Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi thế nào từ việc giảm 2% thuế VAT?

Tác động tích cực của việc giảm thuế VAT là giúp doanh nghiệp giảm tiền vốn chi ra để trả tiền thuế VAT khi mua nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào khác trong một chu kỳ luân chuyển vốn.

Người tiêu dùng cá nhân khó cảm nhận được chính sách giảm thuế VAT

Cuối tháng 11/2023, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) từ 10% xuống còn 8% và được áp dụng trong nửa năm, từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Đây là lần thứ 3, Quốc hội đồng ý giảm 2% thuế VAT. Trước đó, lần đầu Quốc hội giảm thuế là từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Lần thứ 2 là từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Người tiêu dùng cá nhân khó cảm nhận được chính sách giảm thuế VAT. (Ảnh: Moit)

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, nhiều người dân đã biết được chính sách giảm 2% thuế VAT từ đầu năm 2024, tuy nhiên họ chưa cảm thấy sự khác biệt quá lớn từ chính sách này.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, bà Kim Loan, một người dân đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chia sẻ, việc giảm 2% thuế VAT là tương đối ít và rất khó cảm nhận chính sách này.

"Tôi hiểu chính sách giảm 2% thuế VAT sẽ giúp người dân giảm bớt gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, là một người tiêu dùng bình thường, tôi chưa thật sự cảm nhận rõ chính sách này tác động thế nào đối với cuộc sống. Ví dụ, một túi gạo 3kg trước có giá 120.000 đồng, thì nay giảm có hơn 3.000 đồng, hoặc một thùng mỳ ăn liền cũng chỉ làm 4.000 - 5.000 đồng", bà Loan nói.

Đó là chưa kể, không phải tất cả các mặt hàng tiêu dùng đều được giảm 2% thuế VAT.

Đồng tình với quan điểm này, ông Võ Thành Ấn, lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may cho rằng, chính sách giảm thuế VAT hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn là đối với người tiêu dùng cá nhân bình thường.

"Đối với doanh nghiệp, chính sách giảm thuế VAT có tác động rất lớn, nhiều chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu được giảm mạnh, điều này giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp", vị này cho biết.

Giảm thuế, đồng nghĩa với giảm ngân sách nhưng cần thiết

Trong khi đó, TS Võ Thị Vân Khánh, khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Tài chính cho biết, tại Việt Nam, mức thuế VAT phổ biến nhất cho các loại hàng hóa là 10%. Nghĩa là, một mặt hàng thông dụng doanh nghiệp mua về để bán đều có sẵn trong đó 10% thuế VAT. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp là các loại mặt hàng hóa đặc biệt chỉ chịu thuế suất là 5%, thậm chí có loại là 0%.

Theo bà Khánh, việc giảm 2% thuế VAT đồng nghĩa với việc giảm thu ngân sách nhà nước. Theo đó, với hai lần giảm thuế VAT từ mức 10% xuống 8% này, dự kiến làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 80. 000 tỷ đồng.

“Thuế VAT là sắc thuế được áp dụng rộng rãi ở gần như tất cả hàng hóa, dịch vụ và có tầm ảnh hưởng rộng nhất trong đời sống người dân. Do đó, việc giảm thuế này không chỉ tiết kiệm chi phí cho người dân, kích cầu tiêu dùng, mà còn thúc đẩy đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19”, TS Võ Thị Vân Khánh nói.

Giảm thuế, đồng nghĩa với giảm ngân sách nhưng cần thiết. (Ảnh: PO)

Cũng theo bà Khánh, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023, như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.

“Điều này tạo điều kiện phục hồi và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay, góp phần trực tiếp và gián tiếp duy trì việc làm, thu nhập người lao động và nguồn thu mới cho ngân sách nhà nước”, bà Khánh nhấn mạnh.

Trên thực tế, thuế VAT là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, do đó khi giảm thuế thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp người dân mua được nhiều hàng hóa hơn với cùng một lượng tiền.

Bên cạnh đó, những tác động tích cực của việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% còn giúp doanh nghiệp giảm tiền vốn chi ra để trả tiền thuế VAT khi mua nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào khác trong một chu kỳ luân chuyển vốn.

“Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguồn tài chính tương đương khoảng 2% (bằng tỷ lệ giảm thuế) trong tổng doanh số mua vào của doanh nghiệp. Số tiền này sẽ được đưa vào tái đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển”, bà Khánh nói.

Để thụ hưởng việc giảm thuế, doanh nghiệp cần xác định mã hàng hóa thuộc diện giảm thuế VAT; điều chỉnh giá đã in sẵn trên tem, vé, thẻ tại các khu du lịch, trạm kiểm soát...

Tóm lại, việc giảm 2% thuế VAT đang và sẽ giúp cho các cơ sở kinh doanh, người dân đều được hưởng lợi và nền kinh tế có thêm động lực phục hồi kinh doanh, thể hiện sự hỗ trợ, chia sẻ thiết thực, trực tiếp và hiệu quả nhất của nhà nước.

"Đồng thời, đòi hỏi Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, tăng cường triển khai hiệu quả các Luật thuế và quản lý thu ngách nhà nước chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế... bù vào phần hụt thu ngân sách nhà nước do giảm thuế...", bà Khánh nói thêm.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-dan-doanh-nghiep-huong-loi-the-nao-tu-viec-giam-2-thue-vat-post282318.html