Người đắm say với văn hóa dân gian

Vốn là dân kỹ thuật, tưởng chừng tâm hồn khô khan và cứng nhắc, thế nhưng ông Tống Đại Hồng, hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh lại là một tâm hồn 'dạt dào hương sắc'. Chính tâm hồn ấy đã giúp ông vượt qua những 'đoạn đường' khó trên hành trình chinh phục văn hóa dân gian.

Ông Hồng chia sẻ, sau 36 năm công tác trong ngành điện lực, năm 2011, ông về hưu. Cái “duyên nợ” với những nét văn hóa của dân tộc Tày đã xui khiến ông tham gia vào Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đến năm 2015, ông vào tham gia vào Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh rồi được bầu là Chi hội trưởng năm 2016. Trong suốt nhiệm kỳ 2015-2020, ông đã đem hết tâm huyết, trách nhiệm của một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tân Mỹ (Chiêm Hóa) giàu truyền thống văn hóa để đi, nghiên cứu và sưu tầm điệu Then, Tính Tẩu, điệu Cọi, Sli, Lượn thắm thiết, mượt mà. Tất cả được ông gom góp, chắt lọc, sáng tạo, đưa những tinh hoa ấy vào các cuốn sách để góp phần lưu truyền và gìn giữ cho muôn đời sau.

Trong nhiệm kỳ ấy, ông đã thực hiện được 5 công trình nghiên cứu văn hóa dân gian “đồ sộ” cả chung và riêng, chuyên sâu về các phong tục, tập quán, chữ viết, văn hóa của người Tày, người Dao như: Tranh thờ của người Dao Tuyên Quang, Văn Quan Làng, Lễ cưới của người Dao đỏ ở Tuyên Quang, Lễ cấp sắc 7 đèn của người Dao đỏ ở Tuyên Quang và Phong tục lấy rể kế thế của người Tày ở Tuyên Quang.

Ngoài ra, còn một số tác phẩm của các tác giả khác như: Dân ca dân vũ của người Cao Lan, Dân ca dân vũ của người Dao... Ông tự hào khoe, đó là nhiệm kỳ “rực rỡ”, “khởi sắc” nhất trong các nhiệm kỳ phát triển của Chi hội Văn nghệ dân gian của tỉnh.

Tiếp nối những thành công ấy, năm 2021, dù không còn là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian của tỉnh nữa, ông Hồng vẫn là hội viên cần mẫn nghiên cứu, sáng tạo và cho ra đời hơn 100 bài thơ. Nhiều bài thơ được viết bằng 3 loại ngôn ngữ: Việt - Nôm - Tày. Ông làm thơ lục bát bằng tiếng Tày. Trong đó phải kể tới tác phẩm bằng chữ Nôm Tày: Lượn hồng nhan tứ quý và bộ Then tứ bách.

Gần đây nhất, tháng 5-2022, ông Hồng tiếp tục cho ra đời cuốn Từ điển Nôm Tày - Việt, tổng hợp những câu chuyện cổ tích, các bài hát Then, Lượn, Cọi... được viết dưới dạng chữ Nôm Tày. Và hiện nay, ông đang miệt mài thực hiện Dự án Tin học hóa chữ Nôm Tày Tuyên Quang.

Trên con đường khám phá, chinh phục những tinh hoa của văn hóa dân gian, tuy có khó khăn, nhiều khi không suôn sẻ nhưng ông Hồng luôn nhận được sự giúp đỡ của đồng nghiệp, của các “tiền bối” và bạn bè. Ông chia sẻ, thời gian tới, ông sẽ cố gắng hoàn thiện Dự án Tin học hóa chữ Nôm Tày Tuyên Quang để giúp cho nhiều người muốn tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu về chữ Nôm Tày có thêm phương tiện để tra cứu. Đồng thời, ông mong muốn, thế hệ trẻ sẽ được biết đến, lưu truyền, giữ gìn và phát huy những tinh hoa văn hóa dân gian, chữ viết của dân tộc mình.

Bài, ảnh: Thu Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chuyen-de/nguoi-tot-viec-tot/nguoi-dam-say-voi-van-hoa-dan-gian-161641.html