Ngồi nghe núi đồi

Cuộc đời chợt yên bình đến lạ, bạn nghĩ, nếu đâu đó vẫn còn những quán nước nhỏ bé bình dị như thế này, những quán nước không cần làm màu bằng trang trí hay ra rả một thứ nhạc xưa…

Nắng vừa đủ cho căn quán chiều tà không cần thắp điện, để thứ bóng tối bao dung biến mọi thứ trong quán thành bức tranh tĩnh vật. Mấy bộ bàn ghế con con không đồng bộ, bức tranh trang trí đơn sơ, quầy nước đóng bằng nhiều mảnh gỗ ghép lại, đã cũ hẳn vì gió mưa năm tháng, trên cái vẽ cũ kỹ đó là dấu vết còn sót lại của một biển báo, áp phích hay bất kỳ thứ giấy gì từng dán lên nay đã được bóc ra, mà nhiều khi là lịch đá banh mùa giải nào đó, cái tấm lịch rất thường thấy ở quán cà phê...

Cô chủ quán đon đả hỏi bạn uống gì, cắt ngang cái sự quan sát tò mò… Cà phê… hẳn rồi, thứ thức uống an toàn nhất khi lần đầu đến một quán lạ, giống như một lời chào đã thành lệ và dù kém trong khoản pha chế thế nào thì người ta cũng rất khó làm dở một ly cà phê, nhất là khi bạn không chờ đợi gì cả, bạn vốn không biết sự hiện hữu của quán nước này, ở một thành phố mà giờ đây mọi ngóc ngách đều có thể biến thành địa điểm chụp hình kể cả bức tường sơn phết chói gắt lòe loẹt lạc quẻ với không gian và không khí đặc trưng của Đà Lạt.

Bạn cũng không đến đây không phải vì hàng dài rồng rắn những người xếp hàng chụp ảnh khắp quán, bạn không ghé vì những câu quảng cáo rất kêu như “chính cống” hay “ngon nhất” hoặc “gia truyền”. Bạn ghé quán vì đã chiều rồi, bạn sợ bị buổi chiều đánh bẫy, vì bạn cảm thấy lạc lõng ở một thành phố ngày càng dày đặc người vào cái giờ mà cả những con chim non cũng “thoi thóp về rừng”.

Rồi bạn nhận ra đối diện bạn là một quán cơm mang tên Cần Thơ. Hẳn có duyên cớ gì đó đằng sau cái tên đã ngược châu thổ Cửu Long để tìm đến miền cao nguyên đất đỏ. Cũng tương tự như lẩu gà, nem lụi, hay các nhà hàng món nướng kiểu Hàn, bia kiểu Tiệp, kiểu Đức… đến nỗi bạn tự hỏi thành phố này còn giữ riêng cho mình thứ gì thì đó là một cái tên, vài vạt rừng, chút không khí se se đang ngày càng bị đe dọa bởi cái nóng.

Sự tồn tại của quán nước nhỏ bình thường này mới đáng trọng biết bao. Ảnh: Trọng Khang

Một cặp đôi vừa đến cắt ngang tầm nhìn. Họ cũng mang cái vẻ rụt rè của người lần đầu tiên đến quán. Họ hỏi để tìm một món nước “đặc sản”, cô chủ quán nhiệt tình giới thiệu thực đơn, có chút thất vọng thoảng qua, nhưng tan biến vội, họ lại tìm về một góc bàn và đem máy ảnh ra canh góc chụp.

Ngày nay, có cảm giác như không một khoảnh đời sống nào thoát khỏi tầm nhìn của chiếc máy ảnh. Nhưng rất nhanh, quán lại chuyển về cái vẻ… bình thường của nó, với tiếng nói rù rì, với vài sợi khói thuốc tan vào buổi chiều, với chiếc kệ treo sau quầy, trưng bày hàng nước ngọt cho đỡ lạc lõng và như để làm tròn phận sự một chiếc kệ.

Bạn lại trở thành kẻ nhiều chuyện. Những câu chuyện vô thưởng vô phạt. Có vẻ như mọi người đều quen biết nhau, trừ bạn. Có một thanh niên xa xứ trở về, có một cụ ông tập tễnh uống vội ly cà phê rồi bước đi, có người già ôn lại chuyện cũ, một thời đã xa, thuở thành phố không quá nhiều rác. “Ấy là vì hồi đó ít người hơn” - một lời giải thích bâng quơ, mà nghe cũng hữu lý. Từ bao giờ con người lại gắn kèm bước chân của mình với rác thải, với ô nhiễm, với sự hủy hoại dường như không thể vãn hồi?

Trong câu chuyện về thời đã xa ấy không có ký ức về một thành phố bị ngập, cũng chưa có sự bàng hoàng về những ngọn đồi lở, những trận sạt đất chôn vùi con người. Thiên nhiên còn đủ bao dung, và núi đồi im ru trong nhịp thở của gió rừng chứ không đáng sợ “cứ như thể có bầy ma quỷ đi ngang qua làm núi dậy tiếng vậy”.

Kawabata Yasunari đã miêu tả như thế trong tiểu thuyết Tiếng núi, trước đây có bản dịch đã đặt là Tiếng rền của núi. Những ngọn núi rền vang trong tâm tưởng bạn, những ngọn núi không còn mang vẽ tĩnh tại, kiên định, vững chãi hay bất kỳ tính từ nào miêu tả sự bất biến và bất di bất dịch của nó.

Bạn nhớ lại một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư có tên Núi lở với đoạn kết ám ảnh: “Họ đâm xe vào bãi cỏ ven đường, họ hướng mặt về núi, sụp xuống. Núi Ba Bảy Hai Mươi Mốt chỉ còn có thể gọi là Hai Bảy Mười Bốn. Thằng bé chôn chân đứng nhìn trái núi trọc lóc, trụi trơ”.

Quán cà phê bình dị nhưng đã gắn liền với bao sự đổi thay của Đà Lạt, hơn 60 năm. Ảnh: Phúc Thuyên

Bất giác, bạn nghĩ về những ngọn núi “ba bảy hai mươi mốt” có ngày nào đó sẽ biến thành “hai bảy mười bốn” như truyện vậy không? Trong niềm kinh sợ, nắng cuối chiều đã rực rỡ hơn bao giờ hết, và quán nước bạn ngồi cũng im lặng hơn hết thảy mọi khi. Cuộc đời chợt yên bình đến lạ, bạn nghĩ, nếu đâu đó vẫn còn những quán nước nhỏ bé bình dị như thế này, những quán nước không cần làm màu bằng trang trí hay ra rả một thứ nhạc xưa. Từ bao giờ người ta đến quán nước không chỉ để uống nước hay hẹn hò mà còn tìm kiếm một thứ “giá trị gia tăng” nào khác? Như những tấm ảnh đẹp. Như được ngồi ở quán lâu đời… Bây giờ khó để tìm một quán cà phê nào, nơi bạn không phải cố công tránh né cái camera điện thoại hay những bóng lượn lờ tạo dáng.

Bạn chợt nhận ra khoảnh khắc này mới quý giá, và sự tồn tại của quán nước nhỏ bình thường này mới đáng trọng biết bao. Nếu có điều gì thôi thúc bạn trở lại thành phố này thêm lần nữa, có lẽ là những điều bình dị thế này, một buổi chiều bạn sẽ không còn gặp lại ở đâu, nơi quán nhỏ, có cảm giác cả thành phố đang dần co cụm lại trong vòng vây của những biệt thự ven đồi, những tòa nhà cao tầng, những dòng xe dòng người như thác lũ, làm gió sương hãi hùng đến nỗi chỉ dám rón rén đến vào đêm khuya hay sáng sớm.

Vào một buổi chiều bạn biết sẽ không bao giờ lặp lại lần thứ hai như “tất cả những gì được viết trong những tấm da thuộc này sẽ không được lặp lại và mãi mãi không bao giờ được lặp lại, bởi vì những dòng họ bị kết án trăm năm cô đơn không có dịp may lần thứ hai để trở lại làm người trên mặt đất này” (Gabriel García Márquez, Trăm năm cô đơn). Trong niềm hoài tiếc, bạn tranh thủ nán lại thật lâu, dẫu ly cà phê đã cạn, cô chủ quán không hối thúc bạn đứng lên, có sá gì một chỗ ngồi. Bạn cố nghe lấy âm thanh của núi đồi, một ngọn núi xa vời nào đó, một ngọn linh sơn ngự trị tâm trí mình, nó đang rền rĩ, vang vang, náo động như sắp sửa đổ sụp trong lòng bạn.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ngoi-nghe-nui-doi-40873.html