Ngoại trưởng Ấn độ thăm ASEAN: Một chuyến đi- nhiều mục đích

Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar bắt đầu thăm 3 nước ASEAN là Phillippines, Malaysia và Singapore. Truyền thông Ấn Độ cho biết chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, tuy nhiên ở mỗi chặng dừng chân tại ASEAN, Ngoại trưởng Ấn Độ lại hướng đến một mục tiêu khác nhau, trong đó có quốc phòng an ninh.

Quan hệ Ấn Độ - ASEAN

Mối quan hệ Ấn Độ- ASEAN vốn được nâng cấp lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2022 phản ánh sự nghiêm túc của cả hai bên. Nền tàng của mối quan hệ này là Chính sách Hành động Hướng Đông mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra, đa dạng trong cách tiếp cận từ chính trị, thương mại, văn hóa, an ninh, quốc phòng, kết nối và hợp tác đan xen. Bối cảnh động lực toàn cầu đang phát triển đã tạo tiền đề để mối quan hệ Ấn Độ-ASEAN ngày thêm sâu sắc, thiết thực hơn.

Ảnh: KT

Nhìn lại trong hơn 1 thập kỷ qua, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Ấn Độ-ASEAN ngày càng phát triển mạnh mẽ, được duy trì ở tầm cao mới, dựa trên sự tin cậy và lòng tin chiến lược. Những thành tựu quan trọng của mối quan hệ này bao gồm hợp tác an ninh và chính trị chặt chẽ hơn, đặc biệt thông qua việc đối thoại trong cấu trúc khu vực với vai trò trung tâm của ASEAN; hợp tác về an ninh hàng hải, tự do hóa thương mại thông qua Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) ASEAN-Ấn Độ và kết nối người dân hai bên. Với những nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ hướng tới tăng cường hợp tác kinh tế-chính trị trong khu vực láng giềng mở rộng, chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ tập trung vào các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đặc biệt, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi luôn coi khu vực Đông Bắc của Ấn Độ là cửa ngõ để tiếp cận các nước ASEAN.

Trong lĩnh vực chính trị, Ấn Độ duy trì hợp tác, đối thoại với ASEAN thông qua nhiều nền tảng đa phương do ASEAN dẫn dắt. Đáng chú ý, Ấn Độ thường xuyên tham gia các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF).

Kinh tế, thương mại cũng là điểm sáng của mối quan hệ này. Ấn Độ và ASEAN chia sẻ mối quan hệ đối tác kinh tế bền chặt. ASEAN là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với tổng giá trị thương mại song phương đạt khoảng 131 tỷ USD trong năm tài chính 2022-2023, chiếm 11,3% tổng thương mại toàn cầu của Ấn Độ. Ấn Độ và ASEAN đang duy trì ba cơ chế chính thức chính nhằm tạo thuận lợi và tăng cường kết nối kinh tế, gồm Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Ấn Độ, Hiệp định khung ASEAN-Ấn Độ về Hợp tác kinh tế toàn diện và Hội đồng kinh doanh ASEAN-Ấn Độ (AIBC) – một diễn đàn then chốt để thúc đẩy liên kết kinh doanh chặt chẽ hơn.

Hợp tác an ninh và mua bán vũ khí với Philippines

Trong chuyến công du kéo dài 5 ngày tới ba quốc gia Đông Nam Á, Bộ trưởng Ngoại giao Jaishankar mục tiêu tối đa hóa tiếp xúc ngoại giao để đưa mối quan hệ của Ấn Độ với các đối tác Đông Nam Á lên một tầm cao mới. Với mỗi đối tác trong số này, Ấn Độ lại có những cách tiếp cận khác nhau, cụ thể và thực tế.

Trước tiên, quan hệ đối tác Ấn Độ-Philippines đang nổi lên như một trong những yếu tố đáng chú ý trong bối cảnh địa chính trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn biến động. Điều này được thúc đẩy bởi sự hội tụ giữa mong muốn can dự vào Đông Nam Á của New Delhi với tư cách là một đối tác an ninh đáng tin cậy và sự chủ động của Manila trong việc đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc phòng vượt qua các mối quan hệ truyền thống. Quan hệ song phương hai nước đã phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng. Philippines là quốc gia đầu tiên đặt mua tên lửa hành trình BrahMos của Ấn Độ thông qua một hợp đồng trị giá 375 triệu USD. Trong khi Ấn Độ cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Philippines trong vấn đề Biển Đông.

Dưới quan điểm chiến lược, những nỗ lực tăng cường và mở rộng mối quan hệ đối tác an ninh giữa Ấn Độ và Philippines là cần thiết trong bối cảnh bất ổn địa chính trị vẫn tiếp diễn ở khu vực. Với uy tín và ảnh hưởng trên trường quốc tế hiện nay, Ấn Độ là một nhân tố không thể phủ nhận trong các tính toán chiến lược của Philippine, đặc biệt kể từ khi New Delhi duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác quan trọng khác của Philippines như Mỹ, Nhật hay Australia. Mặc dù ảnh hưởng của Ấn Độ ở Đông Nam Á có thể chưa thể so sánh với Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản, nhưng nước này đang ngày càng trở thành đối tác được ưu tiên cao của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Philippines.

Đẩy mạnh ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương

Như đã nói, mối quan hệ Ấn Độ-ASEAN đang không ngừng phát triển, mở rộng mạnh mẽ hơn trong vài thập kỷ qua. Hai bên thể hiện sự tôn trọng đối với lợi ích của nhau, về nhu cầu phát triển cũng như vấn đề an ninh. Ấn Độ đặt vai trò trung tâm của ASEAN làm trụ cột chính trong Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) của mình. Quan hệ đối tác Ấn Độ-ASEAN đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua và mang lại kết quả thực chất, đảm bảo lợi ích cho cả hai bên. Những thành tựu quan trọng của mối quan hệ này bao gồm việc hợp tác an ninh và chính trị, nhất là thông qua đối thoại trong cấu trúc khu vực với vai trò trung tâm của ASEAN.

Sự hội tụ lợi ích chiến lược trong quan hệ Ấn Độ-ASEAN đã thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ giữa hai bên trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Việc củng cố quan hệ giữa hai bên hướng tới thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đồng thời giải quyết các thách thức địa chiến lược đang nổi lên ở khu vực. Cả Ấn Độ và ASEAN đều nhấn mạnh việc tăng cường kết nối thương mại và hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một yếu tố góp phần tăng cường hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực song phương và đa phương.

Hai bên có đầy đủ các cơ chế và tầm nhìn để dẫn đường cho hợp tác như Chính sách Hành động hướng Đông, Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) của Ấn Độ và Kế hoạch hành động ASEAN-Ấn Độ (giai đoạn 2021-2025). Mục tiêu của chúng không gì ngoài việc củng cố quan hệ đối tác vì hòa bình Ấn Độ-ASEAN, góp phần duy trì ổn định và thịnh vượng chung trong khu vực. Việc tăng cường quan hệ Ấn Độ-ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập sự ổn định địa chiến lược và cân bằng quyền lực cần thiết ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Dũng Hoàng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ngoai-truong-an-do-tham-asean-mot-chuyen-di-nhieu-muc-dich-post1084690.vov