'Ngôi sao xanh' thắp sáng ước mơ học sinh khó khăn vùng biên giới

Từ những lần đi tuần tra, trực tiếp đến xóm, bản nắm bắt tình hình địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng nhân dân lao động sản xuất, thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn về vật chất của đồng bào nơi đây, đồng cảm với học sinh nơi biên cương Tổ quốc, Đại úy Nguyễn Vũ Lê quyết tâm giúp các cháu được đến trường.

Sự đồng cảm của chiến sĩ trẻ hình thành nên mô hình nhân văn

Đại úy Nguyễn Vũ Lê (sinh năm 1990) dân tộc Kinh, xuất thân từ quê hương Ba Vì, Sơn Tây (Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp đại học, cuối năm 2014, đầu năm 2015, Đại úy Lê được điều động về công tác tại BĐBP tỉnh và được phân công về Đồn Biên phòng Tổng Cọt. Đơn vị đóng quân tại địa bàn xã Tổng Cọt (Hà Quảng) có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%, địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao, thiếu đất canh tác, giao thông chia cắt, đi lại khó khăn, bà con các dân tộc sống xen kẽ giữa các núi đá vôi dựng đứng, có những xóm, bản “4 không” (không điện, không nước, không sóng điện thoại, không đường), nhận thức của nhân dân còn nhiều hạn chế, đâu đó vẫn hiện hữu những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan…

Đại úy Nguyễn Vũ Lê phối hợp với nhà trường, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương 2 xã Xuân Trường, Khánh Xuân (Bảo Lạc) tuyên truyền, vận động học sinh tiếp tục đến trường.

Đại úy Nguyễn Vũ Lê phối hợp với nhà trường, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương 2 xã Xuân Trường, Khánh Xuân (Bảo Lạc) tuyên truyền, vận động học sinh tiếp tục đến trường.

Là Đội trưởng Đội vận động quần chúng, từ những lần đi tuần tra, trực tiếp đến xóm, bản nắm bắt tình hình địa bàn, Đại úy Lê chứng kiến những khó khăn của đồng bào nơi đây và hơn ai hết đồng chí thấy được những thiệt thòi của các cháu vùng cao khi không được đến trường do hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc mồ côi cha mẹ. Nhìn những ánh mắt thơ ngây, mặt mũi lấm lem, bàn chân chai sạn, đôi dép tổ ong bị rách... đã khiến Đại úy Lê luôn trăn trở và đau đáu làm sao có cách giúp các em được đến trường.

Từ những trăn trở đó, đồng chí báo cáo đề xuất với Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị, vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhận đỡ đầu 2 học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mô côi cha, mẹ, bỏ học, không ai nuôi dưỡng để đưa về đồn nuôi dạy. Tại đơn vị, các cháu được bố trí phòng ngủ, góc học tập riêng; phân công cán bộ hướng dẫn sinh hoạt, theo dõi, kèm cặp học tập; cử cán bộ đưa đón các cháu đến trường, bố trí ăn nghỉ, sinh hoạt cùng các chú bộ đội. Các cháu được nuôi ăn học đến hết lớp 9, sau đó cho các cháu về gia đình để vừa học tập vừa giúp đỡ gia đình, hằng tháng đồn hỗ trợ 500 nghìn đồng/cháu theo chương trình “Nâng bước em đến trường“ và vận động hỗ trợ xe đạp, đồ dùng học tập trị giá trên 13 triệu đồng.

Hiệu quả ban đầu của mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ BĐBP các tỉnh, trong đó có BĐBP Cao Bằng, năm 2019, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo nhân rộng, triển khai tại các đồn biên phòng trên cả nước. Năm 2021, được Bộ Quốc phòng, Chính phủ đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia.

Lan tỏa mô hình “Con nuôi đồn biên phòng“

Chúng tôi gặp Đại úy Lê tại Tổ công tác Biên phòng Cáp Cán, xã Xuân Trường (Bảo Lạc) khi anh đến cơ sở nắm tình hình của bà con. Đại úy Lê chia sẻ: Sau thành công của mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” ở Đồn Biên phòng Tổng Cọt, tôi được luân chuyển đến Đồn Biên phòng Xuân Trường công tác. Với những kinh nghiệm có được trong thực hiện công tác dân vận, nhất là trong thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, trên cương vị công tác mới là Chính trị viên phó, phụ trách công tác vận động quần chúng tại đơn vị, tôi tham mưu Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị tiếp tục thực hiện các mô hình, chương trình tại địa bàn đóng quân, lan tỏa yêu thương, chia sẻ khó khăn với học sinh vùng biên giới. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 1181/KH-BCH ngày 13/8/2019 của Bộ Chỉ huy BBĐBP tỉnh về triển khai thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, căn cứ tình hình thực tiễn tại địa bàn và kinh nghiệm công tác dân vận của bản thân, tôi tham mưu Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Xuân Trường lựa chọn 2 cháu dân tộc Mông hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn làm con nuôi là Vàng A Hùng (sinh năm 2013), Vàng A Dè (sinh năm 2013), trú tại xã Xuân Trường (Bảo Lạc).

Đại úy Nguyễn Vũ Lê đưa “Con nuôi đồn biên phòng” đến trường.

Đại úy Nguyễn Vũ Lê đưa “Con nuôi đồn biên phòng” đến trường.

Sau gần 2 năm thực hiện mô hình tại đơn vị, đồng chí trực tiếp tham gia vận động 32 học sinh hoàn cảnh khó khăn tiếp tục học hết chương trình THCS tại địa bàn xã Xuân Trường, Khánh Xuân; vận động các nhà hảo tâm, đơn vị kết nghĩa phối hợp với nhà trường hỗ trợ nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập, sách vở để các cháu có điệu kiện đến lớp trị giá 10,5 triệu đồng. Chương trình “Nâng bước em đến trường”, hằng tháng đơn vị hỗ trợ 500 nghìn đồng/cháu/tháng, hiện đang trực tiếp hỗ trợ 4 cháu. Trực tiếp phụ trách, tham mưu triển khai thực hiện tốt Dự án cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em đến trường (thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, dự án 3, tiểu dự án 3). Hiện tại, đơn vị hỗ trợ 14 cháu trên địa bàn 2 xã Khánh Xuân, Xuân Trường với nguồn hỗ trợ từ Ban chỉ đạo Dự án của Bộ Quốc phòng 7,4 triệu đồng/cháu/năm học...

Minh Hòa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/ngoi-sao-xanh-thap-sang-uoc-mo-hoc-sinh-kho-khan-vung-bien-gioi-3167818.html