Người đại biểu nặng lòng với đồng bào vùng cao

Từng trải qua tuổi thơ của một cậu bé người Hà Nhì sinh ra và lớn lên ở xã Thu Lũm, huyện Mường Tè - xã biên giới khó khăn, xa xôi và hẻo lánh nhất nhì cả nước; đến làm giáo viên 'cắm bản' lần lượt đi 'gieo' chữ ở những điểm trường khó khăn nhất của huyện Mường Tè... Tròn 40 tuổi, thầy giáo Chu Lê Chinh trở thành người Hà Nhì đầu tiên trúng cử đại biểu Quốc hội. Trong 3 khóa làm đại biểu Quốc hội (XII, XIII, XIV), đại biểu Quốc hội Chu Lê Chinh đã không ngừng học hỏi, rèn luyện, đem hết trí tuệ và tâm huyết để thực hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri cả nước, cũng như đồng bào các dân tộc của tỉnh Lai Châu...

Tuổi thơ xa nhà để… theo con chữ

Từ thị trấn của huyện Mường Tè, phải mất gần một ngày đường chúng tôi mới tới được bản Pa Thắng, xã Thu Lũm. Ngay sau bản là đường biên giới với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Đại biểu Chu Lê Chinh, trong trang phục truyền thống của người Hà Nhì chạy ra đón chúng tôi vào ngôi nhà trình tường rất đặc trưng của vùng đất này. Như để động viên chúng tôi sau chặng đường dài và cũng chứng minh cho đổi thay của vùng đất xa xôi nhất của cả nước này, đại biểu Chu Lê Chinh bảo: “Giờ toàn là đường trải nhựa nên bạn đi thế là nhanh đấy. Tròn 50 năm trước, khi tôi còn theo học bậc tiểu học, từ thị trấn Mường Tè vào xã Thu Lũm phải mất 5 ngày đường, từ xã vào bản phải đi bộ thêm 1 ngày nữa”.

 Đại biểu Chu Lê Chinh phát biểu trước Quốc hội Khóa XIV về đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Đại biểu Chu Lê Chinh phát biểu trước Quốc hội Khóa XIV về đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Lục lại từng trang ký ức, anh Chinh kể với chúng tôi về khoảng thời gian đi theo đuổi con chữ của anh và những bạn bè cùng trang lứa trong bản: Trước năm 1980, cả xã Thu Lũm chỉ có một ngôi trường tiểu học duy nhất ở trung tâm xã. Học sinh ở các bản đều được bố mẹ chuẩn bị gạo, ngô, sắn và... muối và gửi đến trường theo học. Trong số các bản lẻ, thì Pa Thắng là bản xa nhất, nên có khi cả tháng bố mẹ mới xuống thăm 1 lần để bổ sung lương thực, còn lại tất cả đều nhờ vào sự chăm sóc, yêu thương của thầy cô giáo. Sau khi học xong chương trình phổ cập tiểu học tại xã, các học sinh lại một lần nữa... xa nhà hơn – Chuyển về học Trường Phổ thông dân tộc nội trú của huyện tại thị trấn Mường Tè. Con đường đi học vốn đã gian nan, nay lại càng vất vả hơn bội phần!

Anh Chinh nhớ lại: "Lúc đầu bản Pa Thắng chỉ có 6 học sinh độ tuổi 12,13 được bố mẹ cho về thị trấn học. Ngày đầu tiên về trường, 6 bạn được bố mẹ đưa từ bản tới xã. Từ đây với hành trang là cặp sách và một túi ngô rang, 6 cậu bé học sinh cứ nhằm con đường đất đỏ hướng về thị trấn mà đi. Lúc bắt đầu đi thì ai cũng hào hứng, đến ngày thứ hai của cuộc hành trình, có bạn không theo nổi phải trở về nhà vì quá vất vả. Riêng bản thân tôi vẫn quyết tâm đi đến trường vì lời hứa với bố mẹ: Con sẽ quyết tâm học để trở thành thầy giáo và mang cái chữ về tận bản để các em sau này không phải đi xa để học nữa. Tròn một tuần, ban ngày đi bộ, tối nhóm học sinh lại tìm nhà dân xin ngủ qua đêm và cứ sau mỗi ngày, nhóm lại bớt đi một thành viên vì không đủ sức đi bộ tiếp. Ròng rã 7 ngày, khi đặt chân đến trường học thì chỉ có một mình tôi. Suốt những năm học phổ thông sau này, dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tôi luôn đạt thành tích học tập đứng đầu các lớp học". Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Chu Lê Chinh đã là người Hà Nhì đầu tiên của Pa Thắng trở thành thầy giáo đứng trên bục giảng, truyền dạy lại kiến thức, chữ viết cho các em học sinh các dân tộc của huyện Mường Tè.

Là “cầu nối”... cho ước nguyện của cử tri

Năm 2007, được sự tín nhiệm của cử tri, ông Chu Lê Chinh đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XII (nhiệm kỳ 2007-2011) với tư cách Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Lai Châu, trở thành niềm tự hào của Pa Thắng nói riêng và dân tộc Hà Nhì nói chung.

Thấu hiểu những khó khăn của đồng bào miền núi, nên ngay trong lần tiếp xúc cử tri đầu tiên với vai trò là đại biểu Quốc hội khóa XII, ông đã cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu trực tiếp tham gia tiếp xúc cử tri tại các địa phương đang đối mặt với nhiều khó khăn nhất để trực tiếp kiểm tra, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đồng bào. Ông Chinh nhớ lại: “Đó là một chuyến đi để lại nhiều ấn tượng với các thành viên trong đoàn, bởi phương tiện di chuyển chủ yếu là xe máy và đôi chân vì nhiều bản vẫn chưa có đường giao thông. Tối đến chúng tôi ngủ lại trong các nhà dân được thắp sáng bằng đèn dầu, hoặc các bóng điện lập lòe do chạy bằng máy phát điện tự chế, do điện lưới không có!...”.

Ngay sau đó, từ ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, hàng loạt dự án nhà máy thủy điện đã được Chính phủ đồng ý xây dựng. Các công trình thủy điện đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển điện, cấp nước cho Đồng bằng sông Hồng về mùa khô mà còn tạo cơ hội phát triển kinh tế-xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc. Đồng thời nhiều tuyến đường giao thông nối các huyện, các xã vùng sâu trên địa bàn tỉnh cũng được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu đề nghị Chính phủ triển khai, nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy khai thác tiềm năng đất đai, ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất của đồng bào dân tộc của huyện Nậm Nhùn, vùng cao huyện Sìn Hồ và vùng Dào San, huyện Phong Thổ...

Trước khi trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Chu Lê Chinh đã có 13 năm công tác trong ngành giáo dục. Từ giáo viên “cắm bản” ở những điểm trường xa xôi, khó khăn nhất, đến đảm nhiệm vai trò phó hiệu trưởng, hiệu trưởng của nhiều trường trên địa bàn huyện Mường Tè... Đại biểu Chu Lê Chinh đã có nhiều ý kiến trước Quốc hội nhằm hoàn thiện chính sách phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, cấp tỉnh và khu vực, đào tạo liên thông THCS và THPT tại nội trú cấp huyện. Ông cũng là người đề xuất, kiến nghị chính sách đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo cho 9 dân tộc rất ít người như: Si La, Mảng, Cống, Pu Péo, Bố Y, Bờ Ru…; đề xuất, kiến nghị phụ cấp thâm niên cho nhà giáo, bảo lưu phụ cấp đứng lớp cho giáo viên điều động từ cơ sở giáo dục lên công tác chuyên môn tại cấp phòng, Sở; nghiên cứu thực hiện chính sách luân chuyển giáo viên từ vùng khó khăn về nơi có điều kiện thuận lợi; Đề xuất, kiến nghị phát triển trung tâm dạy nghề tại 62 huyện nghèo nhất nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, chính sách phát triển loại hình trường bán trú dân nuôi, chính sách nhà ở cán bộ giáo viên vùng sâu, vùng xa, nhà ở học sinh bán trú...

Trong ba khóa tham gia làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Chu Lê Chinh có cơ hội đi thực tế nhiều nơi trong nước và một số nước trên thế giới, ông quan sát và tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước phải xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, chuyển hướng sang chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trước đây bà con tập trung trồng cây lúa, cây ngô, cây sắn, những cây này chỉ giải quyết vấn đề xóa đói trước mắt, muốn làm giàu thì phải thay đổi, tìm những loại cây có giá trị về mặt kinh tế. Ông đã cho người dân thử nghiệm trồng một số cây có giá trị cao như cây quế, cây mắc ca, trước hết là thử nghiệm trong hộ gia đình, để chính người dân thấy được giá trị của các loại cây, sau đó ông tuyên truyền họ chuyển dần sang trồng các loại cây kể trên, đã có nhiều gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ mô hình này.

 Đại biểu Chu Lê Chinh tiếp xúc, lắng nghe ý kiến cử tri là đồng bào vùng cao, dân tộc thiểu số huyện Mường Tè.

Đại biểu Chu Lê Chinh tiếp xúc, lắng nghe ý kiến cử tri là đồng bào vùng cao, dân tộc thiểu số huyện Mường Tè.

Thay lời kết

Trong những ngày công tác ở tỉnh Lai Châu, tôi đã trực tiếp chứng kiến nhiều đổi thay bất ngờ nơi đây. Đó là niềm vui được đến trường của hàng vạn em nhỏ ở những ngôi trường đã và đang trở thành “Chuẩn quốc gia” tại các bản làng xa xôi nhất trên địa bàn tỉnh. Đó là những con đường trải nhựa phẳng lỳ đã rút ngắn thời gian đi lại giữa các xã với trung tâm huyện. Những công trình thủy điện đã thắp sáng cho các bản làng xa xôi nhất. Và đặc biệt đồng bào nơi đây ai cũng hân hoan, phấn khởi bên những vườn cây mắc ca, hứa hẹn sẽ mang đến giá trị kinh tế cho bà con, giúp bà con vươn lên thoát nghèo.

Ai cũng hân hoan, tin tưởng và biết ơn những đại biểu tận tụy, thật lòng lo cho nhân dân, là cầu nối kịp thời mang những ý kiến của cử tri đến Quốc hội. Cái vẻ yên ả, thanh bình những nếp nhà sàn tỏa nhẹ khói lam sau những vạt nắng chiều đan trên sườn núi mờ sương và niềm tin Lai Châu sẽ trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế trong thời gian không xa.

Bài, ảnh: NGÔ THANH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/nguoi-dai-bieu-nang-long-voi-dong-bao-vung-cao-726406