Nghịch lý cung - cầu ngành Điện

Nguồn cung ứng điện không thiếu nhưng người dân và doanh nghiệp (DN) lại thiếu điện để sản xuất, sinh hoạt. Đó là nghịch lý của ngành Điện Việt Nam trong thời gian qua. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do vướng về chính sách nên hạ tầng truyền tải điện đầu tư chậm, nhiều dự án điện mặt trời bị ách tắc. Bên cạnh đó, năm 2023, kinh tế toàn cầu suy giảm, đa số DN thiếu đơn hàng sản xuất, người dân bị giảm việc làm, thu nhập nhưng giá điện đã có 2 lần tăng đến 7,5% khiến nhiều DN, người dân thêm gánh nặng.

Nhân viên điện lực sửa chữa hạ tầng điện cao thế tại H.Xuân Lộc. Ảnh: L.An

Nhân viên điện lực sửa chữa hạ tầng điện cao thế tại H.Xuân Lộc. Ảnh: L.An

Bài 1: Tăng giá điện, thêm áp lực cho người dân, doanh nghiệp

Trong 6 tháng trở lại đây, giá bán điện đã có 2 lần tăng với 7,5% khiến cho nhiều người dân, DN khó thích ứng kịp. Bất lợi hơn là giá điện tăng trong thời điểm kinh tế chưa phục hồi dẫn đến sản xuất, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.

Điện là mặt hàng quan trọng với hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Do đó, người dân và DN mong muốn ngành Điện sẽ điều chỉnh giá điện có chu kỳ và cải tiến biểu giá điện bậc thang.

* Tăng chi phí, ảnh hưởng năng lực cạnh tranh

Từ tháng 5-2023 đến nay, ngành Điện đã điều chỉnh tăng giá bán 2 lần, trong đó lần đầu là 3% và lần thứ hai 4,5%. Việc điều chỉnh giá điện tăng liên tục trong thời gian ngắn khiến các DN sản xuất đã khó lại càng thêm khó.

Tập đoàn Hyosung là nhà đầu tư sử dụng điện sản xuất nhiều nhất tỉnh, bình quân 160-170 tỷ đồng/tháng cho Công ty TNHH Hyosung Việt Nam và Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai (Khu công nghiệp Nhơn Trạch V, H.Nhơn Trạch). Sản phẩm của DN là các loại sợi nên đơn hàng được ký trước từ 1-3 năm. Dù DN đã có tính toán biên độ dao động các yếu tố đầu vào để xây dựng đơn giá với khách hàng nhưng giá điện tăng cao trong thời gian ngắn khiến DN khó trở tay. Bởi với giá điện mới, 2 DN trên sẽ tốn thêm hơn 12 tỷ đồng/tháng. Trong thời điểm khó khăn thì đây là khoản chi phí không nhỏ với DN.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Quản lý điện của Công ty TNHH Hyosung Việt Nam và Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai cho hay, cách điều chỉnh giá điện hiện nay khiến DN rất bị động. Hàng năm, DN lên kế hoạch sản xuất gửi tập đoàn duyệt, biên độ dao động giá điện theo tính toán là 5% nhưng có năm giá điện không tăng, có năm lại tăng 2-3 lần. “Chúng tôi đồng ý giá điện có sự điều chỉnh, nhưng đây là mặt hàng có sự điều tiết của Nhà nước nên phải có chu kỳ điều chỉnh phù hợp để DN kịp thích ứng” - ông Thanh bày tỏ.

Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, giá bán lẻ điện hiện nay vẫn thấp hơn giá thành sản xuất; việc tăng giá điện lần 2 vẫn bảo đảm thời gian tối thiểu giữa các lần điều chỉnh là 6 tháng.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó trưởng phòng Tài chính kế hoạch Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và đô thị IDICO (H.Nhơn Trạch) Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ đầu năm đến nay, hầu hết các DN trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 đều giảm sản xuất vì thiếu đơn hàng. Hơn 3 năm qua, các DN duy trì việc làm và trả lương cho công nhân đã là nỗ lực lớn. Giá điện tăng chắc chắn sẽ thêm áp lực cho DN vì chi phí sản xuất tăng đồng nghĩa năng lực cạnh tranh giảm.

Đồng Nai có nhu cầu lớn về điện, khoảng 15 tỷ kWh/năm. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỉ trọng cao nhất, khoảng 70% tổng sản lượng điện tiêu thụ. Do vậy, đây là lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất khi giá điện tăng.

Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hòa Phát (tại xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) Phạm Xuân Hòa thông tin, thời gian qua, thị trường gỗ nước ngoài giảm mạnh về nhu cầu. DN đã nỗ lực tiết kiệm chi phí sản xuất với mong muốn có giá thành tốt để cải thiện sức cạnh tranh, nhưng tình hình chưa khả quan thì giá điện lại tăng, khiến DN càng thêm khó khăn. Cũng như các DN khác, ông Hòa kiến nghị cần có lộ trình hoặc chu kỳ điều chỉnh giá điện.

Hiện tại, nhiều ngành nghề sản xuất chưa phục hồi như thời điểm trước đại dịch Covid-19 nên giá điện tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phục hồi và phát triển của các DN.

* Khoảng 830 ngàn hộ dân bị ảnh hưởng

Việc tăng giá điện lần thứ hai trong năm nay đã được áp dụng cho tất cả các nhóm khách hàng, bao gồm cả điện sinh hoạt của người dân. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đợt tăng giá này có khoảng 26 triệu hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 34% hộ gia đình bị tăng thêm hơn 17 ngàn đồng/tháng, hơn 18% hộ gia đình bị tăng 29 ngàn đồng/tháng, 5% hộ gia đình bị tăng hơn 55 ngàn đồng/tháng…

Tại Đồng Nai, đại diện Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai cho biết, có khoảng 830 ngàn khách dùng điện sinh hoạt bị điều chỉnh tăng tiền điện từ 4-55 ngàn đồng/tháng. Ngoài ra, có khoảng 8 ngàn khách hàng là hộ nghèo, gia đình chính sách bị ảnh hưởng mức không đáng kể vì được hỗ trợ tiền điện theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Bà Nguyễn Thị Tình (ngụ KP.10, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho rằng, chi phí tiền điện tăng thêm hàng tháng theo tính toán không nhiều, nhưng sẽ kéo theo mớ rau, con cá, tô phở đều tăng.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 đang được xây dựng

Dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 đang được xây dựng

“Điều tôi lo lắng là sau mỗi lần tăng giá điện, giá xăng, tăng lương là các mặt hàng tiêu dùng đồng loạt lập mặt bằng giá mới, chi tiêu của gia đình bị đội lên khá nhiều” - bà Tình bày tỏ.

Theo chị Phạm Thị Bình, chủ quán cơm tại KP.3, P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa), hiện nay buôn bán ế ẩm, giảm đến 40% so với trước đây nên lợi nhuận không nhiều. Gần đây, giá điện tăng 2 lần, giá gạo cũng tăng khiến quán rất khó giữ giá bán như cũ. Thời điểm này, nếu không tăng giá bán cơm thì không có lời, mà tăng giá thì khách sẽ vắng hơn.

Ông Thổ Út, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa XV (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng, trước mỗi lần tăng giá điện, các bộ, ban, ngành đều cân nhắc, tính toán kỹ để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân. Song bất cập hiện nay là điều chỉnh tăng giá bán điện nhưng không điều chỉnh tăng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt (bậc thang khung giá điện) cho phù hợp với từng nhóm khách hàng.

Cũng theo ông Thổ Út, hiện nay đời sống của người dân được cải thiện, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo cũng chuyển sang sử dụng nhiều thiết bị điện. Việc duy trì biểu giá điện bậc 1 từ 0-50kWh không còn phù hợp, cần xem xét cải tiến tăng bậc 1 lên 70 hoặc 90kWh.

“Điều chỉnh giá bán điện cần kết hợp với cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt để hạn chế ảnh hưởng đến các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn” - ông Thổ Út nói.

Điện là mặt hàng không thể thiếu với đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Việc điều chỉnh giá không theo chu kỳ, chỉ điều chỉnh tăng mà không có giảm khiến người dân, DN rất bị động.

Hương Giang - Hoàng Lộc

Bài 2: Bất cập về nguồn và lưới điện

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202311/nghich-ly-cung-cau-nganh-dien-e7022ac/