Ngôi mộ chung của 5 đồng đội

Tôi kể lại câu chuyện này để tưởng nhớ những đồng đội của tôi đã hy sinh trong trận chiến cách đây 48 năm, trong đó có hai người cùng quê hương Bắc Thái năm xưa (Nông Thế Huyến dân tộc Tày, sinh năm 1952, ở Bắc Kạn và Dương Đình Toản sinh năm 1954, ở Sông Công, Thái Nguyên). Họ cùng đơn vị đặc công, cùng hy sinh một ngày, cùng nằm chung ngôi mộ 5 người ở nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tuần tháng 3 vừa rồi, Nguyễn Quang Vinh (nguyên lính đặc công thuộc C59, E115, Sư đoàn 2 Đặc Công

thời chống Mỹ) cùng bạn đồng ngũ Hoàng Văn Lượng (dân tộc Tày) ở Bắc Kạn vào nhà tôi ở Biên Hòa. Anh báo trước cho tôi khoảng một tiếng đồng hồ, vì còn phải đi kiểm tra thân nhiệt ở một phòng khám bệnh. Kết quả bình thường, nên anh và bạn mới dám tới nhà tôi. Thật sự tôi bất ngờ và cả bất bình trước sự xuất hiện của bạn giữa lúc dịch COVID-19 đang lan rộng toàn cầu. Rồi sự bất bình cũng qua nhanh, khi tôi biết lý do Vinh vào Nam để viếng bạn đang nằm ở Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Từ nhà tôi tới đó gần hai chục cây số. Vinh cũng đã có trên 15 năm sống ở Đồng Nai nên khá quen thuộc đường đi lối lại. Tính Vinh đã nói là làm. Đúng là dân đặc công, tôi nói vậy.

 Nguyễn Quang Vinh trước phần mộ của 5 đồng đội.

Nguyễn Quang Vinh trước phần mộ của 5 đồng đội.

Đêm đó Vinh kể cho tôi nghe về “Ngôi mộ chôn 5 người”. Vinh là một trong những cựu chiến binh đã “đi tìm đồng đội” sau 20 năm giải phóng. Và câu chuyện “đánh chốt Bầu Giang” cứ đau đáu trong tôi, để rồi rơi nước mắt. Tôi cũng là người lính từng chứng kiến sự hy sinh của đồng đội mình trên chiến trường giữa Mùa hè đỏ lửa.

Ngày 7/12/1974, Vinh cùng 6 chiến sĩ đặc công C59 được giao nhiệm vụ đánh chốt Bầu Giang, thuộc Trung An, Củ Chi, Sài Gòn – Gia Định (trước đó ta đã đánh mà chưa được). Đây là một chốt vô cùng bất lợi cho đường giao liên của ta. Sau này bộ đội ta mới biết. Khi Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975 đã đặt ra nhiệm vụ: phải bằng mọi giá đưa quân và vũ khí vào nội ô Sài Gòn để ém sẵn. Chốt Bầu Giang còn thuộc vành đai bảo vệ căn cứ Đồng Dù ở cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn (căn cứ Đồng Dù được địch mệnh danh là “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm. Nơi đây có Sư đoàn 25 Mỹ – “Tia chớp nhiệt đới”, với đầy đủ các loại vũ khí, máy bay, xe tăng, phi pháo hiện đại…).

Vào 4 giờ chiều ngày 7 tháng 12 năm 1974, đặc công ngụy trang kỹ càng mang theo vũ khí bơi qua kênh rạch, vượt cánh đồng, qua những gò đồi để tiếp cận chốt địch. 0 giờ 30 rạng sáng ngày 8 tháng 12 quân ta đã vào tới vị trí tập kết. Theo như phân công, Nguyễn Ngọc Vân và Nông Thế Huyến có nhiệm vụ tiêu diệt lính gác ở cổng chính, 5 chiến sĩ còn lại đánh phía sau chốt. Thật không may, Vân, Huyến bị địch phát hiện, chúng bắn pháo sáng, nổ súng và bắt sống. Các chiến sĩ còn lại không thể vượt rào trước những làn đạn địch bắn ra như mưa. Rồi cho đến khi trời đã sáng, họ phải rút về tuyến sau…

Mặc cho địch tra tấn dã man, nhưng Vân và Huyến không chịu đầu hàng, không chịu khai báo. Và chúng đã ném sống hai chiến sĩ của ta xuống một cái giếng cạn, đồng thời liệng thủ pháo (đặc công mang theo) xuống đó.

Đoán biết địch sẽ tăng cường phòng thủ, nhưng quân ta vẫn tiếp tục đánh chốt Bầu Giang. Ngày 12/12 đặc công tiếp tục tấn công địch. Nguyễn Khắc Thả vừa là Chính trị viên phó Đại đội vừa là mũi trưởng ra lệnh cho đơn vị quyết tâm đánh thắng. Do địch bố phòng nghiêm ngặt, pháo sáng liên tục, chốc chốc lại nổ súng bắn vào những nơi chúng nghi ngờ có Việt cộng. Tình huống vô cùng căng thẳng đối với quân ta. Gần sáng mà ta vẫn chưa mở xong cửa mở, rồi pháo địch từ Đồng Dù, Tân Quỳ bắn tới. Lúc anh Hiểu đang cắt hàng rào thì bị một tên địch phát hiện ra. Anh Thả nổ súng tiêu diệt ngay tên địch đó. Anh Toản hô: Đánh cường tập (có nghĩa là đối đầu trực diện với địch một sống, hai chết). Quân ta vượt rào dùng thủ pháo, B40 bắn vào căn cứ địch. Địch chống trả quyết liệt, anh Thả và anh Toản hy sinh tại chỗ. Anh Khuê bị thương, được Nguyễn Đức Hiểu băng bó. Địch vẫn nhả đạn quyết liệt, Khuê một lần nữa trúng đạn hy sinh luôn. Hiểu cũng trúng đạn AR 15, được đồng đội đưa ra khỏi vùng nguy hiểm. Kể tới đây Vinh rơm rớm nước mắt, nói giọng líu ló: “Thương anh em lắm. Địch lại ném xác ba người mình xuống cái giếng cạn bữa trước, rồi lại quăng thủ pháo xuống. Ta biết được là do sau này chiếm được chốt Bầu Giang, bắt được tù binh địch, nó kể lại như thế. Nhờ thế mà sau này ta mới tìm được cái giếng chôn 5 chiến sĩ mình…”. Rồi Vinh như một chính trị viên nói chuyện về bộ đội đặc công: Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, đặc công là một binh chủng đã làm cho kẻ thù phải bạt vía kinh hoàng. Với phương châm “lấy ít địch nhiều”, yếu tố bí mật bất ngờ, quả cảm, nhiều chiến sĩ đặc công đã phải hy sinh tính mạng một cách bi thương. Trong chiến trường, đặc công phải mình trần vùi trong đất cát, sình lầy, đói khát, muỗi mòng, đỉa, vắt, rắn, rết… Giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc bởi phải tiếp cận sát địch, phải vượt qua bao hàng rào kẽm gai, mìn giăng dày đặc, hỏa châu mịt mùng. Binh chủng đặc công đã góp một phần quyết định vào thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Ba chúng tôi gần như thức trắng đêm để ôn lại những ngày gian lao, ác liệt đánh đuổi kẻ thù. Một dân tộc nghèo nàn lạc hậu đã bị hai đế quốc to là Pháp và Mỹ xâm lăng, nhưng con cháu Bác Hồ đã một lòng một dạ: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Để làm nên chiến thắng 30 tháng Tư vĩ đại chính là nhờ vào tình đoàn kết quân dân như cá với nước.

Lần tiếp xúc với một cựu lính ngụy, anh ta nói với tôi: “Không hiểu sao các ông Việt cộng lại đưa được xe tăng, đạn dược nhiều như thế vào tận trung tâm thủ đô Sài Gòn? Hồi ở lính tụi tui sợ nhất đặc công, họ vô tận kho xăng Nhà Bè, đốt cháy quá trời”…

Sau giải phóng, suốt 20 năm, lúc nào Nguyễn Quang Vinh cũng chỉ mong tìm được cái giếng chôn 5 đồng đội mình đánh chốt Bầu Giang trước chiến dịch Hồ Chí Minh ấy. Và chính anh đã bao lần đi tìm đồng đội. Anh và một số cựu chiến binh đã liên hệ với Quân khu 7 cùng Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm tìm bằng được giếng chôn 5 người. “Bởi đây là lương tâm và trách nhiệm của người còn sống. Chúng ta không thể nhìn những dòng nước mắt của người thân liệt sĩ đang héo mòn chỉ ước mong nhìn thấy nơi an nghỉ của con em mình”. Cảnh chiến trường xưa nào có còn. Nhà cửa, đường sá, cây cối mọc lên trước cuộc sống đầy sôi động. Bao tháng trời, khó khăn vất vả, những người “đi tìm mộ liệt sĩ” cũng đã biết được khu vực “cái giếng chôn 5 người”. Quân khu 7 đã điều động một đội quân, cùng xe máy, xe ủi để khai quật. Cả một tháng trời, bới tìm biết bao mệt mỏi. Đang lúc gần như tuyệt vọng thì bất ngờ máy xúc phát hiện ra nơi đất “lạ”, nghi là giếng. Ngay lập tức công việc tìm kiếm tiếp tục được triển khai. Máy ủi, máy xúc làm việc quên cả sớm tối. Và, “Đây rồi, các anh!”. Mọi người cùng reo lên, nhưng cuối cùng chỉ thấy… 3 mẩu xương. Nguyễn Quang Vinh ngậm ngùi: “Làm sao mà còn nữa, tan nát hết rồi. Bộc phá, thủ pháo của đặc công thường dùng là chất nổ C4 sức công phá mạnh hơn TNT rất nhiều, địch ném xuống đó thì còn gì thân xác”. Rồi việc chia xương như thế nào đây? Ba mẩu xương chia cho 5 gia đình ư? Bàn đi tính lại, “ba bên” (gia đình các liệt sĩ, Quân khu 7 cùng Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh) đã lập một biên bản, đi đến thống nhất: Ba mẩu xương sẽ được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh, cùng chung ngôi mộ, trên sẽ ghi đầy đủ họ, tên, chức vụ, quê quán của 5 chiến sĩ. Hóa ra ngôi mộ 5 người là như thế.

***

Ngày hôm sau, từ Biên Hòa ba chúng tôi đi xe máy về Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh tìm đến ngôi mộ 5 người. Trước khi đi, Vinh bảo tôi phải mặc bộ đồ lính, còn anh và Lượng đã chuẩn bị sẵn rồi. “Phải nghiêm trang khi tới nơi linh thiêng này”, Vinh nói thế. Chúng tôi mang theo hương, bánh kẹo, hoa tươi để thắp lên mộ bạn. Vừa thấy ngôi mộ 5 người, Vinh liền òa khóc gọi tên từng người, Thả, Khuê, Toản, Huyến, Vân, làm chúng tôi cũng khóc theo.

Những làn khói hương nhè nhẹ tan vào không gian, như cuộc đời người lính Cụ Hồ, coi cái chết nhẹ như lông hồng để thực hiện lý tưởng vì một nước Việt Nam độc lập. Lòng day dứt, ngậm ngùi sau câu chuyện về ngôi mộ chung có 5 người, giờ thì tôi càng thấm thía hơn, vì sao Vinh không thể không có mặt tại đây. Tình đồng đội thiêng liêng trong mỗi người lính luôn là lý do thôi thúc họ tìm đến với nhau, nhất là vào những dịp như thế này.

Trái tim người lính

Đ. S.Q CCB Đào Sỹ Quang F 304/Thành Đô (tổng hợp)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ngoi-mo-chung-cua-5-dong-doi-a23716.html