Người chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong tiến trình đánh giặc, giữ nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó với vai trò Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam (1964 - 1967), với nhãn quan chiến lược, tác phong sâu sát, nắm bắt thực tiễn chiến trường, kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm, đồng chí đã đề xuất nhiều chủ trương đúng đắn, nhất là việc tổ chức các đơn vị chủ lực đứng chân trên các chiến trường miền Nam và tìm ra cách đánh thích hợp, độc đáo, phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, góp phần củng cố quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ cho quân và dân ta.

1. Xây dựng các đơn vị chủ lực làm nòng cốt đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ

Trước nguy cơ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị thất bại hoàn toàn, Mỹ đang tính đến đưa quân viễn chinh trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam, nhằm giành thắng lợi trong thời gian ngắn trên chiến trường miền Nam. Nhận định được tình hình trên, tháng 9-1964, Bộ Chính trị tiến hành Hội nghị dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm phân tích tình hình cách mạng miền Nam và đề ra chủ trương quyết tâm đẩy mạnh phong trào cách mạng, giành những thắng lợi quyết định.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Miền Nam phải mở rộng chiến tranh du kích, xây dựng chủ lực thành quả đấm mạnh, gọn, nhanh”(1). Nhằm tăng cường sự lãnh đạo cho cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị quyết định cử một số cán bộ cao cấp có kinh nghiệm xây dựng bộ đội chủ lực và chỉ huy các trận đánh lớn vào chiến trường miền Nam. Thực hiện chủ trương trên, tháng 10-1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử vào miền Nam giữ chức Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, trực tiếp chỉ đạo chiến trường miền Nam.

Trên cương vị mới, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn bám sát diễn biến tình hình và cùng với Trung ương Cục miền Nam, Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, chỉ đạo và tổ chức quân, dân miền Nam phát huy tư tưởng chiến lược tiến công trong tình hình nhiệm vụ mới, đề ra nhiệm vụ phải đánh thắng quân Mỹ ngay từ những trận đầu. Để thực hiện mục tiêu đó, cần chú trọng quán triệt để xây dựng tư tưởng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ trong toàn thể đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Đại tướng cho rằng muốn đánh thắng Mỹ, trước hết phải dám đánh Mỹ: “kiên quyết đánh địch thì mười phần chắc chắn thắng lợi đại thắng lợi”(2).

 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam cùng các đồng chí đang nghiên cứu bản đồ tác chiến tại Trảng Lớn, khu vực Kà Tum (năm 1964). Ảnh tư liệu

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam cùng các đồng chí đang nghiên cứu bản đồ tác chiến tại Trảng Lớn, khu vực Kà Tum (năm 1964). Ảnh tư liệu

Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chiến dịch tiến công ấp chiến lược Bình Giã ở Đông Sài Gòn (từ ngày 2-12-1964 đến ngày 3-1-1965), chiến dịch đầu tiên của bộ đội chủ lực trên chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ đã giành thắng lợi, góp phần đánh bại chiến thuật “trực thăng vận, thiết xa vận" của địch; đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam về trình độ lãnh đạo tổ chức chỉ huy tác chiến tập trung kết hợp phong trào chiến tranh du kích địa phương. Thắng lợi đó khẳng định sự cần thiết phải xây dựng bộ đội chủ lực thành “quả đấm” mạnh đủ sức làm nòng cốt đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Với tầm nhìn chiến lược và trải qua thực tiễn chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã sớm nhận định: “Đặc điểm trong năm 1965 không phải là một thời cơ để chúng ta đánh thêm một vài trận, không phải xây dựng thêm một vài tiểu đoàn một vài trung đoàn mà thời cơ trong năm 1965 có thể khá hơn nữa,… là trong tình hình mới ta có những điều kiện tương đối chín muồi để giành một thắng lợi quyết định”(3), cho nên “Cái mới bây giờ không phải là đánh du kích lẻ tẻ, tước vũ khí dân vệ, mặc dù cái đó rất cần, cái mới bây giờ là làm sao đánh vào chủ lực của địch, tiêu diệt làm sao cho được từ 3 đến 4 vạn chủ lực của nó”(4) và “khi mà chủ lực bị tiêu diệt từng đơn vị rồi thì tình hình có thể biến chuyển, cái đó là cái mới, cho nên trong khi tiếp tục đưa du kích, bộ đội địa phương tiến lên, phải khẩn trương xây dựng chủ lực: Trong lúc nắm du kích chiến là chính, phải tích cực đưa vận động chiến lên”(5).

Đại tướng chỉ rõ nếu ta phát triển chiến tranh du kích dù đến đỉnh cao, nhưng chỉ đánh nhỏ thì không thể giành thắng lợi hoàn toàn, vì vậy muốn đập tan chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, chúng ta cần phải xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang chính quy với ba thứ quân, xây dựng lực lượng cách mạng quần chúng, chú trọng xây dựng các quả đấm chủ lực. Đồng chí nhấn mạnh: “Bây giờ du kích cũng quan trọng, bộ đội địa phương cũng quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là phải có chủ lực mạnh đủ sức tiêu diệt từng tiểu đoàn, trung đoàn chủ lực của địch”(6). Đồng thời với việc xây dựng và phát triển lực lượng chủ lực là phải xây dựng lực lượng hậu cần chủ lực trên cơ sở xây dựng cơ sở quần chúng thật vững mạnh. Chủ trương đó đã thể hiện sự nhạy bén, chắc chắn trong nắm bắt tình hình cũng như nhãn quan chiến lược của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy quân giải phóng miền Nam nói chuyện với dũng sĩ diệt Mỹ dự Đại hội liên hoan dũng sĩ diệt Mỹ lần thứ nhất năm 1965. Ảnh tư liệu

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy quân giải phóng miền Nam nói chuyện với dũng sĩ diệt Mỹ dự Đại hội liên hoan dũng sĩ diệt Mỹ lần thứ nhất năm 1965. Ảnh tư liệu

Nhằm động viên tinh thần, phát động quyết tâm đánh Mỹ, Chính ủy Nguyễn Chí Thanh đã chỉ đạo tổ chức Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ nhất (5-1965). Đại hội diễn ra tại chiến khu Dương Minh Châu, gồm 150 chiến sĩ thi đua bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng nhấn mạnh: Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của chúng ta mang trong mình nó một tư tưởng lớn của thời đại là không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ, quyết thắng Mỹ, đấu tranh vì độc lập, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội. Đồng chí khẳng định “Cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra cách đánh thắng Mỹ”(7). Chủ trương bám sát thực tiễn này dựa trên căn cứ trước hết phải có quyết tâm dám đánh, quyết thắng, từ đó trong quá trình chiến đấu trực tiếp với quân Mỹ mới phát hiện được điểm mạnh, yếu của chúng, sở trường, hạn chế của ta, để tìm ra cách đánh hiệu quả nhất. Đánh giá về Đại hội, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ nhận định: “Đây là đại hội của tinh thần quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược... là cái mốc đánh dấu sự trưởng thành của các lực lượng vũ trang giải phóng”(8).

Từ kinh nghiệm của các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề xuất: “Phải xây dựng các đơn vị quân chủ lực tinh nhuệ, có khả năng và luôn cơ động (tức vận động chiến); phải thực hiện đánh tiêu diệt lớn đối với quân chiến đấu Mỹ ở những trận then chốt thì mới có thể giành thắng lợi”(9). Đại tướng đã chỉ đạo cử nhiều đoàn cán bộ xuống thị sát trực tiếp tình hình các chiến trường, đặc biệt là nghiên cứu, tìm hiểu và xây dựng phương án về khả năng đảm bảo vật chất hậu cần tại chỗ và vũ khí trang bị đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và tác chiến của bộ đội làm cơ sở vững chắc tham mưu cho Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập các sư đoàn Quân giải phóng miền Nam.

Năm 1964, toàn Miền mới có 11 trung đoàn và 15 tiểu đoàn, thì đến cuối năm 1965 đã phát triển thành 5 sư đoàn: Sư đoàn 3, Sư đoàn 2 (Quân khu 5), Sư đoàn 9 Quân chủ lực Miền, Sư đoàn 5, Sư đoàn 1 (Tây Nguyên) và 11 trung đoàn bộ binh, nhiều trung đoàn và tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật; từ các tổ, phát triển thành các trung đoàn, tiểu đoàn đặc công, biệt động. Các sư đoàn chủ lực cơ động của Quân giải phóng miền Nam ra đời làm nòng cốt cho phong trào đánh Mỹ của quân và dân ta trên các hướng chiến trường và đã thực hiện tốt việc kết hợp vừa xây dựng, vừa đẩy mạnh hoạt động tác chiến, tổ chức nhiều chiến dịch giành thắng lợi, đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức, chỉ huy và trình độ tác chiến tập trung, làm thất bại các biện pháp chiến lược của địch, góp phần cùng toàn dân đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Chiến thắng Vạn Tường (thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), ngày 18-8-1965. Ảnh tư liệu

Chiến thắng Vạn Tường (thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), ngày 18-8-1965. Ảnh tư liệu

2. Tìm ra cách đánh thích hợp, độc đáo, góp phần đánh thắng Mỹ trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”

Cuối năm 1965, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Trung ương Cục, Quân ủy Miền triệu tập Hội nghị mở rộng do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chủ trì. Hội nghị đã bàn bạc, đề ra những đối sách đối phó với “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Trong đó có vấn đề rất quan trọng cần phải giải đáp là: làm sao để đánh thắng được Mỹ. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã giải đáp: Cơ sở để đánh Mỹ đó là chính nghĩa, là niềm tin và vì độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Cơ sở để ta thắng Mỹ đó là lòng quyết tâm đánh thắng Mỹ, là ý chí kiên cường, không run sợ trước sức mạnh của kẻ thù xâm lược.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng chỉ rõ: “Mỹ vào Việt Nam trong thế bị động, thế thua, tương quan lực lượng không thay đổi căn bản được. Do đó ta cứ tiếp tục tiến công, chỉ có tiến công mới tiếp tục giữ thế chủ động và tiếp tục làm cho Mỹ - ngụy bị động, suy yếu. Mỹ có cách đánh của Mỹ, ta có cách đánh của ta. Ta phải bắt Mỹ đánh theo cách đánh của ta”(10). Đại tướng đã cùng các đồng chí ở Trung ương Cục miền Nam nghiên cứu, phân tích toàn diện so sánh thế và lực ta - địch trên chiến trường và trên cả bình diện quốc tế, để xây dựng cách đánh Mỹ: “Tiêu diệt địch đi đôi với phát triển chiến tranh du kích... Đánh địch đi đôi với phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng… Tác chiến đi đôi với địch vận để làm tan rã từng mảng địch… Chỉ đánh giặc không thì chưa đủ, mà còn phải làm công tác chính trị tốt trong quần chúng”(11).

Đồng chí Trần Văn Trà (Tư Chi), Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam trao đổi với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam trên bản đồ tác chiến tại căn cứ Quân ủy Miền (năm 1966). Ảnh tư liệu

Đồng chí Trần Văn Trà (Tư Chi), Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam trao đổi với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam trên bản đồ tác chiến tại căn cứ Quân ủy Miền (năm 1966). Ảnh tư liệu

Trên chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo bộ đội, du kích nắm vững, phát huy chiến thuật đánh áp sát nhằm tránh phi pháo, chia cắt đội hình quân Mỹ rồi tấn công tiêu diệt; phát huy cao độ tinh thần chủ động đánh địch; xây dựng, củng cố hệ thống các “vành đai diệt Mỹ” tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân vây hãm và tiến công địch ngay tại căn cứ chỉ huy, căn cứ hậu cần, là nơi xuất phát hành quân của quân Mỹ trên chiến trường miền Nam. Những chiến thắng của quân và dân miền Nam trong các trận: Núi Thành, Vạn Tường, Bàu Bàng, Plây-me và thung lũng Ia-đrăng, cuộc hành quân Át-tơn-bo-rơ và nhất là đánh bại cuộc hành quân tổng lực để “tìm diệt” mang tên Gian-xơn Xi-ty đã chứng minh cách đánh đó hoàn toàn phù hợp và đạt hiệu quả cao.

Những chiến thắng đó đã giúp cho Trung ương Cục miền Nam, Bộ Tư lệnh Miền mà trực tiếp là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đánh giá đúng những điểm mạnh, điểm yếu của quân đội Mỹ, tổng kết thực tiễn chiến đấu của quân và dân ta, từ đó khái quát thành phương châm chỉ đạo tác chiến “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” và nhanh chóng được phổ cập, nhân rộng cho các đơn vị lực lượng vũ trang giải phóng và nhân dân miền Nam; tiến hành lập các “Vành đai diệt Mỹ”, thi đua phấn đấu trở thành “Dũng sĩ diệt Mỹ”… Phương châm tác chiến mà Đại tướng chỉ đạo đã góp phần khắc phục tư tưởng ngại Mỹ, sợ Mỹ, khơi dậy và cổ vũ toàn quân, toàn dân tinh thần dám đánh, biết đánh, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhờ có phương châm tác chiến đúng đắn, quân và dân ta đã hạn chế tối đa sức mạnh của vũ khí tối tân, phương tiện chiến tranh hiện đại, lối đánh dựa vào công hiệu của vũ khí hỏa lực của địch, buộc Mỹ và quân đội Sài Gòn rơi vào thế bị động đối phó, phải đánh theo cách đánh mà chúng không có sở trường.

Chiến thuật “Nắm thắt lưng địch mà đánh” trở thành ý chí và hành động của Quân giải phóng miền Nam, là đóng góp nổi bật nhất của đồng chí Nguyễn Chí Thanh trong những năm tháng ở chiến trường miền Nam. Đại tướng Lê Đức Anh đã khẳng định: “Từ thực tế chiến đấu, sự sáng tạo của các đơn vị, các địa phương, anh Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến, đồng thời cũng là khẩu hiệu hành động cách mạng nổi tiếng, nhanh chóng đi vào lòng người, lan tỏa thành cao trào cách mạng trên khắp chiến trường”(12).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam nghe báo cáo bố trí lực lượng Mỹ-ngụy năm 1966. Ảnh tư liệu

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam nghe báo cáo bố trí lực lượng Mỹ-ngụy năm 1966. Ảnh tư liệu

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền lãnh đạo, chỉ đạo phát động phong trào chiến tranh nhân dân rộng khắp, đánh địch bằng “hai chân, ba mũi”, trên cả ba vùng chiến lược, phát triển lực lượng chính trị của quần chúng đông đảo, đồng thời xây dựng lực lượng bộ đội chủ lực ngày càng lớn mạnh, tạo thành những “quả đấm thép”, giáng những đòn chí mạng vào quân đội viễn chinh xâm lược Mỹ và quân đội Sài Gòn trong các chiến dịch mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967.

Với chiến thắng Đông Xuân 1966 - 1967, đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai trong âm mưu “tìm để diệt” của Mỹ, một cục diện mới mở ra trên chiến trường miền Nam. Thế trận của quân và dân miền Nam trên các địa bàn chiến lược phát triển mạnh mẽ từ Trị Thiên, Tây Nguyên, ven biển Trung Trung Bộ đến Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, đánh dấu một bước phát triển mới của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, chứng tỏ sự thất bại của Mỹ về chủ trương chiến lược hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” cùng chính sách leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc hòng cô lập cách mạng miền Nam.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ rõ: “Chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ đã từ tình trạng bị động, khủng hoảng sang trạng thái gần bế tắc, mọi mục tiêu chiến lược Mỹ đề ra đều thất bại, mọi biện pháp mà chúng dùng để thực hiện mục tiêu đó đều bị phá sản”(13). Thực tiễn chỉ đạo đánh Mỹ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí trong Trung ương Cục miền Nam đã đóng góp vào cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng trong đấu tranh cách mạng Việt Nam, giúp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đề ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Gần 3 năm ở chiến trường miền Nam, với trọng trách Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam giành nhiều thắng lợi. Đại tướng có tầm nhìn chiến lược cả về chính trị, quân sự hết sức nhạy bén, sâu sắc, với quan điểm xây dựng “quả đấm chủ lực” trên chiến trường miền Nam đã đúng cả về thời cơ và phương châm chiến lược; lấy thực tiễn chiến trường để thúc đẩy phát triển nghệ thuật quân sự, xác định phương châm tác chiến, cách đánh năng động, sáng tạo và đầy hiệu quả. Đồng thời, Đại tướng đã chỉ đạo phát huy vai trò công tác Đảng, công tác chính trị, phát huy sức mạnh chính trị, tinh thần, động viên quân dân Miền Nam nêu cao quyết tâm “đánh Mỹ, thắng Mỹ”, thực hiện mục tiêu chiến lược của cách mạng miền Nam. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc vai trò người Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, có những đóng góp quan trọng, kịp thời vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trung tá, ThS PHAN ÁNH TUYẾT - Thiếu tá, ThS NGUYỄN THỊ THẢO (Viện Lịch sử quân sự)

-----------------------

(1) Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 561.

(2) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2007, tr.109.

(3) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2007, tr.165.

(4) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2009, tr.705.

(5) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2009, tr.705.

(6) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2009, tr.704.

(7) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, tập IV - Cuộc đụng đầu lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.40.

(8) Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội. 2013, tr. 217.

(9) Nguyễn Chí Thanh, Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1977, tr.117.

(10) Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập 3, Nxb Thời đại, Hà Nội 2013, tr.118.

(11) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 2013, tr.32-33.

(12) Đại tướng Lê Đức Anh: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh “Anh bộ đội Cụ Hồ tiêu biểu”, Căn cứ địa bắc Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.196.

(13) Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập 1, quyển 2, Nxb Thời đại, Hà Nội 2013, tr.563.

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/nguoi-chinh-uy-cac-luc-luong-vu-trang-giai-phong-mien-nam-759191