Nghịch lý thị trường lao động

Quý 1-2024, tình hình kinh tế có phần khởi sắc, nhiều doanh nghiệp đăng tin tuyển dụng lao động. Trong khi đó, số lượng người lao động tham gia các phiên giao dịch việc làm lại ít ỏi và có xu hướng chọn những công việc tự do, thoải mái về giờ giấc, không gian làm việc như bán hàng qua mạng, giao hàng, làm việc tại nhà.

Người lao động đến Bảo hiểm xã hội thành phố tìm hiểu thủ tục rút bảo hiểm thất nghiệp.Ảnh: LAM PHƯƠNG

Doanh nghiệp thiếu lao động

Đại diện Phòng thị trường lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng cho biết, tháng 1-2024, 160 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 7.560 vị trí việc làm. Tương tự, tháng 2-2024, có 127 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với hơn 7.100 vị trí việc làm. Trong đó, các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao như công nghiệp chế biến, chế tạo tuyển hơn 4.000 lao động; may mặc tuyển gần 1.260 lao động; chế biến thủy sản tuyển hơn 1.000 lao động; sản xuất dây cáp điện và điện tử tuyển 500 lao động; sản xuất linh kiện điện tử tuyển hơn 400 lao động…

Trong tháng 1-2024, tổng số lao động có nhu cầu đăng ký tìm việc, tham gia ứng tuyển tại sàn giao dịch việc làm là 177 lao động, giảm 163 lao động. Kết quả sơ tuyển có 123 lao động đạt yêu cầu. Trong tháng 2-2024, có 220 lao động đăng ký tìm việc, tham gia ứng tuyển tại sàn giao dịch việc làm, trong đó phần lớn là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ công an. Qua sơ tuyển có 66 lao động đạt yêu cầu. Cũng theo Phòng thị trường lao động, trong tháng 3-2024, dự kiến các doanh nghiệp tuyển dụng hơn 6.900 vị trí việc làm, tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành: công nghiệp, may mặc, chế biến thủy sản.

Đầu tháng 3-2024, để đáp ứng tiến độ đơn hàng, Công ty TNHH Fufikura Automotive Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Cầm) tuyển 500 lao động. Để thu hút công nhân, công ty đồng ý cho người lao động mang căn cước công dân đi phỏng vấn và bổ sung hồ sơ sau khi vào làm việc. Ngoài chế độ bảo hiểm, phụ cấp theo quy định, doanh nghiệp có những chính sách đãi ngộ hấp dẫn như được chọn ca làm việc; làm ca 3 được cộng thêm 30% lương cơ bản và phụ cấp; hỗ trợ tiền trọ và giới thiệu nhà trọ gần công ty,…

Công ty TNHH Morito Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh) cũng tuyển gấp hơn 60 lao động cho các vị trí kỹ thuật may, cắt dập, ủi, lao động phổ thông,… với nhiều chế độ, phúc lợi tốt. Tương tự, Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh) cũng tuyển gần 100 vị trí, kể cả lao động chưa biết may để đào tạo. Để thu hút, người lao động chỉ cần có căn cước công dân sẽ được tham gia phỏng vấn, hồ sơ bổ sung sau. Mỗi người lao động sau khi trúng tuyển được hỗ trợ phí làm hồ sơ và ổn định chỗ ở lên đến 2,5 triệu đồng/người.

Xu hướng chọn công việc tự do

Theo Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng cho biết, trong tháng 1-2024, có 1.147 người nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp và con số này trong tháng 2-2024 là 584 người. Trong khi doanh nghiệp đang ngóng lao động, số lượng người lao động đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cao nhưng tỉ lệ khớp nối việc làm khá thấp. Giải thích về điều này, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng Nguyễn Thanh Diệp cho biết, thực chất người lao động không thất nghiệp vì việc làm hiện rất nhiều. Một bộ phận người lao động đang có xu hướng chọn những công việc tự do, không ràng buộc về thời gian, không gian như bán hàng qua mạng, nhân viên giao hàng, làm việc tại nhà,…

Sau Tết Giáp Thìn, anh Nguyễn Phương Nam (tỉnh Thừa Thiên Huế) vào thành phố Đà Nẵng tìm việc làm. Thay vì chọn công việc có giờ giấc cố định, anh Nam chọn làm nghề giao hàng tự do. “Khi có người cần giao hàng, tôi liên hệ nhận việc. Mỗi đơn hàng tôi được trả từ 30.000 - 70.000 đồng tùy khoảng cách. Nếu chạy thường xuyên, thu nhập mỗi ngày có thể lên đến vài trăm nghìn đồng mà không bị ràng buộc về thời gian, không gian”, anh Nam cho hay. Tương tự, chị Phạm Thị Hồng Hạnh (tỉnh Quảng Trị) chọn công việc làm gấu bông tại một cơ sở sản xuất gần nhà.

“Tôi có con nhỏ 1 tuổi nên ưu tiên chọn công việc linh động về thời gian để đưa đón con đi nhà trẻ. Mỗi ngày, tôi làm việc từ 8 giờ sáng đến 14 giờ, được trả mức lương 4,5 triệu đồng/tháng”, chị Hạnh chia sẻ. Sau khi kết thúc nghỉ thai sản, dù rất muốn nhưng chị Nguyễn Thùy Trang (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) không thể quay lại công việc cũ dù trước đó là một công nhân may lành nghề. “Con tôi còn quá nhỏ, không có ông bà phụ giúp lại không thể tìm được nơi gửi trẻ phù hợp nên tôi đành tạm dừng công việc để chăm sóc con. Để có thu nhập, tôi nhận đan móc len tại nhà và nhập thêm quần áo trẻ em bán qua mạng để thuận tiện chăm con”, chị Trang phân trần.

Để tăng tỉ lệ khớp nối “việc cần người - người cần việc”, Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, chiều thứ 5 hằng tuần, trung tâm gọi điện thoại mời người lao động đăng ký tìm việc đến tham gia phiên giao dịch định kỳ sáng thứ 6 hằng tuần; liên hệ người lao động đã làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp đến tham gia các phiên giao dịch nếu chưa có việc làm mới. Song song đó, trung tâm tăng cường đăng tải thông tin về thời gian, địa điểm tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ trên các nền tảng mạng xã hội, trang web; chuyển thông tin về vị trí việc làm trống xuống cơ sở thông qua facebook, các nhóm zalo của tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ phụ trách ở xã, phường để thông tin đến người lao động có nhu cầu.

LAM PHƯƠNG

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/xa-hoi/202403/nghich-ly-thi-truong-lao-dong-3968716/