Người bị đột quỵ tập phục hồi chức năng càng sớm sẽ càng tốt ?

Bác sĩ Trần Thị Kim Tuyết, Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết, rất nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi, có phải người vừa bị đột quỵ tập phục hồi chức năng càng sớm sẽ càng tốt?. Câu trả lời sẽ có trong bài viết.

Báo cáo tại hội nghị đào tạo chỉ đạo tuyến của bệnh viện Thống Nhất vừa qua, bác sĩ Trần Thị Kim Tuyết - Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho hay, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 sau bệnh tim mạch vành, để lại di chứng hết sức nặng nề.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200,000 người bị đột quỵ. Tỷ lệ tử vong lên tới 20% và đáng lưu ý là bệnh đang có xu hướng tăng ở những người trẻ.

Sau đột quỵ, có khoảng 70% người bệnh khuyết tật về chức năng vận động, cảm giác, ngôn ngữ, nhận thức, rối loạn nuốt, rối loạn tiểu tiện, nhận thức. Đáng chú ý, có 75% người không trở lại làm việc, 85% ảnh hưởng chức năng chi trên.

Bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) thăm khám, đánh giá khả năng phục hồi sau đột quỵ cho một bệnh nhân. Ảnh: Kim Vân.

Bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) thăm khám, đánh giá khả năng phục hồi sau đột quỵ cho một bệnh nhân. Ảnh: Kim Vân.

Theo bác sĩ Kim Tuyết, rất nhiều người quan tâm và băn khoăn đặt câu hỏi, người bị đột quỵ tập phục hồi chức năng và vận động quá sớm có hại hay không? Các hoạt động ngồi dậy sớm có làm ức chế tình trạng tưới máu?

Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Trần Thị Kim Tuyết cho biết, nói đến phục hồi chức năng rất sớm thì không thể không nhắc đến một nghiên cứu rất nổi tiếng AVERT. Đây là một nghiên cứu lớn đa trung tâm về vai trò của phục hồi chức năng rất sớm (trong vòng 24h).

Nghiên cứu của AVERT pha III (2014), bắt đầu từ 2006, tại 5 quốc gia: Úc, NewZealand, Malaysia, Singapore và liên hiệp Anh cho thấy, người bệnh đột quỵ không nên vận động quá sớm, tập thụ động là tốt nhất trong 24h đầu. Theo đó, chương trình tập vận động sớm với cường độ thấp là tốt hơn so với vận động rất sớm với cường độ cao, thường xuyên. Phục hồi chức năng sớm hơn, nhiều hơn có thể có hại cho người bệnh chảy máu não nặng.

"Chúng ta không nên tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân trong giai đoạn tối cấp trước 24h với cường độ cao. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng những chăm sóc thường quy, kỹ thuật phục hồi chức năng cơ bản và thay đổi tư thế chúng ta vẫn phải làm. Theo khuyến cáo của Hội tim mạch và hội đột quỵ Hoa Kỳ, vận động sớm trong vòng 24h với cường độ cao có thể làm giảm kết quả có lợi sau 3 tháng. Việc phục hồi chức năng sớm có thể có hại cho người bệnh chảy máu não nặng, đặc biệt lưu ý, người bệnh đột quỵ nặng", bác sĩ Kim Tuyết nói rõ.

Thực tế cho thấy, việc phục hồi chức năng đột quỵ não càng sớm càng tốt (sau 24 giờ) khi các điều kiện về huyết động cho phép. Trong đó chăm sóc phục hồi chức năng chi trên cho bệnh nhân đột quỵ cần phải chăm sóc toàn diện, tích cực và đưa ra các bài tập cá thể hóa trên từng người bệnh để đưa đến đích là đưa người bệnh trở lại sinh hoạt bình thường và trở nên độc lập trong cuộc sống.

Kim Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-bi-dot-quy-tap-phuc-hoi-chuc-nang-cang-som-se-cang-tot-169230725160352601.htm