Nghịch lý vấn đề nhập cư ở châu Âu

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cảnh báo vấn đề nhập cư có thể đe dọa đến sự toàn vẹn của khối này.

Nhập cư là một vấn đề gây tranh cãi trong EU từ nhiều năm nay. (Nguồn: tpvworld)

Nhập cư là một vấn đề gây tranh cãi trong EU từ nhiều năm nay. (Nguồn: tpvworld)

Trả lời phỏng vấn tờ Guardian ngày 22/9, ông Borrell chỉ ra tâm lý dân tộc chủ nghĩa đang gia tăng trên khắp châu Âu, nhấn mạnh “cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể đồng ý về một chính sách di cư chung”.

Ông Borrell nêu rõ: “Di cư gây ra sự chia rẽ lớn hơn đối với Liên minh châu Âu. Và nó có thể là một lực lượng giải tán khối”, cho rằng một số quốc gia thành viên chỉ đơn giản là “không muốn chấp nhận người từ bên ngoài”.

Tuy nhiên, ông Borrell cho rằng “tăng trưởng nhân khẩu học thấp” tại châu Âu hiện nay có nghĩa là một số quốc gia đón nhận làn sóng nhập cư, trong khi một số khác phản đối và nhận định tình trạng này là “nghịch lý”. Quan chức EU này khẳng định: "Nếu chúng ta muốn tồn tại xét từ quan điểm lao động, chúng ta cần người di cư".

Phát biểu của ông Borrell được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố đất nước của ông không thể tiếp nhận người di cư và người tị nạn nữa, khẳng định “Đức, giống như Italy, đang ở giới hạn năng lực của mình”.

Tổng thống Đức trích dẫn “tình trạng nhập cư mạnh mẽ từ biên giới phía Đông, từ Syria, Afghanistan", cũng như sự xuất hiện của “hơn một triệu người tị nạn từ Ukraine” trong năm ngoái, và kêu gọi thiết lập một “cơ chế đoàn kết lâu dài” để đảm bảo "phân bổ công bằng" lượng người di cư ở châu Âu.

Theo tờ Die Welt của Đức, Italy cũng đang đánh giá lại các chính sách biên giới của mình trong bối cảnh làn sóng di cư tăng đột biến.

Mặc dù ông Borrell cảnh báo bất đồng quan điểm về vấn đề nhập cư có thể đe dọa đến sự toàn vẹn của EU, song ông cam kết rằng, hiện tại, khối này sẽ vẫn đứng vững.

Di cư vẫn là một vấn đề gây tranh cãi trong khối kể từ năm 2015, khi đó EU phải hứng chịu làn sóng người tị nạn cũng như người di cư kinh tế do nghèo đói và chiến tranh ở châu Phi và Trung Đông. Một số quốc gia, bao gồm Hungary và Ba Lan, phản đối mạnh mẽ những nỗ lực của Brussels nhằm buộc các nước này tiếp nhận và bố trí chỗ ăn ở cho những người di cư, vốn ban đầu đến các quốc gia thành viên khác.

Trong khi đó, chính phủ Italy đã đóng cửa các cảng biển đối với các tàu vận chuyển người di cư từ Bắc Phi, khẳng định các quốc gia thành viên EU khác nên chia sẻ gánh nặng. Yêu cầu kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn cũng là một trong những động lực thúc đẩy chiến dịch ra khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016 ở Anh.

(theo Reuters)

Lam Giang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nghi-ch-ly-va-n-de-nha-p-cu-o-chau-au-243360.html