Ngoại giao công chúng trong kỷ nguyên số

Đó là chủ đề Phiên họp chuyên đề về ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại diễn ra ngày 17-12, tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Phiên họp có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan truyền thông và trưởng đại diện các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài.

Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam qua ngoại giao công chúng

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, từ năm 2021 đến nay, Bộ Ngoại giao đã triển khai đồng bộ công tác ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại, cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Hai công tác này rất quan trọng, góp phần tăng cường quảng bá, tuyên truyền sâu rộng về một đất nước Việt Nam năng động, đang phát triển mạnh mẽ, bền vững và ổn định, có nền văn hóa đặc sắc, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, công tác ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại vẫn còn những hạn chế nhất định do nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan.

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu khai mạc.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu khai mạc.

Tại phiên họp, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận có giá trị, nêu rõ cơ hội, thách thức, yêu cầu đặt ra cũng như đề xuất một số giải pháp giúp triển khai hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại trong kỷ nguyên số. Xuất phát từ thực tiễn công tác đối ngoại, các trưởng đại diện cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài cũng trình bày một số kinh nghiệm trong hoạt động ngoại giao văn hóa của các quốc gia khác, từ đó làm nguồn tư liệu tham khảo quý giá cho ngành Ngoại giao Việt Nam.

 Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Vinh Quang trình bày tham luận tại phiên họp.

Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Vinh Quang trình bày tham luận tại phiên họp.

Các đại biểu tham dự phiên họp đã lắng nghe Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Vinh Quang trình bày tham luận “Kinh nghiệm ngoại giao công chúng của Canada: Kiến nghị chính sách cho Việt Nam”. Từ đúc rút thực tiễn, Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Phạm Thị Thanh Bình đưa ra “Kinh nghiệm thông tin truyền thông, ngoại giao công chúng nhằm nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh quốc gia của Phần Lan trong thời đại số”. Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân nêu “Kinh nghiệm khai thác giá trị, quảng bá, tuyên truyền các danh hiệu UNESCO của các nước”.

Cần xác định rõ đối tượng công chúng của truyền thông

Trong vai trò đại diện cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ bối cảnh cũng như thuận lợi, khó khăn và định hướng của công tác thông tin đối ngoại hiện nay với tham luận “Hợp tác của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí trong triển khai công tác thông tin đối ngoại và ngoại giao công chúng trong kỷ nguyên số tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài”.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Việt Nam hiện có khoảng 20.000 tài khoản cá nhân và kênh truyền thông sở hữu từ 10.000 đến hàng triệu lượt người theo dõi trên các mạng xã hội. Đó là các KOL (Key Opinion Leader-người dẫn dắt dư luận chủ chốt, hay còn gọi là người có sức ảnh hưởng) mà chúng ta đã biết. Và gần đây nhất là các KOC (Key Opinion Consumer-người tiêu dùng chủ chốt-là những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường, có nhiệm vụ chính là dùng thử các sản phẩm, dịch vụ có mặt trên thị trường sau đó đưa ra những nhận xét, đánh giá mang tính chuyên môn và khách quan). Với việc tận dụng sức ảnh hưởng của các lực lượng như KOL và KOC, bên cạnh hàng loạt biện pháp khác, chắc chắn công tác truyền thông đối ngoại có thể được triển khai đạt hiệu quả sâu rộng, mạnh mẽ hơn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu ý kiến.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu ý kiến.

Trình bày tham luận “Bảo tồn, phát huy, quảng bá, thông tin về các giá trị văn hóa của Việt Nam trong thời đại số”, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Nhất Hoàng chia sẻ, Việt Nam có rất nhiều câu chuyện hay có thể kể với thế giới để quảng bá về hình ảnh quốc gia. Ông lấy ví dụ về câu chuyện hai chàng trai người Việt giới thiệu sản phẩm giày làm từ bã cà phê tại Triển lãm thế giới EXPO 2020 (Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) được kênh CNN đưa vào một chương trình phát sóng trên toàn thế giới. Trong khi nếu để mua quảng cáo tương tự, chúng ta có thể phải bỏ ra hàng triệu USD kinh phí.

Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh đóng góp ý kiến tại phiên họp.

Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh đóng góp ý kiến tại phiên họp.

Ở góc độ người đứng đầu một cơ quan truyền thông, Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh đưa ra một đóng góp quan trọng trong công tác ngoại giao công chúng. Đó là cần xác định rõ đối tượng công chúng của truyền thông đối ngoại, từ đó có hướng điều chỉnh công tác truyền thông đối ngoại cho phù hợp. Thực tế cho thấy, các cơ quan truyền thông Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực và đã làm ra các sản phẩm chất lượng, song cần nâng cao các nền tảng dành cho truyền thông đối ngoại, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng công chúng dễ dàng tiếp cận với thông tin. Ông Lê Quang Minh lấy ví dụ, khi tìm trên thanh công cụ tìm kiếm Google, có rất ít thông tin chính thống về các sự kiện đối ngoại quan trọng của Việt Nam bằng tiếng Anh, khiến việc quảng bá các sự kiện này ra thế giới bị hạn chế.

Kết thúc phiên họp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cảm ơn các ý kiến tham luận, đề xuất của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh, các cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông và các đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài cần phối hợp nhịp nhàng hơn nữa để thúc đẩy công tác ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại trong kỷ nguyên số đạt hiệu quả ngày càng sâu rộng.

Bài, ảnh: HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/ngoai-giao-cong-chung-trong-ky-nguyen-so-755823