Người dân đổ xô mua đồ xông chữa Covid-19: Đừng để tiền mất, tật mang

Các trường hợp F0 trên địa bàn tỉnh Sơn La những ngày qua liên tục tăng cao. Trong số đó, nhiều người đã phải tự điều trị tại nhà.

GD&TĐ - Các trường hợp F0 trên địa bàn tỉnh Sơn La những ngày qua liên tục tăng cao. Trong số đó, nhiều người đã phải tự điều trị tại nhà.

Nhiều người dân ở Sơn La tìm mua các loại lá về xông mũi vì có thông tin sẽ phòng, chữa được Covid-19.

Nhiều người dân ở Sơn La tìm mua các loại lá về xông mũi vì có thông tin sẽ phòng, chữa được Covid-19.

Nghe nói “xông” hơi sẽ phòng, chống Covid-19 hiệu quả, người dân ở TP Sơn La đang đổ xô đi mua gừng, sả, vỏ bưởi…

Trước tâm lý của nhiều người, dùng những sản phẩm trên xông mũi có thể phòng, thậm chí là chữa được Covid-19. Vì thế, giá của các mặt hàng trên tăng lên gấp 3 - 4 lần ngày trước.

Chị Cà Thị Thương nhiều năm nay bán hàng nông sản tại chợ Nong Đúc (phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La). Thấy nhu cầu người mua lớn, chị cũng thu gom vỏ bưởi, lên nương hái thêm lá bưởi về bán kèm với những mặt hàng còn lại. Có ngày chị thu về đến 800 nghìn đồng.

“Trước đây, tôi chủ yếu bán các loại rau, củ, quả thôi. Thấy nhiều khách hàng tìm mua nên tôi lên nương hái lá bưởi, thu gom vỏ bưởi, gom vào với sả, gừng, chanh đem bán. Tất cả đều được bó thành từng mớ. Mỗi 1 mớ đầy đủ các loại, tôi bán từ 15.000 - 20.000 đồng. Bình quân mỗi ngày, tôi bán được khoảng 40 mớ”.

Gần 20 năm bán hàng tại chợ Nong Đúc, bà Quàng Thị Quân cũng chưa khi nào thấy các mặt hàng lâu nay vốn cho không ai lấy, mà giờ đắt như “tôm tươi” như hiện nay. Nhận thấy rõ điều này, bà Quân cũng thu gom về đem bán kiếm lời.

“Trước đây, tôi bán rau là chủ yếu. Gần đây, thấy khách tìm mua sả và chanh nhiều nên tôi hái ở vườn nhà đi bán. Nhưng vì nhu cầu tiêu thụ quá lớn nên vườn gia đình cũng hết sạch. Thế nên, hàng ngày cứ khoảng 3 giờ là tôi đến chờ xe tải chở nông sản về bán đổ rồi mua lại. Hôm nào đến sớm thì còn mua được nhiều. Có hôm đến muộn chẳng được lạng nào”, bà Quân nói.

“Do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao nên sả cũng tăng giá theo từng giờ, trước đây tôi chỉ bán được 3.000 – 4.000 đồng/kg. Nhưng nay thì khác, tôi bán được 20.000 đồng/kg. Trừ gốc đi rồi cũng lãi khoảng 11.000 đồng/kg”, bà Quân nói thêm.

Bà Hằng – người dân sinh sống tại phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La - chia sẻ: “Tôi nghe nhiều người nói các loại thảo dược mang về đun sôi, khi hơi nước bốc lên thì dùng khăn phủ lên đầu rồi xông.

Hơi nước nóng sẽ làm giãn mạch ngoại biên, lượng máu được tăng cường. Từ đó kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài giúp người bệnh có cảm giác dễ chịu”.

Bà Hằng nói thêm: “Xông hơi nóng giúp làm mềm vảy mũi, giảm nhanh các triệu chứng nghẹt mũi, giảm sung huyết niêm mạc mũi, giúp người bệnh phục hồi khứu giác. Chính vì vậy, hôm nay tôi mới đi mua về xông cho cả nhà ngăn ngừa dịch Covid-19”.

Liên quan đến nội dung trên, Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Cầm Thị Hương, Giám đốc Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Sơn La, cho biết: Theo y dược cổ truyền thì xông có tác dụng tiêu diệt Covid.

Bác sĩ Hương khuyến cáo người dân chỉ nên thực hiện đúng cách, như xông mũi chứ không nên xông toàn thân. Bởi nếu vậy sẽ có những phản ứng tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Dùng thảo dược thì cơ thể có thể cảm thấy dễ chịu, êm dịu bởi nó thẩm thấu từ từ. Còn nếu dùng tinh dầu hoặc dùng hóa dược thì xông nó xộc lên và sẽ kích ứng niêm mạc. Vì thế, chúng tôi vẫn khuyên người dân nên dùng thảo dược.

Để đúng cách thì 1 ngày chúng ta xông khoảng 3 - 4 lần, vào các buổi: Sáng, trưa, chiều, tối. Thế nhưng mỗi lần xông đừng quá lâu. Chúng ta cũng đừng dí mũi vào quá. Như vậy sẽ không tốt và ảnh hưởng đến niêm mạc”, bà Hương nói.

Cũng theo bác sĩ Hương, khi xông người dân phải biết lựa chọn dược liệu phù hợp để có hiệu quả cao. Ví dụ như việc đun nước gừng, sả để xông là không phù hợp. Vì thế, bác sĩ Hương khuyến cáo người dân nên dùng các loại thuốc đã được bào chế. Bởi khi qua bào chế, nhà sản xuất đã tính toán tỷ lệ phù hợp.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/nguoi-dan-do-xo-mua-do-xong-chua-covid-19-dung-de-tien-mat-tat-mang-9D2fYUY7g.html