Xôi có nhiều loại như xôi đỗ xanh, xôi cốm, xôi dừa, xôi đỗ đen, xôi lạc…, tất cả sau khi được trộn lẫn đều, ngâm nước đủ được đưa vào nôi hơi điện để hông.

Thời gian hông xôi khoảng 1h đồng hồ bằng nồi hơi, cứ 3 phút sẽ được kiểm tra cho thêm nước hoặc nhấc xôi ra đánh tơi lần nữa. Trong thời gian hông xôi, ông Cơ cũng tranh thủ dựng xe xếp thúng lên để có xôi là sắp vào đi luôn.

Được biết, làng nghề nấu xôi Phú Thượng có khoảng 500 hộ làm nghề truyền thống này, con số đó thay đổi theo thời gian.

Xôi Phú Thượng cũng đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Năm 2019, hai nghệ nhân tại làng vinh dự được mang xôi đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều để phục vụ hàng nghìn phóng viên trong nước và quốc tế.

Sau khi hông xôi, sắp xôi vào thúng gọn gàng trên yên xe là vào khoảng 3h hơn.

Vợ ông Cơ đã chuẩn bị sẵn các rổ lớn đựng nếp cái vàng và nếp cái đen bày ra giữa nhà.

Để có được cơm rượu nếp, hầu hết đều đã phải ủ trước ngày 2 đến 3 ngày.

Với nhiều người, món ăn nhất định phải có trong ngày Tết Đoan ngọ là cơm rượu nếp. Theo quan niệm dân gian, cơm nếp có thể diệt ký sinh trùng, mầm bệnh trong cơ thể. Cơm nếp nồng trộn với men cay của rượu có tác dụng loại bỏ các loài ký sinh gây hại.

Theo gia đình ông Cơ, giá cơm riệu nếp đang được bán là 50 nghìn/1kg.

Niềm vui của ông Cơ mỗi sáng khi được múc cơm riệu nếp vào nồi để chở ra chợ bán. Ông còn hóm hỉnh nói: "Nước riệu nếp này ngọt ngọt, nhưng cũng nhanh say. Trước đây tôi mỗi ngày cứ phải để ra 1 - 2 chai nước cốt riệu nếp này uống, đến nay có tuổi rồi không uống được nhiều nữa nhưng ngửi hương vị này tôi vẫn cảm thấy thích thú."

Sau khi đã xong mọi công việc, hơn 4 sáng. Những gánh hàng xôi, cơm gạo nếp đã bắt đầu được người dân Phú Thượng chuyển đi phục vụ mọi khách hàng.

Tất bật từ 3h, bà con làng xôi Phú Thượng đã phục vụ người dân từ các khu chợ cho đến khắp các ngóc ngách của thành phố những suất xôi, cơm rượu nếp.

Quang Hùng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-dan-lang-xoi-phu-thuong-day-tu-2h-sang-tat-bat-phuc-vu-tet-doan-ngo-post197617.html