Người dân cồn Tam Hiệp (Bến Tre) 'kêu cứu' vì cạn nguồn nước ngọt

Cồn Tam Hiệp(huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) là vùng đất nằm giữa sông Cửa Đại và Cửa Trung. Ở thời điểm này, nơi đây bị nước mặn bao vây, cơn khát nước ngọt đang đỉnh điểm, cần có giải pháp cấp bách để cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất ở vùng 'đầu sóng, ngọn gió này'.

Đến cồn Tam Hiệp những ngày này, chúng tôi cảm nhận dưới cái nắng chói chang, gió chướng từ biển thổi mạnh làm cho những con sóng vỗ liên hồi đập vào bờ với độ mặn trên 8 phần nghìn. Những vườn cây nhãn, cây bưởi, mít nơi đây có biểu hiện vàng lá, héo lá thậm chí chết khô do thiếu nguồn nước ngọt.

Cồn Tam Hiệp nằm giữa sông nước mặn bủa vây

Ông Lê Quốc Dũng, nông dân xã Tam Hiệp nói: "Một số cây nhãn, dừa bị chết, héo còn cây mít cháy lá. Nước nội đồng mặn quá không tưới được, khi tưới buổi sáng thì buổi chiều lên muối luôn. Nước sinh hoạt cũng đang thiếu, bây giờ tôi mong làm sao cấp trên cho chở sà lan nước ngọt về để phục vụ cho bà con sinh hoạt hàng ngày. Nguồn nước này sẽ sử dụng ăn uống, tắm rửa và sử dụng phun thuốc trừ một số sâu bệnh cấp bách hiện nay".

Một số loại cây ăn trái tại xã Tam Hiệp đã cháy lá do thiếu nước ngọt

Trái bưởi non bị rụng do thiếu nước ngọt

Còn ông Nguyễn Ngọc Hữu, chủ 01 ha vườn cây nhãn và bưởi đang bị thiệt hại do hạn mặn bức xúc: "Ở đây cây nhãn và bưởi bị hạn. Vì mặn không tưới được nên cây bì xào lá, rụng trái, rụng gần 100% luôn. Tình trạng này mà kéo dài không có nước ngọt thì cây chết hết. Còn nước sinh hoạt nhà nào khá thì còn không thì phải đi xin nước rồi”.

Ở thời điểm này, nguồn nước mặt tại các kênh, rạch tại xã Tam Hiệp đã nhiễm mặn, nước ngọt, nước mưa dự trữ trong lu, hồ của người dân bắt đầu cạn đáy. Để “cứu khát” cho người dân, chính quyền địa phương đã vận hành 2 máy RO xử lý nước mặn thành ngọt nhưng cung cấp chỉ hơn 20 mét khối/ngày. Nếu nước mặn không giảm, khô hạn còn kéo dài thì vấn đề “khát" nguồn nước ngọt đối với vùng đất này cần được giải quyết cấp bách. Một số dịch vụ chở nước ngọt đến đổi cho người dân sử dụng với giá 200 nghìn đồng/mét khối.

Người dân Tam Hiệp đến điểm cấp nước RO chở từng thùng nước ngọt về phục vụ sinh hoạt gia đình

Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết: "Xã không có nhà máy nước sinh hoạt nên phải chạy máy RO tại UBND xã và trụ sở ấp, máy R0 chạy hết công suất. Do đó giải pháp lúc này là kêu gọi cấp trên quan tâm, đưa nước ngọt hỗ trợ về cho bà con”.

Trao đổi với PV Đài TNVN, ông Huỳnh Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết, xã Tam Hiệp do không có nhà máy xử lý nước nên có khan hiếm nước sinh hoạt. Chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân chủ động trữ nước nhưng ý thức chưa cao dẫn đến thiếu nước, giải pháp dùng chở sà lan chở nước ngọt đến nơi đây cũng đang tính đến.

Một số đáy kênh đã cạn, nước bát đầu ô nhiễm

"Đối với xã Tam Hiệp việc đưa nước ngọt về rất khó. Chúng tôi đã tuyên truyền người dân từ tháng 10 về việc chứa nước tại các hộ dân mà họ chủ quan. Chúng tôi cũng vừa họp đã đề xuất xây dựng nhà máy nước riêng ở xã này. Hiện dân vẫn đang kiến nghị đưa sà lan chở nước về cho dân", ông Huỳnh Văn Mai nói.

Xã Tam Hiệp có hơn 1500 hộ dân, đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, vào mùa khô hạn như hiện nay nỗi khốn khó càng chồng chất nhất là nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Người dân xã đảo này đang mong chờ sự quan tâm, của các ngành các cấp trong tỉnh Bến Tre để giảm bớt thiệt hại, gánh nặng do thiên tai gây ra.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-dan-con-tam-hiep-ben-tre-keu-cuu-vi-can-nguon-nuoc-ngot-post1083875.vov