Người dân làm du lịch: Thấy gì qua cuộc gia nhập 'thần tốc'?. Bài 3

Bài 3: Đừng để lỡ nhịp...

Đa mục tiêu, đa giá trị

Gần cuối tháng 6/2023, UBND tỉnh có công văn triển khai các giải pháp về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong đó phân công nhiệm vụ cho các sở ngành liên quan, địa phương phối hợp xây dựng và nâng cao chất lượng các dự án, kế hoạch triển khai mô hình thí điểm thuộc chương trình phát triển du lịch nông thôn theo quyết định phê duyệt danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập trung vào các nội dung nổi bật.

Khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại trang trại thanh long Hàm Thuận Nam.

Đó là xây dựng thiết kế tổng thể, cảnh quan mô hình du lịch nông thôn, làm định hướng để người dân, cộng đồng hình thành các sản phẩm du lịch và tổ chức quản lý du lịch hiệu quả, phù hợp với địa phương. Đó là quan tâm công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho các chủ thể, lao động du lịch nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Thêm nữa, truyền thông, thay đổi tư duy về vai trò, cách làm du lịch nông nghiệp, nông thôn, đặt cộng đồng là trung tâm, lấy cộng đồng là nền tảng để xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Nội dung quan trọng khác là chủ động bố trí, lồng ghép nguồn lực, để hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với kế hoạch đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình/dự án khác trên địa bàn. Song song đó, xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới theo Kế hoạch số 3790/KH-UBND ngày 9/11/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại Bình Thuận… Tất cả đều nhằm mục tiêu chung đã đặt ra trong Kế hoạch 3790: “Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững”.

Điều đáng chú ý, chính vì nhấn mạnh phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách đã tạo ra bản chất của du lịch nông thôn sự đa dạng, phong phú. Và cũng chính vì chú ý khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển du lịch nông thôn tại các địa bàn, môi trường khác nhau như rừng, khu bảo tồn thiên nhiên, biển, đảo… theo các quy định của pháp luật nên du lịch nông thôn trở nên rất rộng và hình thành sự khác biệt đặc sắc. Không chỉ thế, chú ý triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững nên đồng thời các loại hình du lịch khác nhau có thể sẽ xuất hiện như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề... Mặt khác, ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc cho từng vùng miền và có hiệu quả kinh tế; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân là hướng đi không chỉ thu hút đầu tư của doanh nghiệp, các HTX… mà còn từ chính sự vươn lên của các đối tượng trên qua hình thành những sáng kiến, ý tưởng, mô hình khởi nghiệp. Nhất là khi kế hoạch cũng có tính đến tổ chức mạng lưới chuyên gia du lịch, nông nghiệp và các ngành khác là doanh nhân, nghệ nhân, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia hỗ trợ các hộ dân và cộng đồng khai thác, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, thủ công mỹ nghệ…

Hoàng hôn ở làng quê Đức Linh.

Cảnh đẹp rừng nguyên sinh.

Cần "bắt lửa" mới nhen

Với kế hoạch xây dựng theo hướng đa mục tiêu, đa giá trị nên du lịch nông thôn được tiên lượng khi triển khai vướng nhiều quy định khác nhau. Từ đợt bùng nổ du lịch tự phát ở các huyện có tiềm năng du lịch qua là một minh chứng. Ở góc độ nào đó cho thấy các điểm du lịch tự phát này mang dáng dấp của du lịch nông thôn như trong kế hoạch, khi đã sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; khi đã đáp ứng thị hiếu của du khách, thu hút khách tìm đến bằng cách bài trí cảnh quan hấp dẫn, chuẩn bị nhiều sản vật, món ăn địa phương và nhất là khi đã góp phần tăng thu nhập của người dân trong vùng. Nhưng đồng thời đó cũng làm rõ nét hơn một thực tế vướng mắc giữa các luật và cả chưa quy định trong luật nên cần có sự thống nhất và hướng dẫn của ngành chức năng.

Bãi rêu ở Bình Thạnh (Tuy Phong).

Nét đẹp làng quê

Với việc kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát dưới tán cây trên đất nông nghiệp; homestay bên cạnh sông suối… dù vướng sử dụng đất không đúng mục đích nhưng cũng đang chờ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi bộ này đảm đương nhiệm vụ tại Nghị quyết 82/CP: “Thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn với cảnh quan nông thôn, văn hóa cộng đồng, tăng trải nghiệm, phát huy tối đa du lịch tại các vùng nông nghiệp, gắn với nông thôn và nông dân, phát huy các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn”. Trong khi đó, việc các hộ nuôi trồng hải sản bằng lồng bè trên biển Phú Quý xin phép được kết hợp kinh doanh dịch vụ ẩm thực, tức du khách tới tham quan nơi nuôi cá, sau đó chọn cá và yêu cầu làm món ăn tại chỗ thưởng thức luôn thì thực hiện đầu tư đúng quy định không dễ. Vì hoạt động này ẩn chứa nhiều vấn đề xung quanh an ninh trật tự, an toàn cho du khách, nhất là trên mặt biển. Thêm nữa, theo ngành chức năng, vấn đề trên chưa quy định cụ thể trong luật và cũng quá mới với Bình Thuận nên cần có thời gian tìm hiểu, học tập tại các tỉnh có mô hình du lịch trên mặt biển tương tự.

Bên dòng La Ngà.

Làng nghề dệt thổ cẩm Chăm.

Làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Đức Linh.

Du khách tham quan tháp Pô Sah Inư.

Nét đẹp làng quê

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều hồ thủy lợi có cảnh quan đẹp, rất có tiềm năng làm du lịch, có thể thu hút du khách tìm đến đông như hồ Sông Quao, hồ Sông Lũy, hồ Sông Lòng Sông… Và trình tự thủ tục để thuê mặt nước cũng đã có quy định rõ ràng ở tỉnh, vì theo khoản 1, điều 3 Luật Thủy lợi đã thống nhất nguyên tắc trong hoạt động thủy lợi là phục vụ đa mục tiêu. Trên hồ thủy lợi, có thể cho thuê mặt nước nuôi cá, kinh doanh dịch vụ du lịch, miễn là bảo đảm môi trường, an toàn hồ, đập. Còn bên lâm nghiệp cũng có cho phép làm du lịch dưới tán rừng. Một số tổ chức, doanh nghiệp đang làm các thủ tục đầu tư…

Không chỉ thế, nông thôn Bình Thuận còn nhiều tiềm năng khác cho phát triển du lịch mà đặc sắc nhất là các di tích, thắng cảnh với vẻ đẹp nổi bật, độc đáo, như một sự hiếm gặp của thiên nhiên, của 1 vùng đất. Thường những nơi này có sức thu hút khách rất cao và nếu khai thác tốt vừa có kinh phí để đầu tư cho bảo tồn lại vừa góp phần giúp du lịch nông thôn thêm màu sắc địa phương. Điều đáng nói, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của các cấp về phát triển du lịch nông thôn đã có, việc sắp tới là các sở, ngành liên quan cùng các huyện, thị, thành phố và nhân dân thích làm du lịch phối hợp thực hiện nhịp nhàng để không lỡ nhịp từ chính du lịch “du kích” vừa qua, vốn được ví như đã nhuốm chút lửa ban đầu cho phát triển du lịch nông thôn.

Chính sự xuất hiện các mô hình du lịch nông thôn trong thời gian tới khiến không chỉ liên kết đồng bộ với du lịch biển, vốn nổi bật của Bình Thuận lâu nay mà còn giúp đa dạng các tour, tuyến du lịch trong tỉnh, níu giữ du khách ở lại Bình Thuận dài ngày hơn..

Bài 1: Bùng nổ du lịch “du kích”

Bài 2: Băn khoăn và chờ đợi

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nguoi-dan-lam-du-lich-thay-gi-qua-cuoc-gia-nhap-than-toc-bai-3-111222.html