Ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu rủ nhau đi làm 'khai sinh' cho tàu cá

Những ngày cuối tháng 3, hàng ngàn ngư dân ở các làng chài của Bà Rịa - Vũng Tàu đi đăng ký số cho tàu cá '3 không' (không đăng ký, không đăng kiểm và không có giấy phép). Nay chính quyền cấp số cho thuyền thúng đò nan (trên 6 mét) như một giấy 'khai sinh' cho phương tiện, giúp ra vào cảng thuận lợi, khi gặp sự cố trên biển cũng dễ dàng tìm được chủ tàu.

Đi làm “khai sinh” cho tàu

Ông Võ Thanh Bình, ngụ khu phố Hải Phong 1, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, ông hành nghề thuyền thúng tại Long Hải gần 35 năm, từng ấy thời gian ông Bình cũng như bà con ngư dân địa phương không có số tàu, không có giấy phép và cũng không có đăng ký.

Mấy ngày qua, chính quyền địa phương thông báo đi đăng ký số cho phương tiện, ông rất mừng. Mừng vì thuyền thúng và tàu thuyền (trên 6 mét) của ngư dân đã có “khai sinh”, đồng nghĩa với việc đánh bắt sẽ thuận lợi hơn, khi sự cố xảy ra trên biển sẽ dễ dàng nhận biết chủ phương tiện.

Hàng ngàn ngư dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu rủ nhau đi đăng ký "khai sinh" cho tàu cá (ảnh: Lưu Sơn)

Ngư dân làng chài Long Hải tự dán số trên phương tiện của mình sau khi đánh về bờ (ảnh: Lưu Sơn)

Theo ông Bình, việc đăng ký “khai sinh” cho tàu cá rất dễ, người dân chỉ cần cung cấp căn cước công dân và số điện thoại, sau vài phút là có số.

"Xưa nay chúng tôi không có biển số cho thuyền thúng, khi xảy ra va chạm trên biển không biết kêu ai, như trên đường bộ thì xe máy, ô tô còn có số khi có sự việc chỉ cần báo công an là xử lý liền. Bây giờ nhà nước tổ chức cấp số cho thuyền thúng thì bà con phấn khởi lắm. Nếu sau này trên biển mà có xảy ra sự cố thì ngư dân phối hợp với địa phương dễ hơn", ông Bình nói.

Cũng như ngư dân ở huyện Long Điền, ông Triết Kim Hải, ở xã Lộc An, huyện Đất Đỏ cho biết, tàu của ông dài 8 mét hoạt động gần bờ, do đi về trong ngày nên nhiều năm qua ông không chú tâm đến việc phải có số phương tiện. Nay chính quyền địa phương tổ chức đăng ký số tàu ông và nhiều ngư dân trong vùng rủ nhau đi làm.

Tàu cá dài trên 6 mét neo đậu tại bờ rất thuận tiện cho việc sơn số tàu (ảnh: Lưu Sơn)

Theo ông Hải, việc có số tàu không chỉ giúp ra vào cảng được dễ dàng mà khi tra thông tin chủ phương tiện, nghề đánh bắt, số máy tàu … cũng thuận lợi hơn.

"Lâu nay đánh bắt gần bờ không để tâm việc này, đi làm trên biển cũng hồi hộp vì mình không có giấy tờ, số tàu. Đợt này cho đăng ký số tàu sẽ thuận lợi hơn, mong làm xong sớm để ra vào cửa biển an tâm. Mỗi phương tiện nên có số để khi ra vào trình báo cơ quan chức năng", ông Hải cho biết.

Gấp rút hoàn thành cấp số trong tháng 3

Theo thống kê của ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, toàn tỉnh có hơn 2.400 phương tiện “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không có giấy phép) là thuyền thúng, đò nan (trên 6 mét) hoạt động gần bờ, tập trung chủ yếu ở các huyện, như: Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và TP Vũng Tàu. Trong tháng 3/2024, các địa phương phải hoàn thành việc đăng ký số cho thúng và đò nan.

Trên địa bàn thị trấn Long Hải, huyện Long Điền hiện có 155 thuyền thúng, 56 tàu trên 6 mét, đến nay đã cấp số cho 75/155 thúng, các phương tiện trên 6 mét sẽ được thị trấn rà soát lại, hoàn thành trước ngày 31/3.

Để đăng ký "khai sinh" cho tàu cá ngư dân chỉ cần cung cấp CCCD và số điện thoại (ảnh: Lưu Sơn)

Theo ông Hà Thanh, cán bộ thủy sản thị trấn Long hải, huyện Long Điền, do địa hình thị trấn là bãi ngang nên nhiều phương tiện neo đậu không tập trung và cách xa bờ, do đó cán bộ phải đến tận nơi để phát số và vẽ số cho tàu, thuyền. Công việc khá vất vả nhưng huyện quyết tâm phải hoàn tất trong tháng 3 này.

"Chúng tôi trực tiếp đến nhà phát cho chủ xuồng, đò nan không số, khi họ đi biển sẽ tự vẽ lên phương tiện. Việc này UBND thị trấn giao cho các khu phố, hướng dẫn người dân làm tờ khai tại nhà, sau đó mỗi người sẽ được cấp 1 con số, trong tháng 3 này phải xong", ông Hà Thanh cho biết.

Thuyền thúng tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ được cơ quan cấp số, việc này trước nay không có (ảnh: Lưu Sơn)

Ông Trần Văn Dũng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Đất Đỏ cho biết, việc cấp và vẽ số cho phương tiện “3 không” được người dân đồng thuận, ủng hộ nên tương đối thuận lợi. Hiện nay, huyện Đất Đỏ cơ bản hoàn thành cấp số cho phương tiện đi về trong ngày, đối với những phương tiện đang đánh bắt chưa kịp vào bờ, chính quyền địa phương sẽ vận động người dân kê khai thông tin trước và cấp số sau khi tàu về bờ.

"Đa số là đánh bắt về trong ngày, rất ít phương tiện đi từ 3 - 5 ngày. Đối với những trường hợp này, địa phương kêu gọi chủ phương tiện kê khai trước, sau đó quy định thời gian cụ thể khi vào bờ để thực hiện vẽ số tàu. Việc này phải xong trong tháng 3/2024", ông Dũng chia sẻ.

Việc cấp số cho nhóm tàu cá này không chỉ giúp các địa phương của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quản lý tốt hoạt động khai thác thủy sản, mà còn giúp cơ quan chức năng kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), đánh bắt sai vùng, sai tuyến.

Lưu Sơn/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ngu-dan-ba-ria-vung-tau-ru-nhau-di-lam-khai-sinh-cho-tau-ca-post1085290.vov