Nghịch lý tự do

Từ đầu tháng 5, dư luận tại Mỹ nổi sóng khi trang mạng Politico tiết lộ một dự thảo phán quyết của Tòa tối cao chấm dứt hiệu lực của tiền lệ án Roe vs Wade năm 1973. Theo tiết lộ của Politico, dự thảo phán quyết mới của Tòa tối cao Liên bang dự định trao cho các bang quyền cấm hoặc hạn chế phá thai. Khoảng 30 bang của Mỹ đã sẵn sàng áp dụng các quy định theo hướng này. Theo lập luận của văn bản, phán quyết Roe vs Wade 'từ khởi thủy đã không có căn cứ' bởi trong Hiến pháp Mỹ không có điều khoản nào bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ.

Quyền lựa chọn

Cũng theo Politico, dự thảo phán quyết được thẩm phán Samuel Alito thuộc phe bảo thủ chiếm đa số tại Tòa tối cao (6/9 thẩm phán), soạn thảo. Cách diễn giải ông Alito, người được cựu Tổng thống G.W. Bush bổ nhiệm năm 2005, dựa trên luận thuyết "nguyên thủy” (originalism) cho rằng quyền phá thai của phụ nữ chỉ được hình thành trong vài chục năm trở lại đây và không được các nhà sáng lập ra nước Mỹ đưa vào Hiến pháp. Cách diễn giải “nguyên thủy” mà các thẩm phán bảo thủ theo đuổi cho rằng các quyền trong Hiến pháp phải được giải thích dựa trên cách hiểu ban đầu "tại thời điểm nó được thông qua".

Tuy nhiên, những người phản đối việc hủy bỏ phán quyết Roe vs Wade cho rằng tiền lệ án này được bảo vệ bởi Tu chính án thứ 14 về “quyền riêng tư” (right to privacy). Những quyền mà Hiếp pháp Mỹ nêu ra vào cuối thế kỷ thứ XVIII chưa thể đầy đủ và toàn diện. Họ cũng viện dẫn Tu chính án thứ 9 thừa nhận “việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không nên được hiểu là phủ nhận hoặc đánh giá thấp những quyền khác mà người dân vẫn có”.

Kể từ năm 2005, có khoảng 1.200 phụ nữ tại Mỹ đã phải chịu án tù do phá thai. Theo National Advocates for Pregnant Women, một hiệp hội bảo vệ quyền của phụ nữ mang thai, con số này đang tăng nhanh khi mà có tới ½ các bang tại Mỹ áp đặt các luật cấm hoặc hạn chế phá thai. Tình trạng này còn tệ hơn khi chi phí sinh nở trung bình tại bệnh viện lên đến 3.000 USD/ca và lên đến 10.000 USD/ca đối với các trường hợp cần chăm sóc đặc biệt. Những phụ nữ thu nhập thấp không đủ chi trả cho các chuyến đi tới các bang cho phép phá thai, không đủ chi trả cho sinh nở sẽ chẳng còn lựa chọn nào khác. Bởi vậy, việc diễn giải Hiến pháp ra đời cách đây hơn 200 năm trong bối cảnh một xã hội bất bình đẳng, phân biệt giới tính, chủng tộc, theo cách tiếp cận “nguyên thủy” chỉ đào sâu hơn sự bất bình đẳng trong xã hội Mỹ hiện đại.

Những người ủng hộ duy trì quyền phá thai, thậm chí là một đạo luật liên bang cho phép phá thai, cũng cho rằng quyền này là một bảo đảm cho công bằng xã hội, bảo đảm cho quyền tự do cá nhân. Từ những năm 1970, họ đã đưa ra khẩu hiệu “cơ thể chúng tôi thuộc về chúng tôi” (our body belongs to us)”. Trong khi đó, đối lập với cách tiếp cận “quyền được lựa chọn” (prochoice) của họ, những người ủng hộ luật chống phá thai nhấn mạnh đến “quyền được sống” (prolife).

Nguồn: Reuters

Nguồn: Reuters

Quyền được sống trong an toàn hay quyền gây mất an toàn cho người khác?

Tuy nhiên, đây chính lại là nghịch lý của xã hội Mỹ, hay nói đúng hơn nghịch lý trong thái độ của những người bảo thủ, những người nhân danh “quyền được sống”, khi họ ủng hộ một “quyền được lựa chọn” khác, quyền tự do sở hữu vũ khí.

Quyền tự do sở hữu vũ khí, đặc biệt là vũ khí phát hỏa đã được chính thức thừa nhận ở Mỹ theo quy định tại tu chính án thứ 2 của Hiến pháp thông qua năm 1791. Ngay sau cuộc chiến tranh độc lập, các nhà lập quốc của Mỹ cho rằng việc một đạo luật cơ bản của Liên bang cho phép dân chúng sở hữu vũ khí là một lựa chọn đúng đắn và có lợi cho an ninh công cộng và nền cộng hòa mới ra đời. Mọi ý đồ chính trị không chính đáng và sai lệch sẽ bị đe dọa bởi việc các công dân được trang bị vũ khí sẵn sàng bảo vệ những quyền tự do mà họ mới giành được.

Hôm 14.5, dư luận Mỹ bàng hoàng vì vụ xả súng tại siêu thị Tops Friendly Markets (Buffalo, N.Y.), nằm trong khu dân cư da màu, giết chết 10 người. Thủ phạm vụ việc, Payton Gendron, 18 tuổi, da trắng, đã phát hình trực tiếp vụ việc trên mạng xã hội và không hề giấu giếm những động cơ mang tính phân biệt chủng tộc của mình. Một ngày sau đó, 3 vụ nổ súng khác đã xảy ra tại Laguna Woods (California), Winston Salem (North Carolina) và Houson (Texas) làm 3 người chết và 5 người bị thương.

Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 198 vụ xả súng trên toàn lãnh thổ Mỹ. Theo tổ chức Moms Demand Action, người dân Mỹ hiện sở hữu 400 triệu súng các loại. Trong năm 2021, có 17,5 triệu người Mỹ lần đầu mua súng và đến nay có khoảng 1/3 dân số nước này có vũ khí tại nhà. Năm 2021 có 20.726 người chết vì súng đạn. Con số này không ngừng tăng lên từ năm 2012 và lần đầu vượt mức 20.000 năm 2020, tăng 25% so với năm 2019. Năm 2021, có 693 vụ sả xúng hàng loạt, năm 2020 có 611 vụ và năm 2019 có 417 vụ. Cũng theo các thống kê từ năm 1999 đến nay, có 7% thủ phạm của các vụ việc là người gốc Á, 9% là người gốc Mỹ Latinh, 12% là người da màu. Trong khi đó, người da trắng chiếm tới 47% các vụ nổ súng. Các thống kê cũng cho thấy, thủ phạm của hầu hết các vụ thảm sát này thường là đàn ông.

Mỗi lần sau các vụ xả súng hoàng loạt, dư luận Mỹ lại bàng hoàng và lại có các phong trào đòi hỏi hạn chế quyền tự do sở hữu súng. Năm 2018, một cựu sinh viên trường trung học ở Parkland (Florida) đã xả súng khiến 17 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương. Trên Twitter với phong trào phản đối bùng nổ với hashtag #NeverAgain. Những hashtag như #momsagainstgun cũng xuất hiện thường xuyên hơn sau mỗi vụ xả súng nhưng chừng đó vẫn không mang lại những thay đổi lớn.

Viện dẫn cách diễn giải “nguyên thủy”, nhân danh “quyền được sống”, các lực lượng bảo thủ tại Mỹ đang lật ngược các tiến bộ xã hội và pháp lý chống lại sự bất bình đẳng, phân biệt giới tính, chủng tộc vốn là đặc điểm mang tính cấu trúc của xã hội Mỹ cách đây hơn hai thế kỷ. Nhưng điều nghịch lý là, rất ít ai trong số họ sẵn sàng nhân danh “quyền được sống” trong an toàn để chấm dứt những thảm cảnh như Blackburg (Virginia 2007 - 39 người chết), Aurora (Colorado 2012 - 12 người chết), Orlando (Florida 2016 - 49 người chết), Las Vegas Strip (Nevada 2017 - 58 người chết) hay Parkland (Florida 2018 - 17 người chết)…

10 ngày sau vụ xả súng Buffalo, 21 người đã bị sát hại tại Trường tiểu học Robb, thành phố Uvalde (Texas). Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ, Chris Murphy, cho rằng “những sự việc như vậy chẳng xảy ra ở đâu ngoài nước Mỹ, và đó là một lựa chọn”. Và sự lựa chọn này đang tiếp tục tước đi quyền được sống” của thế hệ tương lai khi mà 19 trong số 21 nạn nhân tại Uvalde, 19 trẻ nhỏ đã không bao giờ được về nhà sau buổi đến trường định mệnh 25.5 vừa qua.

Q. Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-cac-nuoc/nghich-ly-tu-do-i290723/