Ngoài 3 gáo nước thơm tắm Phật cần làm điều này thì lễ Phật đản mới giàu công đức

Mùa Phật đản người người nô nức tới chùa tắm Phật, nhưng ít người biết ngoài 3 gáo nước thơm tắm Phật cần làm những điều này thì buổi lễ mới giàu công đức.

Vì sao có 2 ngày Phật đản

Lễ Phật đản cùng nghi thức tắm Phật đã thành nét sinh hoạt tâm linh cao đẹp trong văn hóa Việt Nam. Khi Phật giáo truyền qua Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam thì ngày kỷ niệm Phật đản sinh có lễ tắm Phật được vua chúa tổ chức trang nghiêm trong hoàng cung, rồi dần phổ biến ở các chùa chiền cho dân chúng tham dự.

Xưa kỷ niệm Phật đản sanh vào mùng 8 tháng Tư âm lịch và lễ tắm Phật được tổ chức vào ngày này. Từ 1950 để kết hợp với truyền thống và Phật giáo toàn cầu, Việt Nam đưa ra mùa Phật đản bắt đầu từ mùng 8 đến Rằm tháng Tư âm lịch. Theo Thượng tọa Thích Trí Chơn (Viện chủ tu viện Khánh An, Q.12, TP.HCM giải thích trên báo Thanh Niên), Đại lễ Phật đản là lễ hội lớn của những người theo đạo Phật nói riêng, người mến mộ đạo Phật cũng như cộng đồng - kỷ niệm ngày ra đời của Đức Thích Ca Mâu Ni.

Đại lễ Phật đản là một trong những sự kiện lớn nhất của người con Phật nói riêng cũng như những người có tình cảm với đạo Phật nói chung. Dịp này các chùa có những chuỗi sự kiện để cúng dường đức Phật, vui mừng mình là người con của đức Phật.

Mùa Phật đản bắt đầu từ mùng 8 đến Rằm tháng Tư âm lịch. Ảnh internet.

Lễ tắm Phật làm sao cho đúng

Nghi lễ tắm Phật (Mộc dục) là một trong những nghi thức phổ biến của Lễ hội Phật đản hằng năm trong nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau. Tắm Phật là nghi thức tắm nước thơm lên tượng Phật sơ sinh, ngoài kỷ niệm Phật đản sanh còn có ý nghĩa sâu sắc là tẩy trừ phiền não, hướng đến thanh tịnh ba nghiệp Thân - Khẩu - Ý của con người.

Để chuẩn bị cho lễ tắm Phật các phật tử chuẩn bị đầy đủ hương hoa, rồi tôn trí tượng Phật đản sanh trong một bồn sạch và quý, đặt trong điện thờ Phật hay một nơi nào đó trang nghiêm.

Nước tắm Phật theo Dục Tượng Công Đức Kinh thì: "Phải dùng các thứ diệu hương như Ngưu đầu, Chiên đàn, Tử đàn, Đa ma la hương, Cam tùng, Bạch đàn, Uất kim, Long não, Trầm hương, Xạ hương, Đinh hương… làm thành nước thơm đựng ở trong chậu sạch". Nước tắm Phật phải là nước tám công đức, vì vậy người chuẩn bị nước cần phải thành tâm, tin tưởng trọn vẹn vào công đức tắm Phật mới thành tựu như nguyện.

Ở Việt Nam các phật tử thường nấu nước với hoa nhài, hoa cúc, quế… rồi đổ vào chậu, rải thêm hoa lài vào nước tắm Phật. Có nơi giản tiện dùng nước mưa, nước lọc tinh sạch nấu chín (vì làm lễ xong có thể uống).

Đến giờ hành lễ thì các phật tử nghiêm trang trì tụng kinh sám theo nghi thức Lễ tắm Phật. Rồi theo chủ lễ tuần tự đi đến lễ đài tôn trí tượng Phật sơ sinh chắp tay thành kính đảnh lễ, múc nước nhẹ nhàng tưới lên hai vai và đôi chân của tôn tượng.

Vừa tắm Phật mọi người vừa lắng lòng thanh tịnh quán tưởng dòng nước cam lộ tinh sạch này sẽ gội nhuần tâm tư, rửa sạch tâm niệm tham lam, sân hận, si mê, những suy nghĩ, lời nói và việc làm xấu ác cũng được rửa trôi… giúp thân tâm trở nên thanh tịnh, mát mẻ, nhẹ nhàng.

Các phật tử tắm Phật với lòng tôn kính khi dùng những gáo nước thơm tinh khiết tắm tôn tượng Như Lai – bằng tâm niệm nguyện quay về nương tựa với giác tánh nơi tự tâm, trang nghiêm cho chính mình bằng hương thơm đức hạnh, bằng cành hoa trí tuệ và bằng nước từ bi nhẫn nhục, để có thể thích ứng mọi thuận duyên, hay nghịch duyên từ đó chuyển hóa tự thân, trang nghiêm tịnh độ.

Con nay tắm gội đức Như Lai

Công đức trang nghiêm tịnh trí đầy

Tắm Phật quán tưởng dòng nước tẩy sạch phiền não của thân tâm, nguyện giữ tâm an nhiên và thanh tịnh trước thuận - nghịch của cuộc sống. Ảnh internet.

Cách tắm Phật

Có nhiều cách tắm Phật, nhưng tựu trung đều quán tưởng dòng nước tẩy sạch phiền não của thân tâm, đặc biệt quán tưởng đến hai dòng nước ấm - mát của chư thiên, nguyện giữ tâm an nhiên và thanh tịnh trước thuận - nghịch của cuộc sống. Quán niệm như sau:

- Gáo nước thứ nhất tắm bên vai trái Phật, con xin quán niệm: nguyện bỏ mọi điều ác;

- Gáo thứ hai tắm bên vai phải Phật, con xin quán niệm: nguyện làm mọi điều lành;

- Gáo thứ ba tắm dưới chân Phật, con xin quán niệm: nguyện độ hết chúng sanh.

Lễ tắm Phật như cam lộ tưới mát, công đức vô lượng khó có thể nghĩ bàn.

Trong Kinh Dục Phật Công Đức có chép: "...Nhờ việc tắm tượng như thế chúng sanh trong hiện đời được nhiều phước báu thù thắng, sở nguyện thành tựu, quyến thuộc được an ổn, mau thành chánh giác. Những ai chí tâm cúng dường như thế sẽ có được mười lăm công đức thù thắng".

Phật tánh vốn tiềm ẩn trong mỗi người, nhưng vì bụi trần phiền não cùng tâm tham sân si đã che lấp viên ngọc quý ấy.

Muốn hiển lộ Phật tánh, chúng ta phải mượn nước thơm để tẩy rửa bụi trần. Lễ tắm Phật là dịp giúp chúng ta quay vào bên trong nhìn lại và quán niệm đến việc gột rửa thân tâm của chính mình, sám hối những lỗi lầm trong bao đời, để tìm lại tự tánh thanh tịnh vốn sẵn có nơi tự tâm.

Bài viết có tham khảo thông tin của Tổ tư vấn giacngo online

Ngọc Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/ngoai-3-gao-nuoc-thom-tam-phat-can-lam-dieu-nay-thi-le-phat-dan-moi-giau-cong-duc-172230527162658992.htm