Nghiên cứu mới: Chất lượng giấc ngủ có liên quan đến chứng mất trí nhớ

Theo một nghiên cứu mới, mất giấc ngủ sóng chậm (trạng thái ngủ sâu và có phục hồi) khi bạn già đi có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.

Matthew P. Pase, tác giả chính của nghiên cứu được công bố hôm 30-10 trên tạp chí JAMA Neurology cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng lão hóa có liên quan đến sự suy giảm thời lượng của các giai đoạn sâu nhất của giấc ngủ, được gọi là giấc ngủ sóng chậm”. Pase là phó giáo sư tâm lý học và thần kinh học tại Đại học Monash ở Úc.

Pase cho biết qua email: “Sau đó, chúng tôi phát hiện ra rằng những người bị suy giảm giấc ngủ sóng chậm nhiều hơn theo thời gian có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn trong 17 năm theo dõi tiếp theo”.

Giấc ngủ sóng chậm là giai đoạn thứ ba của giấc ngủ, rất quan trọng đối với sức khỏe não bộ. Trong giai đoạn này, cơ thể loại bỏ các chất không mong muốn hoặc có khả năng gây hại khỏi não - bao gồm protein beta-amyloid, một dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer.

Tiến sĩ Richard Isaacson, giám đốc nghiên cứu tại Viện bệnh thoái hóa thần kinh ở Florida cho biết đối với não bộ, giấc ngủ sâu này được cho là có tác dụng phục hồi tốt nhất. Isaacson không tham gia vào nghiên cứu.

Các tác giả muốn biết liệu việc giảm mãn tính giấc ngủ sóng chậm theo thời gian có liên quan đến nguy cơ mất trí nhớ ở người và ngược lại hay không - liệu các quá trình liên quan đến chứng mất trí nhớ trong não có thể góp phần khiến loại giấc ngủ này ít đi hay không.

Chất lượng giấc ngủ có liên quan đến chứng mất trí nhớ

“Kết quả cho thấy rằng sự suy giảm mãn tính trong giấc ngủ sóng chậm, chứ không phải là sự khác biệt của từng cá nhân tại bất kỳ thời điểm nào, là điều quan trọng để dự đoán nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ” - Pas nói.

Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu 346 người ở độ tuổi trung bình 69 và đã tham gia nghiên cứu Tim Framingham và hoàn thành hai nghiên cứu về giấc ngủ qua đêm – một từ năm 1995 đến 1998 và nghiên cứu thứ hai từ năm 1998 đến 2001 – trong đó giấc ngủ của họ được theo dõi. Được khởi xướng bởi Viện tim, phổi và máu quốc gia Hoa Kỳ vào năm 1948, nghiên cứu Tim Framingham xác định các yếu tố phổ biến góp phần gây ra bệnh tim mạch.

Các tác giả cũng điều tra xem liệu có bất kỳ thay đổi nào về thời lượng giấc ngủ sóng chậm mà những người tham gia nhận được có liên quan đến việc phát triển chứng mất trí nhớ tới 17 năm sau khi họ hoàn thành nghiên cứu về giấc ngủ hay không.

Vào thời điểm đó, 52 người tham gia đã được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ. Mỗi phần trăm giấc ngủ sóng chậm giảm mỗi năm có liên quan đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ tăng 27% và nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ do bệnh Alzheimer cao hơn 32%. Tỷ lệ mất ngủ sóng chậm tăng nhanh từ tuổi 60, đạt đỉnh điểm ở độ tuổi 75 đến 80 và chậm lại sau đó.

Những người bị suy giảm giấc ngủ sâu này có nhiều khả năng mắc bệnh tim mạch, dùng các loại thuốc ảnh hưởng đến giấc ngủ và mang gen khiến mọi người có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn (alen APOE ε4).

Isaacson cho biết: “Đây là một nghiên cứu quan trọng một lần nữa cho thấy tác động của chất lượng giấc ngủ đối với nguy cơ suy giảm nhận thức và chứng mất trí nhớ của một người. Điều quan trọng là không chỉ chú ý đến tổng thời gian một người ngủ mỗi đêm mà còn phải theo dõi chất lượng giấc ngủ tốt nhất có thể”.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/chuyen-bon-phuong/nghien-cuu-cho-thay-chat-luong-giac-ngu-co-lien-quan-den-chung-mat-tri-nho_154666.html