Ngược miền biên viễn làm con đồng bào

Ở miền biên viễn xa xôi Sơn La, ngoài 'đặc sản' cái nắng, cái gió, sương muối lạnh thấu xương thì nơi này còn có một 'đặc sản' đặc biệt, đó là tình cảm giữa những người con xa quê làm nhiệm vụ nơi đây với người dân địa phương.

Hai năm ngược ngàn về miền biên viễn làm con đồng bào đã cho những cán bộ, chiến sỹ (CBCS) tăng cường từ các Cục nghiệp vụ, các trường CAND thuộc Bộ Công an được sống trong tình yêu thương, sẻ chia và từ đó thấu hiểu những vất vả, gian khó nơi đại ngàn nắng gió.

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở…

Trong phòng làm việc chưa đầy 30m2, Thượng úy Nguyễn Văn Phương, cán bộ Công an xã Mường Sai, huyện Sông Mã đang tất bật với những công việc cuối cùng trước khi anh có quyết định trở về đơn vị và chia tay miền đất này sau 2 năm công tác. Ngược dòng thời gian 2 năm về trước, chàng trai trẻ quê gốc Bắc Ninh còn đang hồi hộp, háo hức chờ ngày lên đường đến với vùng đất mới. Anh là một trong 17 CBCS nhận nhiệm vụ tại địa bàn biên giới Sơn La. Thượng úy Nguyễn Văn Phương không giấu nổi niềm xúc động, bởi đây cũng là lần đầu tiên anh xa nhà, xa gia đình lâu đến như vậy.

Đại úy Lương Văn Hùng (ngoài cùng bên trái) cùng Công an xã Tân Xuân gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Những ngày mới nhận công tác, mọi điều còn bỡ ngỡ, nhưng rồi được sự giúp đỡ của lãnh đạo Công an huyện, sự tận tình của anh em trong đơn vị, đến giờ anh đã coi miền biên viễn nắng gió này là quê hương thứ hai của mình. Vừa chia sẻ với phóng viên, vừa thu dọn hồ sơ, giấy tờ, Thượng úy Phương tâm sự: Mường Sai là một trong những vùng biên khó khăn của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Mặc dù có tuyến đường Quốc lộ 4G chạy qua một số bản của xã, nhưng với những vùng cao thì cũng phải thêm vài tiếng đồng hồ đường đất mới có thể đến nơi…. Cả xã có hơn 1.000 hộ với gần 5.000 nhân khẩu, hầu hết là người dân tộc Thái, Mông và Xinh Mun.

Trong những năm gần đây, cuộc sống của bà con dân bản đã có nhiều khởi sắc nhờ những cách làm hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn còn nhiều nhọc nhằn. Vài năm về trước khi lực lượng Công an xã chính quy chưa về địa bàn thì tình trạng nghiện ma túy của thanh niên trong xã luôn khiến người đứng đầu chính quyền địa phương phải đau đầu. Có những gia đình cả nhà là con nghiện. Từ chuyện nghiện ngập kéo theo cái đói, cái nghèo, vòng quay của khổ cực cứ bám riết mãi trong nhiều gia đình Mường Sai.

Ông Lò Văn Loan, Chủ tịch UBND xã Mường Sai trăn trở về những tháng ngày dân bản còn u mê không lối thoát bởi "nàng tiên nâu": Là địa bàn vùng biên giới khó khăn, hầu như những người phạm tội đều có dính dáng đến ma túy. "Cái chết trắng" hoành hành ở Mường Sai nhiều năm ròng, nên hậu quả để lại của nó là không hề nhỏ. Người già, đàn ông, đàn bà hay thậm chí là trẻ vị thành niên cũng dính vào "cái chết trắng", khiến tình hình ANTT đã phức tạp lại càng phức tạp hơn. Không chỉ có vậy, những năm về trước hoạt động của các tổ chức đoàn thể trên địa bàn xã còn yếu, các mô hình tự quản về ANTT chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của thực tiễn địa phương. Điều này đòi hỏi cần phải nâng cao hơn nữa ý thức tự lực, tự cường, sức mạnh tổng hợp từ bên trong… Việc bố trí, điều động lực lượng Công an xã chính quy và bổ sung thêm Công an từ các Cục nghiệp vụ về xã như tiếp thêm nguồn sinh khí mới.

Công an xã chính quy tại Sơn La đã góp phần giữ bình yên cho bản làng vùng biên giới.

Giống như Thượng úy Nguyễn Văn Phương, Đại úy Lương Văn Hùng là cán bộ của Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an cũng tạm xa gia đình nhỏ để đến với miền biên viễn Tân Xuân xa xôi. Xã Tân Xuân là một trong những địa bàn nóng về số người nghiện và buôn bán trái phép ma túy.

Đại úy Lương Văn Hùng chia sẻ, Tân Xuân có hơn 1.100 hộ dân, gần 5.200 nhân khẩu chủ yếu là người Mông, người Thái, người Mường… với đường biên giáp huyện Sốp Pâu, tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào, đây là một trong những điều kiện "thích hợp" để tội phạm ma túy hoạt động. Về cơ sở đã cho Đại úy Hùng hiểu được biết bao khó khăn, nhọc nhằn của mỗi CBCS nơi miền biên viễn Sơn La nói riêng và các CBCS đang ngày đêm bám bản, bám dân trên dải đất hình chữ S này nói chung.

Bản thân Đại úy Hùng đã đi nhiều nơi, nhưng mỗi nơi lại để trong anh một nỗi niềm. Riêng với Công an xã Tân Xuân thì những khó khăn còn mang tính đặc thù nơi miền biên giới. Không chỉ việc đi lại, nơi làm việc, sinh hoạt, mà việc ăn uống cũng gặp nhiều khó khăn… Anh cho biết: "Ở biên giới cái gì cũng thiếu thốn, nhất là những lúc cao điểm đấu tranh với tội phạm ma túy thì việc ăn mì tôm cũng thành thói quen, thậm chí có những hôm lương khô như một thứ đặc sản".

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn…

Đến địa bàn xa nhất tỉnh Sơn La là huyện biên giới Sốp Cộp tôi ghi được một câu chuyện xúc động của Trung úy Trần Văn Tiệp, cán bộ Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng được tăng cường lên Công an xã Mường Lạn. Là một trong số những CBCS viết đơn xin ở lại gắn bó với mảnh đất Sơn La, ban đầu tôi khá bất ngờ bởi lựa chọn của anh, nhưng qua những gì chàng trai trẻ này kể, tôi mới thật sự thấu hiểu tình cảm mà anh dành cho mảnh đất này nhiều đến nhường nào.

Trung úy Trần Văn Tiệp bộc bạch: “Làm Công an xã không khác gì "nuôi con mọn". Ban đầu khi về địa bàn, bản thân tôi cũng cảm thấy khó hòa nhập với công việc mới, con người mới, tuy nhiên càng tiếp xúc tôi lại càng yêu mảnh đất Mường Lạn xa xôi này và coi đây như quê hương của mình”. Điều anh mừng nhất là trong thời gian về làm Công an xã, anh đã giúp được nhiều người tìm thấy "ánh sáng" của cuộc đời sau nhiều năm lầm lỗi. Công an xã Mường Lạn phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát từng đối tượng nghiện, nghi nghiện, đến từng hộ gia đình, vận động con em nghiện đi cai nghiện bắt buộc, tổ chức tuyên truyền tới từng xóm. Sau nhiều lần tuyên truyền, thuyết phục, dân bản nơi đây đã hiểu rõ hơn về tác hại của ma túy và hợp tác trong việc cho con cai nghiện, ký cam kết không tái nghiện.

Những kỷ niệm trong 2 năm bám bản làng biên giới xã Mường Sai đã khắc sâu trong tim của Thượng úy Phương. Với anh 2 năm tuy không dài trong một đời người, nhưng đọng lại là tình yêu giữa con người với con người… Nhớ những ngày trực chốt chống COVID-19, trong cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông Tây Bắc, một lán trại đơn sơ, quây bạt được dựng lên bằng những cây tre chặt vội giữa mưa phùn, gió núi. Cơ sở vật chất bốn bề thiếu thốn, các cán bộ Công an cùng bà con ra suối bắt cá, hái rau rừng, nấu bữa ăn đạm bạc. "Khi dịch bệnh tạm thời ổn định, thói quen đi hái rau rừng, bắt cá suối cùng bà con vẫn được duy trì. Điều đó giúp mình gần gũi với bà con, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, ngoài ra cũng có thể lồng ghép những kiến thức tuyên truyền trong mỗi câu chuyện" - Thượng úy Phương chia sẻ. Những lá đơn tình nguyện ở lại địa bàn, những cái ôm, những giọt nước mắt trong buổi chia ly, và cả những lời hẹn ước quay trở về "thăm quê" đã cho thấy tình cảm gắn bó máu thịt giữa đồng bào nơi đây, giữa những CBCS bản địa với những CBCS được tăng cường.

Khi bài báo này hoàn thành, các CBCS được tăng cường cũng đã nhận nhiệm vụ tiếp theo của mình, người quay trở về đơn vị cũ, người nhận một công việc mới, nhưng tôi tin rằng trong hơn 400 CBCS được tăng cường về địa bàn biên giới ai cũng chung một niềm nhớ mong nơi mà mình đã gắn bó máu thịt. Chứng kiến khoảnh khắc chia tay của những CBCS làm nhiệm vụ nơi biên giới với đồng bào, đồng đội tôi lại nhớ đến những câu thơ day dứt của nhà thơ Chế Lan Viên: "Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu… Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?/ Khi ta ở, chi là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn".

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/nguoc-mien-bien-vien-lam-con-dong-bao-i715636/