Ngồi nghe sóng cuộn đáy sông!

Ký của Phạm Thị Phương Thảo - Kỷ niệm chuyến thăm Lào Cai và cuộc gặp gỡ với các văn nhân miền biên viễn tháng 7/2023.

Tôi - tác giả Phạm Thị Phương Thảo

Tôi đang ngồi đây, trong một quán cà phê mát mẻ, đầy bóng lá ở ven sông Hồng. Nhìn ra, mặt sông lấp loáng ánh vàng màu hổ phách. Hai ven bờ, cỏ dại và cây lá hoang sơ. Sự hoang sơ từ nơi đầu nguồn dòng sông cho người ta rất dễ liên tưởng đến thời cổ sử xa xưa. Sông Hồng từ nơi miền biên viễn, vừa thân thương lại vừa hoang sơ. Dòng chảy kia lúc thì sôi réo, lúc lại lững lờ. Buổi ban mai, sông vừa thức dậy sau một đêm ngủ dài, mặt sông như được phủ lên một lớp khói sương mờ ảo. Nắng đã lên, mặt sông bỗng ngời lên khi lấp loáng ánh sáng. Thứ ánh sáng oi ả và nhức nhối của mùa hạ. Đôi khi thứ ánh sáng chói lóa của vũ trụ cũng làm cho nhiều người nhức nhối.

Tôi được cha mẹ sinh ra từ chính miền biên viễn Lào Cai xa xôi ấy. Một vùng biên ải xa tít tận nơi đầu nguồn sông Hồng với bốn mùa cây lá tốt tươi và non cao, mây trắng. Dòng sông Hồng nơi ấy tuy bé nhỏ nhưng cuộn xiết. Sông đầu nguồn vốn không êm ả và lòng sông không trải rộng ra miên man như miền châu thổ dưới vùng đồng bằng. Như thế đấy, sông vẫn đẹp kiểu riêng, sông ở nơi đây mang theo dòng chảy lịch sử, một sức sống mãnh liệt và một vẻ đẹp đặc biệt riêng có của miền biên viễn quê tôi. Tuổi thơ của chúng tôi đã gắn liền với dòng chảy mang tên Nậm Thi - Nơi ngã ba kết nối của nhánh sông nhỏ với dòng sông Mẹ to lớn. Không hiểu sao mà dòng nước nơi giao thoa vẫn chia thành nửa đỏ nửa xanh.

Cây cầu Cốc Lếu vắt ngang sông Hồng từ xa xưa nhìn khá đẹp, một cây cầu sắt cũ mang dáng dấp từng vòm cong, kiểu cầu Long Biên xưa. Ngày ấy, dưới con mắt trẻ thơ, cây cầu ấy sao mà to và dài đến thế. Mỗi khi lũ trẻ con chúng tôi được cha mẹ cho phép đi bộ từ nhà lên đến đây, đi qua cầu, sang bên Phố Tèo - Lào Cai, được ăn kem que lạnh bốc khói, đó sẽ được coi là một chiến công. Nhà thì xa, bạn nào cũng tận Nam Cường, Cốc San Kim Tân… được đi lên Cốc Lếu và đang đây ăn kem. Kỷ niệm khó quên của tuổi thơ ngày ấy. Gần trung tâm hơn và biết ăn chơi thành thạo hơn, có lẽ là đám bạn ở Phố Tèo, Cốc Lếu, Duyên Hải, Vạn Hòa và Phố Mới.

Chợ Cốc Lếu xưa khá đẹp trong trí nhớ tôi. Nhà mấy người bạn học ở ngay phía trước và sau chợ. Bây giờ là phố Cốc Lếu và đường Hồng Hà. Phía sau chợ giáp sông là khu người dân tộc hay buộc ngựa ở đó, gần phía mép sông Hồng. Nơi đó có một cây gạo cổ khá to, thân xù xì, mỗi dịp cuối Xuân lại nở đầy hoa. Hoa gạo rụng đỏ mặt sông. Hoa vẫn rụng đầy ký ức tuổi thơ tôi! Ngày chợ phiên, ngày cuối tuần, sẽ có khá nhiều bà con các dân tộc tay dắt ngựa thồ, áo váy sặc sỡ đi xuống chợ. Lào Cai có tới 25 dân tộc anh em và số đông dân cư thuộc về người Kinh và người Mông. Chẳng thế mà ngày xa xưa, Ty Giáo Dục nơi cha tôi làm việc, đã sớm có phòng Văn hóa Mông và có bộ môn giảng dạy văn hóa và chữ viết cho người Mông.

Khu Phố Mới luôn nhộn nhịp giao thương vì là nơi có Ga Lào Cai. Đêm ngày, những chuyến tàu ngân vang tiếng còi tàu vào ga từ Hà Nội lên và rời ga khi từ Lào Cai đi xuyên đêm xuống miền xuôi. Được đi tàu hỏa ngày ấy là oách lắm, mãi cho tới khi vào đại học, tôi mới được biết cảm giác đi trên tàu hỏa là như thế nào, dẫu đôi khi chỉ là đi trên chuyến tàu chợ chen chúc và đầy bụi than. (Chuyện đi tàu hỏa mà cười ra nước mắt tôi sẽ kể hầu các bạn vào một dịp khác).

Bây giờ, vắt ngang dòng sông Hồng thơ mộng xưa là một cây cầu bê tông đã thay thế. Cầu bê tông thì nhiều nơi có và tôi thấy chán, nên không còn mang nhiều ấn tượng về nó. Cầu Cốc Lếu xinh đẹp của chúng tôi đã bị đạn pháo Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979 phá sập hoàn toàn. Nay không còn lại gì dấu vết gì thật đáng kể của cây cầu cũ. Lòng sông cũng vì thế mà thu nhỏ lại chăng? Chỉ có màu nước sông đỏ ngầu ai oán và dòng chảy vẫn cuộn xiết đêm ngày là như xưa. Cây cầu và dòng sông xưa sẽ chỉ còn lại trong ký ức tươi đẹp của tuổi thơ chúng tôi mà thôi.

Tôi từng có trọn vẹn cả tuổi thơ tươi đẹp và gian khó của mình ở cái thị xã bé nhỏ đó. Với tôi, tuổi thơ tươi đẹp là được gắn liền với thiên nhiên và muôn nỗi gian khó. Chúng tôi vẫn được đến trường, lại luôn được sống giữa lòng mẹ thiên nhiên với bốn mùa hoa trái tốt tươi của miền sơn cước. Mở mắt dậy là nhìn thấy dãy núi dăng hàng trước mặt. Chim chóc hót ríu ran trên vòm lá xoan, lá mít. Chiều về, khi hoàng hôn vừa buông xuống, cả dãy núi Nhạc Sơn nhìn tím mờ ảo diệu. Núi đồi đứng ngồi nhấp nhô trong khắp cái thị xã bé nhỏ. Chúng tôi đi bộ tới lớp, chân bước trên những con đường mòn chạy quanh co, men theo dưới chân đồi. Điện chưa có, chủ yếu là đèn dầu. Đom đóm thì nhiều vô kể mỗi khi trời tối.

Núi đồi luôn là “đặc sản” của miền biên viễn xa xôi ấy. Núi cao vách đá, đồi lô xô và trập trùng. Đồi núi len lỏi chạy bao quanh, cả phía trước và phía sau những mái nhà tranh lúp xúp nghèo nàn. Leo đồi, đi rừng lấy củi, thả bè mảng hay lội ruộng bắt cua cá… là những ký ức tuổi thơ rất vui ngày ấy của nhiều người. Trồng rau, nuôi lợn và lội suối, đi bộ qua cầu treo đến lớp… cũng chỉ là những chuyện hàng ngày. Nhiều bạn, một buổi đến lớp còn một buổi phải theo cha mẹ lên đồi khai hoang, trồng sắn, đưa và ngô khoai.

Những năm sáu mươi, khi cả nước cùng chịu gian lao trong cuộc chiến tranh bắn phá của đế quốc Mỹ, thì trẻ con cũng biết đội mũ rơm tự đến trường. Mà trường nơi sơ tán thì nhà tranh vách đất, luôn bị xiêu vẹo sau mỗi trận bão. Cho đến những năm bảy mươi, gia đình tôi được chuyển đến khu Kim Tân, trong xóm Cầu Đen, cạnh trường cấp 3 Lào Cai. Lũ trẻ ngày ấy thật chăm chỉ, hồn nhiên, biết giúp đỡ gia đình và yêu lao động. Bạn nào cũng biết nấu nướng, khâu vá, đan lát, tưới rau, trồng hoa, làm vườn… và thích nghi với gian khó. Nhờ thế chăng mà tuổi thơ thêm phong phú, tươi đẹp và giàu ý nghĩa hơn.

Một cô Sơn Nữ là tôi, cũng đã “xuống núi” từ lâu. Hơn bốn chục năm sống và lập nghiệp, trưởng thành ở thủ đô nhưng tôi luôn nhớ về vùng đất Lào Cai ấy. Tôi vẫn chỉ nhận mình là con gái Lào Cai, là người Lào Cai. Cái cụm từ “người Lào Cai” với tôi nghe rất thân thương và ám gợi, dẫu gia đình tôi đã về Hà Nội từ rất lâu. Lên thị xã Lào Cai cũng nhiều lần, rồi cũng chỉ để tìm lại những ký ức của ngày xa xưa. Tôi đã từng có dăm ba chuyến đi quay về nguồn như thế! Một vài chuyến chúng tôi đi từ thiện cho trẻ em vùng cao và những trường học từng bị lũ cuốn trôi như dịp đi Bản Khoang - Sapa, Lào Cai.

Tìm lại ký ức xưa ở nơi thị xã biên giới bé nhỏ và thân thương xưa, với tôi là một sự thôi thúc không hề nhẹ. Tôi chỉ thích gọi tên cái thị xã biên giới một cách giản dị, giống như xưa, dẫu biết chẳng có gì là còn mãi như ngày xưa. Tôi muốn nhìn ngắm và nghĩ về nó một cách thân thuộc, máu thịt, giản dị, giống như xưa, như ngày chúng tôi mới lên mười, còn là một cô bé hồn nhiên tóc túm đuôi gà. Tất cả những điều đó, cho đến bây giờ cũng trở thành không tưởng. Tôi vốn là tuýp người hoài cổ, nên hay nhớ xưa, không mấy thích thú với cái tên Thành phố Lào Cai hiện đại, nghe thật là khách sáo. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vẻ đẹp hiện đại, sầm uất và sự phát triển, lớn mạnh của Thành phố Lào Cai đã vươn lên tầm cao mới.

Tới nơi đầu nguồn sông Hồng, gặp dòng Nậm Thi xưa mà chưa tìm gặp được các văn nhân tên tuổi, những con người tài hoa và khả kính như các Nhà văn: Mã A Lềnh, Lê Minh Thảo, Đoàn Hữu Nam, hay là các ông anh vui tính như nhà thơ Công Thế Phạm, nhà báo An Chiến Nguyễn… ở chính nơi đây thì coi như chưa lên, he he! Nhớ 10 năm trước đây, năm 2013, tôi cũng đã từng lang thang lên Sapa chơi và đến thăm nhà em Tống Ngọc Hân, ngày ấy em nhà văn gốc Phú Thọ sống ở Sa pa còn chưa nổi như cồn giống như bây giờ. Chuyến đi xa ấy cùng với các bạn bè học thời cấp 3 phổ thông và đặc biệt hơn là đi cùng với anh Trần Vân Hạc - một nhà nghiên cứu văn hóa Thái. Rất tiếc anh đã mất do một tai nạn sông nước bất ngờ ở Nha Trang.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Rất nhiều. “Người núi” thân thiết hoặc là những người từng ở miền xuôi lên, họ đã từng sống nhiều năm ở Lào Cai. Các nhà văn tên tuổi như Ma Văn Kháng, Bùi Nguyên Khiết, Pờ Sảo Mìn, Lò Ngân Sủn, Mã A Lềnh… đều là các thầy giáo từng gắn bó thân thiết với mảnh đất Lào Cai xưa. Mảnh đất biên cương đã dung dưỡng tâm hồn, cho họ có được sự giản dị, cởi mở, phóng khoáng trong tính cách và một chút kiêu hãnh ngầm nơi biên ải. Họ đã trở thành người Lào Cai và mang theo một thứ tình cảm quê hương thắm thiết rất đặc biệt với nhau dù rất lâu mới gặp lại. Nhìn họ, cảm giác như tôi đang được ngồi ngắm dòng sông Hồng đang cuộn chảy ngoài kia. Bởi dòng sông nơi đầu nguồn biên viễn luôn cuộn xiết đêm ngày. Dòng chảy văn hóa và lịch sử luôn ăm ắp trào dâng nhưng nhiều khi lại trở nên hiền lành đến lững lờ!

Thăm gia đình bác Mã A Lềnh, một người dân tộc Mông yêu văn chương quê ở Trung Chải, Sapa. Nhớ ngày xa xưa, bác đã từng nhiều năm là thầy giáo giỏi người Mông, cha tôi hay nhắc về bác. Cha tôi khi đó là Trưởng ty Giáo dục, từng là người chủ hôn, đã thay mặt cơ quan Ty Giáo dục tổ chức đám cưới cho cô chú Hạnh - Lềnh. Cô Hạnh vốn người đẹp ở Nam Định, đã yêu và mê tài văn thơ của chú Mã A Lềnh từ ngày còn đi học trung cấp cùng nhau. Sau này hai người được cùng về công tác ở Ty Giáo dục, làm việc cùng với cha tôi. Nhà văn Mã A Lềnh từng phụ trách phòng văn hóa Mông cùng với bác Doãn Thanh, một người đã nhiều năm dày công nghiên cứu văn hóa Mông ở Lào Cai. Sau này bác Mã A Lềnh đi học trường viết văn Goocky ở Liên Xô rồi trở thành một nhà văn người Mông nổi tiếng. Ông có người con trai tài hoa tên là Mã Anh Lâm- Hiện đang là Chủ tịch Hội VHNT Lào Cai, rất tiếc hiện giờ em ấy đang bị ốm bệnh. Bác Mã A Lềnh cũng không được khỏe, đi lại rất khó khăn.

Tôi thực rất xúc động khi bác đi lết vào trong buồng, lấy ra hai chiếc muôi gỗ của người Mông để tặng tôi và nhà báo An Chiến. Cảm ơn hai bác đã tiếp đón chúng tôi và còn tặng nhiều cuốn sách quý. Chuyến đi Lào Cai lần này, tôi được gặp gỡ và trò chuyện không biết chán với mấy ông anh quý mến đã từ lâu: Nhà văn Lê Minh Thảo, Nhà văn Thổ Phỉ - Đoàn Hữu Nam, nhà Tản văn bay bổng ngất trời Công Thế Phạm, nhà báo tài hoa đa năng.

An Chiến Nguyễn và được gặp anh Nguyễn Văn Sơn - hội bạn Gà Lửa của các anh. (Cảm ơn anh An Chiến đã tận tình đón tiếp và đích thân đưa em đến thăm gia đình bác Mã A Lềnh. Cuộc nói chuyện và tâm tình với hai bác thật bổ ích).

Dưới đáy sông kia, những trầm tích phù sa của sông Mẹ vẫn miệt mài chảy đêm ngày và dâng hiến. Những con sóng ngầm vẫn cuồn cuộn dưới đáy và dâng cho đời nhiều trầm tích thông qua bao vẻ đẹp của văn chương và nghệ thuật. Gặp “Người Núi”, được trò chuyện cùng họ là một niềm hạnh phúc. Bởi ở họ, luôn ẩn chứa những vẻ đẹp tiềm ẩn và muôn điều bí ẩn trong tâm hồn. Muốn hiểu và “khám phá” dòng chảy nơi đầu nguồn sông Hồng, đôi khi thật dễ mà cũng thật khó. Thì tôi cũng là một “Sơn Nữ” của miền biên ải! Cũng từng nhiều năm sống cùng với núi non xưa và mang theo hồn núi đi muộn nơi, dẫu cho tôi đã “xuống núi” từ lâu.

Phạm Thị Phương Thảo

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ngoi-nghe-song-cuon-day-song-a20098.html