Nghiên cứu các kịch bản để đề ra những giải pháp phát triển phù hợp

Những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị, các sở, ngành, địa phương cần có sự rà soát, phân tích, đánh giá, dự báo để thực hiện tốt nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm.

Chiều 28/6, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì phiên họp.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kết luận phiên họp

Khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn

Đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui cho biết, kinh tế –xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tăng 6,51% so với cùng kỳ, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, xếp thứ 25/63 tỉnh/thành.

Trong cơ cấu kinh tế, ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, lĩnh vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng đạt 8,35% (cao hơn so với cùng kỳ 7,89%), chiếm 49,7%. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 1,56% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,41%). Sản xuất nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 13.544 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Thu ngân sách ước đạt 4.950 tỷ đồng, đạt 49,9% dự toán. Từ đầu năm đến nay, đã cấp mới 9 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3.700 tỷ đồng; 415 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 2.749 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến ngày 28/6 đã giải ngân đạt 30,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài ra, đã giải ngân các nguồn vốn giao bổ sung từ nguồn tăng thu ngân sách tỉnh đạt 18,9% kế hoạch. Như vậy, tổng số kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh đã giao đến nay giải ngân đến thời điểm báo cáo đạt 27,2% kế hoạch.

Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ được quan tâm, quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Mặc dù vậy, thông tin về những khó khăn thực tại, ông Nguyễn Đại Vui nhấn mạnh đến việc nhiều ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, như: Dệt may, xi măng, dăm gỗ, sản xuất điện tiếp tục giảm; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ.

Hiện, một số dự án đầu tư, dự án du lịch nghỉ dưỡng lớn đã được chấp thuận nhà đầu tư nhưng bị ngưng trệ, chậm triển khai thực hiện. Công tác quy hoạch triển khai còn chậm; giải phóng mặt bằng gặp một số khó khăn, vướng mắc, chậm được giải quyết dứt điểm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu kế hoạch.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần đôn đốc tiến độ các dự án

Cần có sự đánh giá thực chất

Ngoài nhận diện những khó khăn, các ý kiến cũng cho rằng cần có những giải pháp căn cơ để phát triển đồng đều trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chăm lo phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội...Ngoài ra, hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong ngân sách và ngoài ngân sách.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh đến chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP của cả năm phấn đấu đạt 9-10%. Ông Phương lưu ý đến các giải pháp căn cơ, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để thu hút đầu tư vào những lĩnh vực lớn, có thế mạnh; riêng lĩnh vực du lịch cần đa dạng các phân khúc, thị trường.

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch thu ngân sách Nhà nước năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các sở, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; các công trình, dự án khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022. Đặc biệt lưu ý đến công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên,…để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn.

“Đối với các chỉ tiêu được đề ra đầu năm chúng ta cần lưu ý phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch thu ngân sách Nhà nước năm 2023 trên 13.000 tỷ đồng; triển khai hiệu quả các kế hoạch nâng cao các chỉ số hành chính về PAR-Index; PAPI-Index, PCI, ICT, đặc biệt là các giải pháp nâng cao các chỉ số quan trọng giảm hạng trong năm 2022", ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

LÊ THỌ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/nghien-cuu-cac-kich-ban-de-de-ra-nhung-giai-phap-phat-trien-phu-hop-129491.html