Nghịch lý trong giáo dục

Nhiều ngày qua, hình ảnh phụ huynh rồng rắn, chen lấn xếp hàng xuyên đêm để mong giành được một suất nộp hồ sơ vào lớp 10 (tư thục, công lập tự chủ tài chính) cho con gây nỗi ám ảnh trong dư luận.

Câu hỏi tại sao, “bao giờ và làm gì để kết thúc tình trạng trên?” một lần nữa lại được đặt ra.

Đêm 3/7, phụ huynh chen chân xếp hàng ở cổng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa). Cảnh tượng trên tái diễn tại Trường THCS & THPT Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng) đêm 4/7 và rạng sáng 5/7 tại Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa).

Hàng trăm, hàng nghìn phụ huynh xếp hàng giành suất nộp hồ sơ lớp 10 cho con vào các trường kể trên phải đáp ứng hai điều kiện bắt buộc. Thứ nhất, họ phải lo đủ kinh tế để nộp mức học phí vài triệu đồng/tháng cho con (gấp nhiều lần học phí trường công). Thứ hai, con của họ đạt kết quả thi lớp 10 với điểm khá hoặc điểm giỏi (trung bình trên 7 đến trên 8 điểm/môn).

Khi được hỏi, các phụ huynh nêu lý do xếp hàng vì: Con họ trượt nguyện vọng 1; trượt nguyện vọng 1, 2 hoặc trượt cả 3 nguyện vọng; vì muốn học trường gần nhà; vì tin tưởng vào chất lượng và môi trường giáo dục của trường; vì chỉ tiêu ít, nhu cầu cao mà trường chỉ nhận hồ sơ đến khi đủ chỉ tiêu...

Nhận xét về hiện tượng xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ lớp 10, nhiều người cho rằng, xảy ra tình trạng này trước hết do Hà Nội thiếu trầm trọng trường THPT công lập. Dù nhìn hiện tượng trên bằng thái độ đồng tình hay phản đối thì tất cả đều thừa nhận, việc xếp hàng xuyên đêm, đội nắng nộp hồ sơ là quá vất vả với phụ huynh và cần phải nhanh chóng khắc phục tình trạng này bằng sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp, cơ quan quản lý, trong đó có cơ quan quản lý giáo dục.

Trước HĐND TP Hà Nội ngày 5/7, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, ở Hà Nội không thiếu chỗ học. Hiện tượng xếp hàng xảy ra vài ngày qua tại một số trường là do các trường đó tạo dựng được uy tín, được phụ huynh tin tưởng nên bằng mọi giá gửi con em mình vào học.

Để khắc phục tình trạng trên, theo Giám đốc Sở GD&ĐT, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh kế hoạch chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục, tạo điều kiện cho học sinh và phụ huynh học sinh. Hà Nội phấn đấu từ kỳ tuyển sinh năm học 2024 - 2025, tất cả các trường trên địa bàn triển khai đăng ký tuyển sinh trực tuyến, không còn trường nào thu hồ sơ đăng ký tuyển sinh trực tiếp. Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng đã làm việc với Sở QH - KT, Sở TN&MT cũng như các quận, huyện bàn phương án thu hồi các dự án treo để dành quỹ đất xây dựng trường công lập.

Sở GD&ĐT lưu ý, trong quá trình tuyển sinh, các trường THPT chịu trách nhiệm phân công cán bộ tuyển sinh có đủ thẩm quyền trực (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật), công khai số điện thoại, đường dây tư vấn, hỗ trợ tuyển sinh để kịp thời hướng dẫn, giải quyết những vấn đề vướng mắc của học sinh, phụ huynh. Nhà trường phải phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an ninh trật tự, tuyệt đối không để phụ huynh học sinh tụ tập ngoài cổng gây mất trật tự, an ninh.

Hà Nội có tốc độ tăng dân số cơ học chóng mặt; chung cư mọc nhiều và trường công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập của Nhân dân. Cùng với đó, chủ trương phân luồng sau THCS chưa được thực thi như mong muốn. Nhiều phụ huynh muốn con em mình theo học hết THPT, e ngại và hoài nghi chất lượng đào tạo trường nghề.

Cùng việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng trường công lập, điều cần quan tâm là giải quyết tốt việc phân luồng học sinh sau cấp THCS; thay đổi cách nhìn, tư duy, thái độ của phụ huynh, học sinh… thì hiện tượng phụ huynh phải vất vả chạy ngược chạy xuôi hay xếp hàng xuyên đêm giành suất nộp hồ sơ lớp 10 mới không xảy ra.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nghich-ly-trong-giao-duc.html