Ngoại trưởng Mỹ thăm châu Âu: Sứ mệnh 've vãn' đồng minh đối phó với Trung Quốc?

Ít ngày sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ngày 22/6 đã quay trở lại châu Âu để tiếp tục công việc gây dựng sự thống nhất của phương Tây nhằm chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên đường công du châu Âu ngày 22/6. (Nguồn: AP)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rời Washington D.C. vào chiều muộn ngày 22/6 để tới Berlin, tiếp theo là Paris và Rome, để gặp gỡ 2 nhà lãnh đạo thế giới là Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng như các lãnh đạo Vatican.

Theo lịch trình, ông Blinken sẽ tham gia các cuộc thảo luận về việc đem lại hòa bình cho đất nước Libya bị chiến tranh tàn phá và tiêu diệt nhóm khủng bổ Nhà nước Hồi giáo.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ kết thúc chuyến công du bằng một cuộc gặp với nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Matera của Italy vào ngày 29/6.

Tại đây, ông Blinken sẽ mặt đối mặt với người đồng cấp Trung Quốc - quốc gia mà chính quyền của Tổng thống Biden xác định là thách thức hàng đầu của Mỹ.

Trong chuyến công du "lục địa già" tuần trước, ông Biden đã đề xuất một kế hoạch cơ sở hạ tầng lớn của nhóm G7 để đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và chủ trì hội nghị của NATO, thảo luận về Trung Quốc một cách thẳng thắn.

Ông Phil Reeker, quyền Trợ lý Ngoại trưởng về châu Âu và các vấn đề Á-Â đánh giá chuyến công du châu Âu của Ngoại trưởng Blinken là "một sự tiếp nối những ưu tiên mà Tổng thống Biden đã dành cho việc tái xây dựng các mối quan hệ của Washington với các đồng minh”.

Phát biểu với báo giới, ông Phil Reeker khẳng định: “Sức mạnh của các mối quan hệ này sẽ đặt nền móng cho nhiều ưu tiên trong chính sách đối ngoại, bao gồm sự phục hồi kinh tế khi chúng ta thoát ra khỏi đại dịch Covid-19 và đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn".

Hầu hết người dân châu Âu đều hưởng ứng sự nhiệt huyết của Tổng thống Biden với các đồng minh sau nhiệm kỳ đầy sóng gió của ông Donald Trump, người đã chỉ trích các quốc gia về những hành vi thương mại không công bằng và sự đóng góp chưa đầy đủ cho hệ thống phòng thủ chung.

Còn đội ngũ của ông Biden đang thể hiện rõ ràng sự ủng hộ cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Ngoại trưởng Blinken là một nhà ngoại giao kỳ cựu từng có thời gian trưởng thành tại Paris và rất thạo tiếng Pháp.

Chỉ dấu nhỏ này nói lên một sự thay đổi rõ nét trong phong cách so với người tiền nhiệm Mike Pompeo, vốn xuất thân từ nền chính trị đầy bảo thủ của Mỹ.

Ông chủ Nhà Trắng đã nhanh chóng hành động để xoa dịu những rạn nứt với châu Âu, đảo ngược quyết định của ông Trump là rút lính Mỹ khỏi Đức và khắc phục những bất đồng lâu nay với châu Âu trong vấn đề trợ cấp cho ngành chế tạo máy bay.

Một động thái gây tranh cãi hơn nữa là việc Tổng thống thứ 46 của Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chính đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2, tuyến đường ống dẫn khí đốt đã gần hoàn tất giữa Nga và Đức, nhưng bị Ukraine phản đối cực lực.

Ukraine hiện đang đấu tranh chống lại các phần tử nổi dậy thân Nga và lo ngại sẽ đánh mất ưu thế của mình là một điểm trung chuyển khí đốt.

Ngay cả một số nghị sỹ Dân chủ của ông Biden cũng đã chỉ trích cách tiếp cận này, coi đây là một sự nhân nhượng vô lý với Tổng thống Nga Putin.

Theo đó, chính quyền của ông Biden lập luận rằng, dự án này đã đi quá xa nên khó có thể dừng lại. Dòng chảy phương Bắc 2 đã bảo đảm một lộ trình hợp tác với Đức về việc vạch ra những "lằn ranh đỏ" với Nga.

Nhà phân tích Reeker cho biết, chính quyền Mỹ đã quyết định “làm điều gì đó tích cực để thoát ra khỏi tình thế khó khăn này”.

Ông Ian Lesser, Phó giám đốc Quỹ Marshall Đức tại Mỹ cho rằng, Dòng chảy phương Bắc là một trong hàng loạt vấn đề mà ông Biden đang nỗ lực “cân bằng khó khăn” với châu Âu.

Ông nói: “Câu hỏi đặt ra là chúng ta thực sự muốn tiếp cận với vấn đề này là vì Đức hay là vì Nga?”.

Trong bối cảnh bà Merkel chuẩn bị kết thúc 15 năm cầm quyền sau cuộc bầu cử năm nay, gương mặt mới thân thiện tại Nhà Trắng sẽ giúp đảm bảo mối quan hệ giữa Mỹ và quốc gia đông dân nhất EU được duy trì ổn định.

Tuy nhiên, lãnh đạo kế cận của Đức có thể áp dụng một cách tiếp cận khác về Trung Quốc so với bà Merkel, một người ủng hộ việc theo đuổi quan hệ với cường quốc châu Á thông qua thương mại.

Một ứng cứ viên hàng đầu lúc này là Annalena Baerbock của đảng Xanh, người duy trì lập trường cứng rắn về Trung Quốc.

Chuyên gia Lesser nói: “Đã có một sự cứng rắn hơn trong các quan điểm của châu Âu về Trung Quốc. Mặc dù những thái độ này không hoàn toàn giống với Washington và có lẽ là sẽ không bao giờ đồng nhất về các chi tiết hay về phong cách, chính quyền Biden vẫn đang nỗ lực khuyến khích một sự đồng nhất trong quan điểm giữa hai bên về lâu dài".

(theo SCMP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-truong-my-tham-chau-au-su-menh-ve-van-dong-minh-doi-pho-voi-trung-quoc-149214.html