Người Cống có cuộc sống ấm no nhờ giữ rừng

Trên địa bàn huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong gần 10 năm qua đã được các cấp, các ngành và người dân đặc biệt quan tâm. Trong đó, cộng đồng người dân tộc Cống ở bản Lả Chà, xã Pa Tần là những hạt nhân tiêu biểu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, hơn 10 năm nay, bản Lả Chà không xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng.

Một góc xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Tuấn Trung

Trên địa bàn huyện Nậm Pồ, dân tộc Cống chỉ có ở một bản duy nhất là bản Lả Chà, xã Pa Tần, với 82 hộ và hơn 400 nhân khẩu nhận quản lý, bảo vệ 1.713,82ha rừng. Thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên giai đoạn 2013-2020, đời sống người dân tộc Cống đã dần ổn định. Nếu như trước đây, bản Lả Chà còn để xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng làm nương, cuộc sống độc canh cây lúa nên phần lớn các hộ của bản Lả Chà đều là hộ nghèo, thì giờ đây, đời sống của đồng bào dân tộc Cống nơi đây đã đổi thay, ấm no từng ngày.

Ông Lù Văn Hán, Trưởng bản Lả Chà cho biết: “Bản chúng tôi đã thành lập 4 đội tuần tra bảo vệ rừng, mỗi đội gồm 20 người, thực hiện tuần tra ít nhất 1 lần/tháng, mùa hanh khô thực hiện 2-3 lần/tháng. Theo quy ước, nếu ai chặt gỗ, phá rừng làm nương sẽ bị phạt tiền tùy theo mức độ; tiền phạt vi phạm về rừng sẽ được thu từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ngoài ra, lực lượng của bản cùng với cán bộ Kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con dân bản phát nương, đốt nương đúng quy trình kỹ thuật; bố trí người túc trực không để lửa lây lan vào rừng... Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng nên hơn chục năm nay, bản chưa phải xử lý trường hợp nào vi phạm quy định về bảo vệ rừng”.

Bản Lả Chà có diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng năm 2022 đạt 1.833,192ha, với số tiền được chi trả là gần 2 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, mỗi hộ dân của bản Lả Chà được chi trả khoảng 25 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Việc thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng đầy đủ, kịp thời làm cho bà con nhân dân trong bản phấn khởi, đời sống no ấm dần lên, nhà nào cũng sắm được ti vi, xe máy, thiết bị phục vụ cuộc sống. Hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp cho người dân có thêm thu nhập, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng.

Bên cạnh việc quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng, bà con dân tộc Cống còn tích cực khai hoang ruộng nước và trồng trọt các loại rau màu trên đất bãi ven suối Nậm Pồ, phát triển nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ lễ, Tết và sinh hoạt hằng ngày. “Để cả bản cùng quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng thì điều quan trọng nhất là phải tạo được sự đồng thuận của người dân trong bản. Cả bản cùng đồng thuận bảo vệ rừng, không phá rừng và cũng không để ai xâm hại, không ai được tùy tiện vào rừng của cộng đồng bản Lả Chà khai thác lâm sản và nguồn lợi trong rừng khi chưa được phép. Đời sống của bà con đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư, nên không có lý do gì để mình vi phạm pháp luật cả” - ông Hán cho biết thêm.

Từ thực tiễn cho thấy, nguyên nhân dẫn tới tình trạng phá rừng do người dân chưa có nhận thức đúng đắn về công tác quản lý, bảo vệ rừng, vẫn còn tập tục đốt rừng làm nương rẫy. Vì vậy, bản Lả Chà đã làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân trong bản hiểu về những lợi ích từ rừng mang lại, coi rừng là tài sản sinh lợi chung của cộng đồng, để người dân trong bản cùng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, hưởng lợi từ chi trả dịch vụ môi trường rừng; vận động người dân trong bản mở rộng diện tích khai hoang ruộng nước; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ phối hợp với lực lượng dân quân, chủ rừng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Tuấn Trung

Bước vào mùa hanh khô năm 2023 là thời điểm mà cán bộ, nhân dân bản Lả Chà nói riêng và nhân dân xã Pa Tần nói chung nâng mức cảnh báo cao độ để canh lửa, giữ bình yên cho những cánh rừng do cộng đồng bản, xã quản lý. Ông Poòng Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Tần cho biết: “Pa Tần là xã có diện tích được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng lớn nhất huyện, với tổng diện tích là 9.292,610ha. Ðể nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, hàng năm, xã Pa Tần xây dựng kế hoạch, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách các bản. Đòng thời, thành lập các tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng các bản tổ chức tuần tra, kiểm soát, canh gác rừng; lập phương án, phân công trực phòng cháy, chữa cháy rừng mùa hanh khô".

Ngoài ra, xã còn giám sát việc thực hiện quy ước bảo vệ rừng của các bản; tổ chức ký cam kết bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng giữa xã với bản và các hộ dân. Thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đảm bảo kịp thời. Đến nay, diện tích rừng, tỷ lệ che phủ rừng của xã ngày một tăng. Hiện, xã có 11.973,93ha diện tích đất có rừng, tỷ lệ che phủ đạt 72,2%. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức trong công cuộc giữ rừng, nhưng những cách làm hiệu quả của bản Lả Chà đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng bào hiểu rằng, rừng là tài sản sinh lợi chung của cộng đồng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm chung của cộng đồng, vì cuộc sống của chúng ta hôm nay và tương lai.

Đỗ Trung Thành

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-cong-co-cuoc-song-am-no-nho-giu-rung-post463344.html