Ngoại trưởng Đức tới Bắc Kinh, chuẩn bị cho chiến lược Trung Quốc

Một trong những điểm nổi bật trong chuyến thăm của nhà ngoại giao hàng đầu nước Đức có thể là bản chiến lược Trung Quốc chưa được công bố của chính phủ Đức.

Chuyến thăm chính thức Bắc Kinh của Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock vào giữa tháng 4 sẽ nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ Trung Quốc - Đức, các chuyên gia Trung Quốc cho biết.

Nó cũng cho thấy Đức sẵn sàng và có thể đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của quan hệ song phương giữa Trung Quốc và châu Âu, cho dù từ góc độ lợi ích của chính Berlin hay từ nhu cầu phát triển chung của châu Âu.

Theo tờ Handelsblatt của Đức, Ngoại trưởng Baerbock sẽ đến Bắc Kinh sau lễ Phục sinh (tức sau ngày 9/4). Sau chuyến thăm Trung Quốc, bà Baerbock sẽ tới Nhật Bản để tham dự cuộc họp của các Ngoại trưởng G7, tờ báo Đức cho biết.

Một trong những điểm nổi bật trong chuyến thăm của bà Baerbock có thể là bản chiến lược Trung Quốc chưa được công bố của chính phủ Đức, đang được soạn thảo bởi Bộ Ngoại giao Đức.

Tháng 8/2022, bà Baerbock, trong chuyến thăm Mỹ, đã thông báo rằng một chiến lược mới của Đức về quan hệ với Trung Quốc sẽ được trình bày vào năm 2023.

Mặc dù bản dự thảo đầu tiên của chiến lược mà Bộ Ngoại giao Đức gửi cho các bộ khác trong chính phủ đã bị rò rỉ cho báo chí vào năm ngoái, nhưng theo tờ Handelsblatt, tài liệu này vẫn đang được sửa đổi, và có khả năng sẽ được công bố sau vòng tham vấn liên chính phủ diễn ra vào tháng 6 tới tại Berlin.

Đức là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu và là quốc gia có quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại chặt chẽ nhất với Trung Quốc trong EU. Ảnh: Getty Images

Một trong những mục tiêu của chiến lược này là làm hài hòa hơn nữa các lập trường xuyên Đại Tây Dương liên quan đến những thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Theo chiến lược mới, Đức sẽ điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc. Và gần đây, đã có rất nhiều cuộc tranh luận ở Đức về chính sách đối với Bắc Kinh.

Vì có một số tiếng nói khác nhau trong chính phủ Đức, mục đích đầu tiên của chuyến thăm của bà Baerbock sẽ là duy trì liên lạc với Trung Quốc, ông Cui Hongjian, giám đốc Khoa Nghiên cứu Châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nói với tờ Global Times (Thời báo Hoàn cầu) hôm 2/4.

Xem xét chương trình nghị sự của vòng tham vấn liên chính phủ tiếp theo, làm thế nào để tạo không khí cho quan hệ Trung Quốc - Đức là rất quan trọng. Do đó, mục đích thứ hai nên là trao đổi với Trung Quốc về các vấn đề mà hai bên quan tâm nhất và chuẩn bị cho tài liệu chiến lược cuối cùng về Trung Quốc, ông Cui lưu ý.

Là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu và là quốc gia có quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại chặt chẽ nhất với Trung Quốc trong EU, Đức nên đảm nhận vai trò này một cách tương xứng và khía cạnh thực dụng của nước này cần được thể hiện đầy đủ hơn, các chuyên gia nhấn mạnh.

Mặc dù chuyến thăm của Ngoại trưởng Đức có thể không mang lại đột phá, nhưng vẫn mang lại tín hiệu tích cực cho sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-EU trong năm 2023, ông Gao Jian, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói với Global Times hôm 2/4.

Cuối tháng 10/2022, Đức đạt thỏa thuận với công ty vận tải nhà nước Trung Quốc về 25% cổ phần trong cảng container ở phía bắc thành phố Hamburg. Ảnh: Politico.eu

Thương mại giữa Đức và Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục vào năm ngoái, khiến quốc gia châu Á này trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức trong năm thứ bảy liên tiếp.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Liên bang Đức (Destatis), thương mại giữa hai nước năm 2022 đã tăng 21% so với cùng kỳ năm trước đó, lên thành 298 tỷ Euro.

Năm 2022, Đức nhập khẩu hàng hóa trị giá 191 tỷ Euro từ Trung Quốc, nhiều hơn 1/3 so với năm 2021. Xuất khẩu hàng hóa của Đức sang Trung Quốc chỉ tăng 3,1% lên khoảng 107 tỷ Euro.

Minh Đức (Theo Global Times, Sputnik, Reuters)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ngoai-truong-duc-toi-bac-kinh-chuan-bi-cho-chien-luoc-trung-quoc-a601355.html