Người dân biên giới một lòng theo Đảng

Các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cùng sự chung tay vào cuộc của các lực lượng vũ trang đã đem đến cuộc sống ngày càng ấm no cho người dân trên tuyến biên giới của tỉnh Gia Lai. Trong sự đổi thay ấy, người dân càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết bảo vệ vững chắc dải biên cương của Tổ quốc.

Đổi thay trên miền biên viễn

Làng Nú (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) có 270 hộ với hơn 900 khẩu. Bao đời nay, người dân trong làng đã đoàn kết, chăm lo lao động sản xuất, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần xây dựng khu vực biên giới ngày càng phát triển.

Năm nay đã bước qua gần 70 mùa rẫy, hơn ai hết, già làng Rơ Lan Din hiểu rõ những đổi thay trên quê hương mình. “Trước đây, những con đường trong làng mùa mưa thì lầy lội, mùa khô thì bụi mù, nhưng giờ đây đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong làng chiếm 38%, đến nay giảm còn 10%. Làng có 30% số hộ thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng, nhà nào cũng có ti vi, xe máy, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, làng đã được công nhận đạt chuẩn làng nông thôn mới”-già làng Rơ Lan Din tự hào khoe.

Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-điểm nhấn trên vùng biên giới. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Trên địa bàn 3 huyện biên giới của tỉnh có 7 xã với 48 thôn, làng. Hiện gần 20 thôn, làng đã đạt chuẩn nông thôn mới. Để minh chứng cho sự phát triển trên vùng phên giậu của Tổ quốc, ông Phạm Văn Cường-Bí thư Huyện ủy Đức Cơ-cho biết: Trên địa bàn huyện có 3 xã biên giới là Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn. Ia Dom là xã đầu tiên trên tuyến biên giới Tây Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Đời sống của người dân vùng biên đã có nhiều đổi thay nhờ vào các loại cây công nghiệp, các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 15% so với năm 2014.

Ia Mơr và Ia Púch là 2 xã biên giới của huyện Chư Prông. Trước đây, đời sống của người dân 2 xã còn nhiều khó khăn. Nhưng 3 năm trở lại đây, nhờ các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng, diện tích lúa nước ngày càng mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thay vì trồng lúa rẫy mỗi năm 1 vụ, năng suất thấp thì giờ đây, người dân đã trồng lúa nước 2 vụ cho năng suất 6-8 tấn/ha. Già làng Rơ Lan Hlếk (làng Klăh, xã Ia Mơr) cho hay: “Làng mình giờ không lo thiếu lương thực nữa bởi cây lúa nước đã được người dân trồng nhiều nhờ chính quyền địa phương và các đơn vị hướng dẫn, rồi đưa máy móc cải tạo ruộng đất. Cây lúa nước đã giúp nhiều người dân trong làng có cuộc sống sung túc”.

Một lòng theo Đảng

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới luôn một lòng theo Đảng, che chở, bảo vệ cho bộ đội và cán bộ địa phương. Sau gần 50 năm đất nước thống nhất, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no. Dù các thế lực thù địch vẫn không ngừng kích động, lôi kéo, dụ dỗ người dân chống phá chính quyền, gây mất đoàn kết nhưng đều thất bại bởi sự cảnh giác cao độ của bà con. Già làng Rơ Châm Hloắc (làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai) khẳng định: “Đã là người dân sống trên vùng biên giới thì phải biết chăm lo bảo vệ từng tấc đất biên cương. Với vai trò già làng, tôi luôn vận động bà con chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, không nghe kẻ xấu lừa phỉnh, xúi giục làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân”.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng Biên phòng tỉnh hướng dẫn người dân xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) chăm sóc cà phê. Ảnh: T.T

Hiện nay, trên địa bàn 7 xã biên giới của tỉnh đã thành lập được 65 tổ tự quản với 430 thành viên. Trong đó, 13 tổ tự quản đường biên cột mốc với 82 thành viên; 1 câu lạc bộ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc với 6 thành viên; 48 tổ tự quản an ninh trật tự thôn làng với 326 thành viên; 1 tổ tàu thuyền an toàn với 6 thành viên và 2 tổ tự quản an ninh trật tự trong đồng bào có đạo với 10 thành viên. Các tổ tự quản đã trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Họ thực sự là những “cột mốc sống” trên vùng biên giới. Từ đầu năm đến nay, các tổ tự quản đã báo cho lực lượng chức năng hàng trăm nguồn tin có giá trị để phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm.

Để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên vùng biên giới, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cử 49 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 48 chi bộ thôn, làng; phân công 216 đảng viên phụ trách 951 hộ gia đình ở các xã biên giới; cử 7 cán bộ làm phó bí thư Đảng ủy 7 xã biên giới. Trong niềm vui về những đổi thay từng ngày ở khu vực biên giới, già làng Siu Phin (làng Goong, xã Ia Púch, huyện Chư Prông) chia sẻ: “Khu vực biên giới đã có nhiều đổi thay, đời sống của người dân ngày càng ấm no. Điều quan trọng là mỗi người dân trên vùng biên giới cần đoàn kết, chăm lo lao động sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Chúng tôi tuyệt đối không nghe theo những lời xúi giục của kẻ xấu, luôn cảnh giác với những âm mưu lừa phỉnh của các thế lực thù địch. Phải đoàn kết, một lòng tin theo Đảng để có cuộc sống ấm no hơn”.

THIÊN THANH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nguoi-dan-bien-gioi-mot-long-theo-dang-post247704.html