Người chắp cánh cho đổi mới, sáng tạo

Ở Công ty TNHH MTV Ứng dụng Kỹ thuật và Sản xuất (Bộ Quốc phòng) (Công ty TECAPRO), Đại tá Phạm Văn Dưỡng, Phó tổng giám đốc được ví như nhạc trưởng, người thổi hồn và chắp cánh cho những đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh của cán bộ, nhân viên trẻ.

Bình quân mỗi năm, Công ty TECAPRO thực hiện hàng chục dự án khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội với chất lượng tốt. Kết quả nổi bật ấy có những đóng góp không nhỏ của Đại tá Phạm Văn Dưỡng trên các cương vị khác nhau.

Tôi biết về Đại tá Phạm Văn Dưỡng qua Lê Thành Nam, nhân viên công tác tại Công ty TECAPRO.

 Đại tá Phạm Văn Dưỡng, Phó tổng giám đốc Công ty TECAPRO.

Đại tá Phạm Văn Dưỡng, Phó tổng giám đốc Công ty TECAPRO.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cuối năm 2016, Lê Thành Nam đầu quân cho TECAPRO với vai trò là nhân viên kỹ thuật công nghệ xử lý nước. Tính đến nay, sau 7 năm, Nam đã tham gia thực hiện hàng chục dự án về nước sạch và xử lý nước thải ứng dụng công nghệ 4.0 điều hành, quản lý từ xa cho các đơn vị trong toàn quân và nhiều doanh nghiệp.

Do đặc thù công việc, tôi đã đôi lần gặp Nam. Gần đây, sau khi công trình có tên “Giải pháp quản lý từ xa trong lĩnh vực xử lý nước thải, bảo vệ môi trường và truyền dữ liệu tới đám mây, ứng dụng công nghệ Blockchain & IOT” được trao Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo Quân đội lần thứ 23, năng lực của Lê Thành Nam được nhiều người biết tới. Gặp nhau trong quán cà phê nhỏ ở phố Nguyễn Biểu, gần Thành Cửa Bắc vào một buổi chiều đầu thu, Nam ý nhị từ chối tôi lấy thông tin viết về cậu ấy. Nam nói: “Xét cho cùng em chỉ là người “giải toán”. Em sẽ giới thiệu cho anh người “nhạc trưởng” có nhiều thành tích trong đơn vị được đồng đội rất yêu quý, kính trọng”.

Cuối tuần rồi, khi thời tiết đã lập Đông, tôi mới được gặp người “nhạc trưởng” mà Nam đã hứa tại văn phòng Công ty TECAPRO trên phố nhà binh (đường Lý Nam Đế, Hà Nội). Trong căn phòng làm việc ấm áp, Đại tá Phạm Văn Dưỡng say sưa nói về các dự án đậm chất khoa học công nghệ mà anh và cộng sự đã triển khai.

Anh kể rằng, gần đây, công ty vừa hoàn thành dự án công trình cấp nước sạch ở Binh đoàn 15. Điều đáng nói là, anh và cộng sự đã tư vấn cho đối tác sử dụng công nghệ phù hợp với nguồn kinh phí đầu tư, nhưng vẫn khai thác, cho ra nguồn nước sạch phục vụ cán bộ, chiến sĩ, công nhân, đồng bào dân tộc với giá thành rẻ hơn của các đối tác khác đã chào mời.

- Các anh có bí quyết công nghệ gì đặc biệt?

- Cũng không hẳn thế. Cái chính là công ty có những cán bộ trẻ đam mê. Họ đã tìm cách tối ưu hóa công nghệ thông qua nghiên cứu những hệ thống máy phù hợp với điều kiện Việt Nam. Cạnh đó, họ đã nghiên cứu, tích hợp công nghệ 4.0 vào quản lý, điều hành, giúp tiết giảm chi phí đầu tư.

Rồi anh Dưỡng thổ lộ, năm 1999, sau khi tốt nghiệp, anh được trên điều về Sư đoàn 317, Quân khu 7 công tác. Sau 5 năm gắn bó với bộ đội, với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, năm 2005, anh được điều động về Công ty TECAPRO... Nhưng điều khiến tôi bất ngờ với vị Phó tổng giám đốc công ty chuyên về kinh doanh và khoa học, công nghệ này là anh đã vượt khó để học rồi phát triển như ngày hôm nay theo một cách rất lạ, không giống như những cán bộ thường thấy trong Quân đội.

Đại tá Phạm Văn Dưỡng trao đổi với đồng nghiệp.

Đại tá Phạm Văn Dưỡng trao đổi với đồng nghiệp.

Phạm Văn Dưỡng quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình và từng học Trường Sĩ quan Chính trị từ năm 1994. Từ khi chuyển về Công ty TECAPRO công tác, nhận thấy cần phải có những kiến thức kinh tế, kỹ thuật phù hợp với môi trường mới, anh đã làm đơn xin học thêm về Tin học. Rồi quá trình công tác, nhận thấy anh có năng lực, tâm huyết trong kinh doanh, nghiên cứu kỹ thuật, công nghệ; thấy anh nhiệt huyết, trách nhiệm nên lãnh đạo, chỉ huy đã bổ nhiệm anh vào các vị trí: Trưởng phòng, Phó giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Giám đốc Chi nhánh Đà Nẵng, Phó tổng giám đốc phụ trách khối an ninh Quốc phòng và phụ trách mảng khoa học, kỹ thuật của công ty.

Anh tâm sự, càng học thì càng thấy thiếu nên anh không bằng lòng với những gì đã có. Anh tiếp tục sắp xếp, cân đối thời gian để học thêm ở các trường: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương và hiện nay anh đang theo học thạc sĩ ngành Quản trị doanh nghiệp và công nghệ tại Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện nay anh cũng đã trải qua đào tạo Cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị và cũng đã hoàn thành lớp đào tạo cao cấp ngắn hạn Chỉ huy tham mưu cấp Chiến dịch, chiến lược tại Học viện Quốc phòng.

Đại tá Phạm Văn Dưỡng là nhạc trưởng, thủ lĩnh trong các dự án nghiên cứu khoa học, công nghệ.

Đại tá Phạm Văn Dưỡng là nhạc trưởng, thủ lĩnh trong các dự án nghiên cứu khoa học, công nghệ.

Do đặc thù công việc làm báo, tôi được tiếp xúc với nhiều cán bộ các cấp. Tôi đã gặp nhiều cán bộ chuyển loại từ quân sự, kỹ thuật sang làm cán bộ chính trị. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp một cán bộ chính trị gốc lại chuyển sang làm cán bộ quản trị về khoa học, công nghệ và sản xuất, kinh doanh. Anh Dưỡng kể, để theo học được ngành kinh doanh và kỹ thuật là cả một sự cố gắng rất lớn vì sau nhiều năm, lượng kiến thức các môn khoa học tự nhiên thời phổ thông đã mai một, rơi rụng khá lớn. Điều ấy khiến anh phải tập trung thời gian để học. Có môn anh phải học lại từ đầu. Nhờ ý chí phấn đấu kiên cường, bền bỉ Phạm Văn Dưỡng đã vượt qua và tốt nghiệp đạt kết quả tốt.

Hiện nay, công việc của Đại tá Phạm Văn Dưỡng có phạm vi rất rộng, quản lý các đơn vị sản xuất kinh doanh và các dự án về công nghệ thông tin, môi trường của tổng công ty thực hiện ở các đơn vị trong toàn quân từ Bắc vào Nam. Ngoài tư vấn cho khách hàng, đối tác các giải pháp công nghệ để thực hiện các dự án thì anh còn là người thổi hồn cho các cán bộ kỹ thuật trẻ trong nghiên cứu, tổ chức thực hiện các dự án, hợp đồng.

Anh chia sẻ, mỗi người, nhất là các bạn trẻ thường thể hiện cá tính rất rõ trong công việc. Nếu không có cách để dung hòa cá tính, phát huy ưu điểm của từng người, tạo ra môi trường làm việc năng động sáng tạo, nhiều đam mê, yêu cầu cao, trong xây dựng đoàn kết tập thể, phát huy trí tuệ thì các nhóm làm việc sẽ rời rạc và khó có được kết quả như mong muốn.

Tôi cắt ngang lời anh Dưỡng: Các nhân viên trẻ nói rằng, anh là người thường xuyên ra các đề bài hóc búa trong kinh doanh, trong việc đưa ra các giải pháp kỹ thuật tối ưu cho khách hàng, tối ưu các chi phí. Nhưng thay vì xa lánh chỉ huy khắt khe thì họ lại rất quý anh. Đâu là ẩn số của điều đó?

- Họ nói cũng có phần đúng. Vì thực tế, nếu không có các dữ kiện, các yêu cầu về kinh tế-xã hội và môi trường… thì không thể có hướng tiếp cận vấn đề và càng không thể tìm ra giải pháp khả thi trong xây dựng dự án. Đặc biệt, khi đó là các dự án khoa học, công nghệ thì càng phải có các yêu cầu đặc trưng về các tham số khoa học. Tôi cho họ đầu đề và họ phải tìm cách giải bài toán để cho ra công nghệ bảo đảm chi phí đầu tư tiết kiệm, nhưng bền và cho hiệu quả tốt, ít hao hụt, sửa chữa và tuổi thọ cao. Bởi như anh biết đấy, đầu vào của một dự án càng tiết kiệm cho Nhà nước mà vẫn khai thác, cho ra sản phẩm hiệu quả trong thời gian tương đương sản phẩm của nước ngoài thì đó là nổi trội. Việc đó cũng là tiết kiệm nguồn lực đầu tư cho Nhà nước, Quân đội. Anh Dưỡng cười và nói, thực ra các cậu ấy tếu thôi chứ cũng không đến mức khắt khe lắm.

Hiện nay, công việc của Đại tá Phạm Văn Dưỡng rất bận. Trong kế hoạch công tác của anh, tôi nhận thấy nhiều đầu việc khác nhau. Trong đó nổi bật là làm việc, trao đổi với các đối tác, các nhà cung cấp; họp bàn giải pháp kỹ thuật cho các dự án mới; triển khai, kiểm tra các dự án đang thực hiện, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị phụ trách. Thời gian còn lại anh tập trung nghiên cứu tài liệu về các giải pháp công nghệ, xu hướng công nghệ, các dự án. Anh kể, vào những lúc cao điểm của các dự án hay nước rút các mô hình, cường độ làm việc của anh và những người lính TECAPRO càng khẩn trương, quyết liệt hơn, khó nói được bằng lời và mô tả bằng câu chữ.

Đại tá Phạm Văn Dưỡng tâm tình, lớp trẻ thời nay suy nghĩ khác xưa rất nhiều. Đôi lúc cảm tưởng như họ làm việc bằng cảm hứng và đam mê nhiều hơn là vì mục đích kinh tế. Thế nên, sống với họ thì phải hiểu họ. Nếu người lãnh đạo, chỉ huy và quản lý không gương mẫu, đúng mực về phong cách giao tiếp và lời nói ứng xử, không nghiêm khắc trong đánh giá cũng như sâu sát trong kiểm tra thì dễ rơi vào tình trạng được chăng hay chớ. Không có người dẫn đường, không có người chấn chỉnh, họ dễ làm ẩu, gây mất uy tín với khách hàng, đối tác. Hơn nữa, nếu khắt khe quá thì cũng gây tâm lý căng thẳng, khó lòng giữ chân được những bạn có năng lực chuyên môn tốt.

Từ những nhận thức và kinh nghiệm gần 20 năm công tác tại TECAPRO và gần 30 năm gắn bó trong Quân đội, để có một tập thể cán bộ trẻ năng động, dám nghĩ, dám làm, trên cương vị Phó tổng giám đốc, Đại tá Phạm Văn Dưỡng đã nêu gương, tiên phong trong nhiệm vụ. Anh luôn tận tâm bồi dưỡng, hướng dẫn cấp dưới tiến bộ. Những khi thi công dự án ở vùng sâu, vùng xa, anh Dưỡng lăn xả với anh em trong tổ chức lực lượng thực thi. Có khi anh cùng tham gia thi công với cán bộ, nhân viên trẻ bất kể thời tiết nắng, mưa. Tính đến nay, các đơn vị do anh Dưỡng phụ trách đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch công tác, tiêu biểu như: Công ty cổ phần viễn thông TECAPRO, Trung tâm kinh doanh 3, Chi nhánh Đà Nẵng. Năm 2022, 2023, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt thiết kế dấu "A" cho các thiết bị: Thiết bị đa năng cấp chiến thuật, Tổng đài chuyển mạch mềm TP-64, TP-128, TP-512, Thiết bị TSL lớp truy nhập tích hợp thoại TG-V32 do cán bộ, kỹ sư của công ty chế tạo và làm chủ công nghệ. Kết quả ấy có phần đóng góp rất quan trọng của Đại tá Phạm Văn Dưỡng.

Với những thành tích nổi bật, từ năm 2017 đến năm 2021, Phạm Văn Dưỡng liên tục được cán bộ, nhân viên, người lao động trong tổng công ty bầu chọn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2020, anh được Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân. Trong năm 2023, Đại tá Phạm Văn Dưỡng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Ngoài ra anh còn được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng 3 bằng khen về thực hiện các nhiệm vụ, trong tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ.

Chia tay Đại tá Phạm Văn Dưỡng, tôi không thể quên nam quân nhân có đôi mắt sáng, vầng trán cao trên khuôn mặt thông minh và miệng luôn thường trực nụ cười thân thiện. Tôi rất tâm đắc với những gì anh thổ lộ khi trò chuyện. Anh nói, trong thời đại khoa học công nghệ 4.0, nếu không tạo ra được tiềm lực nghiên cứu bằng các giải pháp, sản phẩm khoa học, công nghệ hữu ích, thiết thực phục vụ đời sống, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác của các cơ quan, đơn vị thì chỉ có đứng tại chỗ. Theo anh, đó là trạng thái thụt lùi đáng buồn. Vì khi đã đứng yên thì sẽ có tập thể khác, doanh nghiệp khác tận dụng cơ hội, thời cơ mà vượt lên. Do đó, chỉ có học và nghiên cứu cho ra sản phẩm chất lượng cao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn mới có thể khẳng định được uy tín, thương hiệu.

Đến đây thì tôi đã hiểu, tại sao Lê Thành Nam và các cán bộ trẻ, nhân viên trẻ cùng nhiều người ở Công ty TECAPRO tín nhiệm và coi Đại tá Phạm Văn Dưỡng là nhạc trưởng, thủ lĩnh trong các dự án nghiên cứu khoa học, công nghệ. Có thể nói, anh đã truyền lửa cho thế hệ trẻ, truyền nhiệt huyết cho mọi người trong tập thể bằng tinh thần học tập và bằng chính những gì tinh túy mà anh chắt lọc trong cuộc sống. Điều ấy thật đáng trân trọng, quý hơn cả vàng ròng.

Bài, ảnh: THẢO TRANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nguoi-chap-canh-cho-doi-moi-sang-tao-751319