Nghiên cứu cơ chế tự chủ của các đơn vị nghệ thuật

Hiện, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý sáu đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, gồm các nhà hát: Ca múa nhạc Thăng Long, Múa rối Thăng Long, Kịch Hà Nội, Chèo Hà Nội, Cải lương Hà Nội, Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội.

Hiện, có một đơn vị đã thực hiện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, năm nhà hát còn lại thực hiện tự chủ một phần chi thường xuyên. Ðại diện các nhà hát kiến nghị cụ thể về cơ chế đặc thù cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng nhân lực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ thành lập tổ công tác liên ngành để đánh giá thực trạng cũng như xây dựng cơ chế đặc thù, cơ chế tự chủ cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, góp phần phát huy tiềm năng của từng đơn vị, đóng góp xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô.

Tìm giải pháp khai thác đường đua F1

Năm 2021, Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix đã bàn giao hoàn trả cơ sở vật chất, kỹ thuật của đường đua F1 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp nhận tạm thời. Tổng diện tích khu vực là gần 300.000m2, gồm đất và tài sản trên đất. Sau khi được bàn giao, khu vực này đã được sử dụng để tổ chức nhiều sự kiện thể thao, văn hóa; đồng thời là nơi tập luyện thường xuyên của các môn thể thao xe đạp, điền kinh, các môn thể thao trong nhà. Thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng đề án, quản lý, khai thác, sử dụng tài sản này. Khi đề án được xây dựng xong, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành phối hợp thực hiện.

Chín quận, huyện sẽ có Trung tâm thiết kế sáng tạo sản phẩm OCOP

Thông tin từ Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới Hà Nội cho biết, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phát triển từ năm đến chín mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Thời gian thực hiện từ nay cho đến cuối năm 2023. Các trung tâm được đặt tại các xã: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Duyên Thái (huyện Thường Tín), Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Duyên Hà (huyện Thanh Trì), Di Trạch (huyện Hoài Ðức), Vân Hà (huyện Ðông Anh), Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa), làng nghề Dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc, phường Vạn Phúc (quận Hà Ðông)...

Điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo thành phố đề xuất điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống thu gom, vận chuyển, các trạm trung chuyển, các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn, bảo đảm toàn bộ chất thải rắn phát sinh được thu gom, xử lý theo công nghệ hiện đại và giảm thiểu việc xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp. Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng Ðề án "Phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố"; hoàn thiện, trình thành phố xem xét, ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân nhằm khắc phục tình trạng để lẫn chất thải nguy hại và chất thải sinh hoạt thông thường.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nghien-cuu-co-che-tu-chu-cua-cac-don-vi-nghe-thuat-post739087.html