Ngọc Lặc gìn giữ văn hóa truyền thống từ gương điển hình

Trong hành trình gìn giữ văn hóa truyền thống ở Ngọc Lặc, những người tâm huyết với văn hóa truyền thống đóng một vai trò quan trọng. Họ là những người 'giữ lửa', 'truyền lửa' cho 'ngọn đuốc' văn hóa luôn cháy mãi.

Bà Phạm Thị Bảo, xã Cao Ngọc, điển hình trong bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Bà Phạm Thị Bảo, xã Cao Ngọc, điển hình trong bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Khoảng 20 năm trước, nghề dệt thổ cẩm truyền thống – một nét văn hóa đặc sắc của người Mường Ngọc Lặc đứng trước nguy cơ mai một. Thế nhưng tình trạng khung cửi mục hỏng cất góc nhà, chị em phụ nữ Mường bỏ dệt hiện đã không còn nữa. Nhiều chị em phụ nữ đã dệt trở lại, họ không dệt thổ cẩm như một nghề mưu sinh mà dệt thổ cẩm để giữ văn hóa truyền thống, giữ hồn cốt dân tộc. Có được đổi thay đó, một phần không nhỏ là nhờ vào tâm huyết và tình yêu văn hóa truyền thống của bà Phạm Thị Bảo (sinh năm 1954) ở thôn Nhỏi, xã Cao Ngọc.

Trò chuyện với bà Phạm Thị Bảo, chúng tôi được biết, đến năm 2006 tại địa phương không còn mấy ai dệt, những sản phẩm từ nghề dệt truyền thống như trang phục, gối, khăn, túi... gần như không được ưa chuộng. Năm đó, có một gia đình trong xã tổ chức đám cưới cho con, tất cả trang phục và vật dụng đều theo truyền thống nhưng họ đã mất rất nhiều thời gian, vất vả đi khắp nơi để tìm đủ đồ theo mong muốn. Chứng kiến điều đó, cùng với tình yêu với dệt thổ cẩm truyền thống, bà Bảo đã quyết định phát triển nghề tại địa phương.

Bà Phạm Thị Bảo sinh ra và lớn lên trong bản Mường bình yên với tiếng hát ru, hát xường, tiếng cồng chiêng cùng hình ảnh những người phụ nữ khéo léo dệt vải. Năm lên 10 tuổi, bà đã được mẹ truyền dạy cho những đường chỉ đầu tiên. Đến năm 16 tuổi bà có thể ngồi vào khung cửi, dệt thuần thục những hoa văn truyền thống của người Mường. Tình yêu với nghề truyền thống cứ thế theo suốt cuộc đời bà. Hiện bà đã thành lập câu lạc bộ “Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường” tại xã Cao Ngọc, thu hút khoảng 36 người tham gia. Ngôi nhà của bà Bảo chính là điểm sản xuất và thực hành nghề dệt thổ cẩm truyền thống, cũng là nơi bà truyền nghề và nơi học nghề của những cô gái Mường ở mọi lứa tuổi.

Bà Phạm Thị Bảo chia sẻ: “Dệt thổ cẩm truyền thống trải qua nhiều công đoạn như quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt... và được thực hiện hoàn toàn thủ công. Bởi vậy, tôi làm nghề với mong muốn giữ nghề, giữ văn hóa của người Mường. Muốn đồng bào Mường luôn mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt, đặc trưng trong các sự kiện quan trọng, từ đó, lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc, quý báu của dân tộc đi khắp mọi nơi”. Với những đóng góp và cách thể hiện tình yêu với văn hóa truyền thống của mình, bà Phạm Thị Bảo đã trở thành một điển hình trong gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Mường; là người đi đầu trong phục dựng và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc.

Văn hóa truyền thống của người Mường Ngọc Lặc rất đa dạng, độc đáo. Nổi bật trong đó là Lễ hội Pồn Pôông. Cùng cán bộ văn hóa xã Minh Tiến về thôn Phúc Long, chúng tôi được hòa mình vào không khí vui tươi, đoàn kết của người dân nơi đây. Người đánh cồng, chiêng, người làm cây bông, người luyện tập thực hành múa, hát Pồn Pôông. Tại đây chúng tôi đã bị thu hút bởi một người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và nhiệt tình với mọi hoạt động, đó là bà Đinh Thị Ngọc (57 tuổi) - nhân tố đi đầu trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương.

Bà Ngọc chia sẻ: “Pồn Pôông đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của tôi. Khi còn bé, tôi được chứng kiến các bà, các mế trong bản say sưa nhảy múa bên cây bông. Tôi luôn mong muốn mình được hòa mình vào những điệu múa ấy. Khi lớn lên, tôi theo các bà, các mế học múa, học hát Pồn Pôông. Niềm đam mê với văn hóa truyền thống ấy vẫn luôn cháy trong tôi. Mỗi khi trong thôn, xã có sự kiện là tôi lại tích cực tham gia luyện tập”.

Không chỉ tích cực tham gia thực hành và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, bà Đinh Thị Ngọc còn tích cực vận động mọi người tham gia thực hành, gìn giữ văn hóa truyền thống. Trong những lần luyện tập, bà Ngọc và những người cao tuổi khác cùng nhau hướng dẫn, truyền dạy lại những điệu múa, lời hát Pồn Pôông, hát xường cho thế hệ trẻ trong thôn. Việc làm này đã khơi dậy đam mê với văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, góp phần tích cực vào việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống.

Những người như bà Phạm Thị Bảo, Đinh Thị Ngọc đã trở thành tấm gương điển hình trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Cùng với các “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”, những điển hình ấy đã góp phần làm sống dậy văn hóa Ngọc Lặc; đưa văn hóa Ngọc Lặc trở thành một nét chấm phá độc đáo trong bức tranh văn hóa đa sắc màu của văn hóa xứ Thanh.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/ngoc-lac-gin-giu-van-hoa-truyen-thong-tu-guong-dien-hinh/27960.htm