Ngoại giao vaccine - Chiến lược sáng suốt và hiệu quả

Ngoại giao vaccine là một trong những công cụ chính sách đối ngoại hiệu quả nhất của Việt Nam, thích ứng trước những thách thức của đại dịch Covid-19. Ngoại giao vaccine được triển khai ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp cao.

Đại sứ Cristina Romila trao tượng trưng 300 nghìn liều vaccine AstraZeneca ngừa Covid-19 do Chính phủ Romania tặng Việt Nam cho Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, ngày 25/8/2021. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đại sứ Cristina Romila trao tượng trưng 300 nghìn liều vaccine AstraZeneca ngừa Covid-19 do Chính phủ Romania tặng Việt Nam cho Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, ngày 25/8/2021. (Ảnh: Tuấn Anh)

Sự nỗ lực và phối hợp nhịp nhàng giữa ngoại giao nghị viện và ngoại giao nhà nước đã gửi đến thế giới hình ảnh một Việt Nam cởi mở và chủ động, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác để cùng nhau vượt qua dịch Covid-19 và thúc đẩy phát triển hậu đại dịch.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện hàng trăm cuộc điện đàm, gặp gỡ cấp cao để thảo luận về các cách thức thúc đẩy hợp tác vaccine cũng như tiếp cận vaccine với các đối tác trong và ngoài nước.

Trong số đó, tôi nhớ lại cuộc điện đàm giữa Tổng thống Romania Klaus Iohannis và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 14/7; cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Ngoại giao Romania Bogdan Aurescu và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bên lề Phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tại New York, ngày 24/9. Trong cả hai dịp, Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Romania đều khẳng định, Romania sẵn sàng sát cánh cùng Việt Nam đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Việt Nam cũng đóng một vai trò tích cực tại LHQ và ASEAN trong nỗ lực ứng phó với đại dịch. Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với các quốc gia khác để nâng cao khả năng tự chủ về vaccine của ASEAN bằng cách xây dựng chuỗi cung ứng khu vực và cùng các thành viên ASEAN nỗ lực đẩy nhanh việc xây dựng và vận hành Trung tâm ASEAN về Ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED).

Việt Nam đánh giá cao vai trò của các cơ quan LHQ và các tổ chức đa phương khác, đặc biệt là Cơ chế COVAX trong việc thúc đẩy tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine và thuốc Covid-19.

Tôi coi trọng chính sách đối ngoại rõ ràng, nhất quán của Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng cường đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm và đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ LHQ. Là những quốc gia ủng hộ vô điều kiện chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, với nòng cốt là LHQ, Romania và Việt Nam đã ủng hộ các sáng kiến của LHQ, nhằm đưa ra một giải pháp toàn cầu cho đại dịch.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Romania Bogdan Aurescu ngày 24/9 tại New York, Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Romania Bogdan Aurescu ngày 24/9 tại New York, Mỹ.

Về khía cạnh này, cả hai nước đều hoan nghênh Nghị quyết chống lại các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu: chống lại Covid-19 được Đại hội đồng LHQ thông qua vào tháng 9/2020.

Ngoại giao vaccine là một phần rất quan trọng trong chiến lược vaccine của Việt Nam. Tôi tin rằng việc đảm bảo nguồn cung vaccine là bước đầu tiên và quyết định để thực hiện thành công chiến lược vaccine. Phản ứng mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về tiêm chủng toàn dân là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Việt Nam đã nỗ lực để có được số lượng vaccine đáng kể, năng lực tiêm chủng của Việt Nam cũng được tăng cường. Theo tôi, việc triển khai tiêm phòng kịp thời và hiệu quả là chìa khóa để duy trì hoạt động sản xuất và phục hồi nền kinh tế.

Tôi cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam quyết định chuyển chiến lược từ “Zero Covid-19” sang thích ứng linh hoạt và chung sống an toàn với đại dịch là một quyết định quan trọng và kịp thời đối với nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài.

Ngoại giao vaccine của Việt Nam cho đến nay đã đạt được những kết quả rất tích cực, góp phần vào các nỗ lực của Chính phủ và thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Theo tôi, những thành tựu quan trọng đã đạt được trên cả hai cấp độ, trong và ngoài nước.

Ở trong nước, các bộ, ngành, các cấp liên quan đã tăng cường phối hợp nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động ngoại giao vaccine để tiếp cận vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và vật tư y tế. Về đối ngoại, Việt Nam đã tăng cường quan hệ với các đối tác và thúc đẩy ngoại giao đa phương dựa trên các nguyên tắc đoàn kết và phối hợp quốc tế. Trên nền tảng tình hữu nghị vững chắc của hai nước, Chính phủ Romania đã tặng Việt Nam 300.000 liều vaccine Covid-19.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-vaccine-chien-luoc-sang-suot-va-hieu-qua-167735.html