Ngư dân xứ Thanh vươn khơi bám biển

Thanh Hóa tập trung phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Thanh Hóa là một trong những địa phương ven biển với chiều dài bờ biển 102 km. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng từ khai thác chế biến thủy sản đang ngày càng phát triển theo hướng bền vững với quy mô đứng thứ 11 cả nước.

Những căn nhà tầng mọc san sát, nhiều gia đình ở Thanh Hóa có được cuộc sống tốt hơn nhờ mưu sinh bám biển. Ảnh: ĐT

Nâng cao giá trị thủy sản

Nhìn vào những con số năm 2023, sản lượng khai thác hải sản khoảng 140.500 tấn, trong khi sản lượng nuôi trồng đạt xấp xỉ 73.500 tấn đã và đang tạo nên những cú hích phát triển kinh tế biển mạnh mẽ, bền vững.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa, trong tháng 4, sản lượng khai thác thủy sản ước tính đạt 17,7 ngàn tấn, tăng 102,9% so với cùng kỳ, trong đó khai thác trên biển 11,4 ngàn tấn, nuôi trồng thủy sản gần 6.000 tấn. Lũy kế bốn tháng đầu năm, sản lượng khai thác và nuôi trồng ước tính đạt hơn 68.000 tấn, tăng 100,7% so với cùng kỳ.

Cá ngừ được bày bán la liệt ở cảng Quảng Tiến, TP Sầm Sơn. Ảnh: ĐT

Hiện tỉnh có tám cảng cá, trong đó ba cảng cá thuộc loại II và năm cảng cá loại III. Ngoài ra, có bốn khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, 25 cơ sở đóng sửa tàu thuyền và 28 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản.

Ông Nguyễn Xuân Đồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa), cho biết sản lượng khai thác hải sản hiện nay chưa đạt hiệu quả cao nên thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển sản xuất trên biển gắn với tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững.

Đặc biệt là khuyến khích ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất như hệ thống đèn chiếu sáng, máy thu lưới, hầm bảo quản, máy thông tin liên lạc tầm xa tích hợp định vị vệ tinh… để mở rộng ngư trường khai thác, tăng thời gian để ngư dân đánh bắt trên biển.

Làm giàu từ biển

Những làng biển như Ngư Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Trường (Hoàng Hóa), phường Quảng Tiến (Sầm Sơn) Quảng Nham (Quảng Xương), xã đảo Nghi Sơn có số lượng lớn ngư dân tham gia khai thác chế biến thủy hải sản, giải quyết lao động cho hàng ngàn lao động ở các địa phương này.

Ông Lê Văn Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, Quảng Xương, cho biết: “Ngư dân Quảng Nham từ bao đời nay đã gắn bó với nghề đi biển, có lúc được, lúc mất nhưng hết thế hệ này đến thế hệ khác luôn nối tiếp nhau vươn khơi xa”.

Những ngôi nhà tầng mọc san sát nhau, nhiều gia đình ở Thanh Hóa có được cuộc sống tốt hơn nhờ mưu sinh bám biển. Ảnh: ĐT

Hiện địa phương có 285 tàu đánh cá với khoảng 2.000 lao động tham gia hoạt động khai thác hải sản trên biển với mức thu nhập bình quân 10-12 triệu đồng/người/tháng. Vì lẽ đó, những năm gần đây, đời sống của ngư dân ở đây cũng đã đổi thay phần nào, nhiều gia đình làm giàu từ nghề biển. Tuy nhiên cũng có một số gia đình bỏ tàu nhỏ lên bờ với nhiều lý do như thiếu vốn làm ăn, tiếp cận vốn vay ngân hàng khó…

Không chỉ những làng biển ở Quảng Xương, Hậu Lộc mà những làng biển ở Thanh Hóa từng là vùng đất nghèo khó thì nay nhờ vươn khơi bám biển đã có được cuộc sống tốt hơn như ngư dân ở phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn), xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa)…•

Xã có nhiều ngư dân làm giàu từ biển

Đó là xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, là một trong những địa phương có đa số người dân đều vươn khơi bám biển.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, chia sẻ xã có 212 tàu đánh bắt, khoảng 1.600 người tham gia khai thác thủy hải sản với tổng sản lượng khai thác ước tính đạt 12.000-13.000 tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc.

Theo ông Quang, những tàu nhỏ gần bờ có khoảng 10 người lao động, thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng, trong khi đó những tàu khai thác ở các tỉnh phía Nam có thu nhập khoảng 15-20 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra số lượng lao động chủ yếu là phụ nữ cũng có thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng.

Ông Quang nhấn mạnh đối với các chủ tàu theo diện Nghị định 67 của Chính phủ đang khai thác ở phía Nam đều có thu nhập đạt từ 800 triệu đến 1,5 tỉ đồng/năm (đã trừ chi phí) nên nhiều gia đình đã xây dựng nhà khang trang hơn, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.

--------

Cần hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham Lê Văn Lành cho biết những năm gần đây ngư dân đi khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn, hiệu quả khai thác không cao nên số lượng tàu thuyền khai thác gần bờ cũng giảm nhiều.

Lý do là nhiều gia đình khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nên không thể nâng cấp tàu, nhiều tàu nằm bờ dài ngày, trong khi tài sản thế chấp không có. Vì thế, địa phương đề nghị tỉnh tiếp tục có những chính sách hỗ trợ ngư dân để đóng tàu đánh bắt xa bờ.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham Lê Văn Lành.

Theo ông Trần Phú Vinh (ngụ xã đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn), nghề đi biển giờ khó khăn hơn, muốn đánh bắt hiệu quả phải đi xa bờ hơn và đầu tư lớn hơn, trong khi ngư dân đều khó khăn về vốn. Về lâu dài, cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ vay vốn ưu đãi để ngư dân đánh bắt dài ngày, làm giàu từ biển.

Ông Đồng Văn Xuyên (54 tuổi, ngụ làng Diêm Phố, xã Ngư Lộc) chia sẻ thêm những năm gần đây, những tàu cá đánh bắt gần bờ, thô sơ, hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều người đã bán tàu nhỏ để theo các tàu lớn, vì thế thu nhập của ngư dân tham gia cũng cao hơn.

TRUNG ĐẶNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ngu-dan-xu-thanh-vuon-khoi-bam-bien-post787344.html