Ngôi làng có hàng trăm 'họa sĩ nông dân'

Cổ Đô là một ngôi làng nhỏ hiền hòa nằm nép mình bên dòng sông Hồng hùng vĩ. Chẳng biết có phải vì phong cảnh hữu tình hay không, mà nơi đây từ xa xưa đã xuất hiện rất nhiều người mê hội họa. Sau này, tình yêu nghệ thuật ấy ngày càng được nhân rộng. Vì thế, Cổ Đô nay còn có một danh xưng khác là 'làng họa sĩ'.

Khi người nông dân trở thành họa sĩ

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 70 cây số, làng Cổ Đô, huyện Ba Vì là làng quê yên ả trải dài ven đê sông Hồng, nơi giao thoa giữa ba con sông lớn với ngã ba Hạc từ lâu đã nổi danh khắp vùng. Bởi đây là làng lụa, làng thơ, làng nghề truyền thống, vùng đất của những danh nhân tên tuổi như Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh, Thượng thư Nguyễn Bá Lân...

Họa sĩ Hoàng Tuấn Việt – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô (bên trái).

Họa sĩ Hoàng Tuấn Việt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô, chia sẻ một câu chuyện về nguồn cội Cổ Đô. Làng được mệnh danh làng họa sĩ bởi làng đã có những hoạt động mỹ thuật sôi nổi. Với người dân nơi đây, từ người già đến trẻ em, ai cũng biết đến câu chuyện về ông tổ nghề của làng là họa sĩ Sỹ Tốt - ông đã từng đạt Giải thưởng Nhà nước, tác giả của những tác phẩm: Ơ Bố, Tiếng đàn bầu, Lúa non buổi sớm, Em nào cũng được đi học

Khi đi bộ đội trở về, họa sĩ Sỹ Tốt đã được cử đi học tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và được chính danh họa Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy. Sau khi tốt nghiệp, trở về quê, ông đã mở các lớp dạy vẽ cho người dân trong làng, từ đó phong trào yêu mỹ thuật của làng ngày càng được nhân rộng hơn.

Hơn nữa, gọi là “làng họa sĩ” bởi Cổ Đô hiện có hơn 30 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, đều là những họa sĩ chuyên nghiệp, đã trải qua trường lớp. Còn những họa sĩ “không chuyên”, tức là những người nông dân yêu thích mỹ thuật và cầm cọ vẽ tranh thì đông đảo hơn nhiều.

Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô - nơi trưng bày nhiều các tác phẩm của họa sĩ trong làng.

Ở làng còn có Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô, hai bảo tàng hội họa là Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô chính thức hoạt động chuyên nghiệp từ năm 2016 và Bảo tàng Sỹ Tốt, gia đình đặt tại nhà riêng cố họa sĩ. Ngoài ra, còn có hàng chục phòng tranh cá nhân của các họa sĩ “chân đất”, chủ yếu tự trưng bày tác phẩm của mình.

Chính vì thế, khi đến tham quan ngôi làng nhỏ hiền hòa này, người ta rất dễ bắt gặp hình ảnh những người dân bình dị, những cụ già tóc bạc và thậm chí là những em nhỏ say sưa bên giá vẽ. Giá vẽ có thể đặt cạnh những đống rơm, những bờ tre rì rào hay trên chính những ruộng cày, ruộng lúa để chỉ cần ngơi tay làm việc là họ lại có thể vẽ ngay được.

Những em nhỏ say sưa bên giá vẽ.

Đôi khi cũng chẳng cần giá vẽ, chất liệu vẽ cho những bức tranh ngẫu hứng ấy có thể là trên tường, hoặc trên đường. Hội họa đã ngấm vào máu người dân nơi đây. Họ coi vẽ tranh như một thú vui cũng như một cách để hòa mình hơn nữa vào phong cảnh hữu tình của quê hương.

Các tác phẩm mà họa sĩ Cổ Đô sáng tác chủ yếu theo trường phái hiện thực với những chất liệu sơn mài, sơn dầu, màu nước, miêu tả những hình ảnh rất đỗi thân quen như cảnh làng quê, con trâu, cây rơm, góc vườn... nơi họ đã sinh ra và lớn lên. Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại ngày nay, các họa sĩ của làng cũng đã cập nhật, sáng tạo đa dạng các chủ đều, màu sắc trong sáng tác để phù hợp với tính đương đại.

Một số tác phẩm của các họa sĩ nhí.

Ươm mầm những hạt giống hội họa mới

Không chỉ là địa điểm sinh hoạt cho những người yêu thích hội họa, làng Cổ Đô còn là nơi ươm mầm tài năng cho các thế hệ họa sĩ nhí của làng. Họa sĩ Hoàng Tuấn Việt cho biết: “Vào đầu những năm 1990, những lớp học vẽ từ thiện được mở ra ngay tại nhà của các họa sĩ trong làng, từ chiếc bút lông, hộp màu, bảng vẽ,... thậm chí cả những bữa ăn cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tất cả đều được miễn phí.

Từ đó đến nay, với mong muốn kế thừa và phát huy truyền thống hội hóa của làng, chúng tôi đã liên tục duy trì mở lớp dạy học vẽ miễn phí cho các cháu học sinh có năng khiếu, yêu thích hội họa trong và ngoài địa phương, mỗi khóa trên 50 cháu.

Hằng năm, vào dịp hè, các họa sĩ trong làng lại tổ chức lớp học vẽ miễn phí cho các em nhỏ.

Lớp học vẽ ngày càng phát triển, không chỉ bó hẹp trong phạm vi của làng mà nhiều em nhỏ đến từ các huyện, thị, địa phương lân cận như thị xã Sơn Tây, Hà Đông, Quốc Oai, Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên... cũng quan tâm và đến tham gia. Qua các khóa học, đến nay đã có hơn 350 em thiếu nhi được tham gia lớp học vẽ, trong đó có nhiều cháu thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách và trẻ tàn tật”.

Điều đáng nói, phương thức đào tạo vẽ tranh ở đây cũng thật lạ: Không giáo trình, không phương tiện hiện đại, những người thầy đứng lớp cầm tay chỉ việc cho học trò trước đó còn là những nông dân chân lấm, tay bùn... Nhưng vì tình yêu tranh, những lớp đào tạo họa sĩ tại Cổ Đô cứ thế lại ra đời.

Các em được dạy cảm nhận về màu sắc, cách phối màu, sử dụng kỹ thuật đường nét, các chất liệu dùng vẽ tranh...

Tại các buổi học, các họa sĩ của làng Cổ Đô đã hướng dẫn cho các em cảm nhận về màu sắc, cách phối màu, sử dụng kỹ thuật đường nét, các chất liệu dùng vẽ tranh. Nhiều chủ đề chính như ước mơ của em, tĩnh vật màu, vẽ theo nhạc, chân dung, phong cảnh, môi trường, chủ đề gia đình, phong cảnh quê hương, lao động, lễ hội, văn hóa, thể thao… được các em thích thú thể hiện trên giá vẽ.

Ngoài thời gian học tập ở lớp, các họa sĩ còn tổ chức cho các em học sinh tham quan thực tế để vẽ tranh phong cảnh. Những bức tranh về làng quê mùa gặt, bãi nổi sông Hồng, làng chài Cổ Đô... qua những nét vẽ mộc mạc của các em thật giản dị, gần gũi. Từ các buổi vẽ tranh dã ngoại đã giúp các em học sinh nơi đây thêm hiểu biết, yêu mến quê hương - nơi các em được sinh ra và lớn lên.

Ngoài thời gian học trên lớp, các họa sĩ còn tổ chức các buổi tham quan thực tế.

Họa sĩ Hoàng Tuấn Việt bày tỏ: “Lớp vẽ miễn phí không chỉ thể hiện sự kế tiếp truyền thống hội họa của làng, mà còn là nơi khơi dậy và vun trồng những mầm non hội họa cho quê hương, đất nước. Qua các lớp học, chúng tôi mong muốn tạo cảm hứng cho trẻ em sáng tạo, tìm tòi khám phá và phát huy trí tưởng tượng về sắc màu hội họa, để lớp học trở thành sân chơi bổ ích, lành mạnh, là món ăn tinh thần không thể thiếu của các em thiếu nhi Cổ Đô trong các dịp hè”.

Cổ Đô được biết đến không chỉ là làng họa sĩ xứ Đoài của Hà Nội mà còn là một điểm đến yêu thích của nhiều khách du lịch khi có dịp ghé thăm Thủ đô. Tại đây, người dân Cổ Đô đang mỗi ngày giữ gìn, phát huy và góp phần lan tỏa nghệ thuật hội họa của Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Bài và ảnh: Mộc Trà

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ngoi-lang-co-hang-tram-hoa-si-nong-dan-40888.html