Nghịch lý của lòng thương

Có những trường hợp oái oăm: Càng giúp đỡ, càng thi ân thì càng đẩy bên thụ nhận về phía không lối thoát. Vì thế, hãy đặt tình thương đúng chỗ

1.

Chúng tôi thường ngồi mấy quán bia vỉa hè khu Chợ Đũi. Khu Chợ Đũi của Sài Gòn xưa khá rộng, nay thì chỉ còn định danh là khu vực loanh quanh trục đường Võ Văn Tần - Cách mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai. Quán cóc nhiều, cũng là chốn mưu sinh của hàng rong, xiếc dạo, vé số…

Tôi thường để tâm tới những cụ ông, cụ bà bán vé số dạo. Tầm 18 giờ hằng đêm là các cụ bắt đầu xuất hiện khắp các quán. Tuổi cao, sức yếu, hầu hết phải tự mình lê bước, một số ít ngồi xe có người đẩy. Nhìn các cụ hom hem, gặp những đêm mưa, trông thật tội nghiệp, chạnh lòng nghĩ tới ông bà của mình.

Khách mua giúp dăm ba tờ vé số vì thấy thương là chính. Tôi thường không mua mà cho tiền các cụ để "ăn sáng, nhai trầu". Nhưng cho tiền thì các cụ lại không lấy, chỉ muốn tôi mua vé số. "Lấy tiền làm chi chú ơi, có ăn được đâu. Chú mua giùm vé số, bán hết thì tôi mới được về nghỉ".

Thì ra là vậy. Các cụ là nạn nhân của đường dây chăn dắt người già đi bán vé số chăng? Theo dõi vài lần, chúng tôi khẳng định điều này khi phát hiện các cụ được mấy người đàn ông khỏe mạnh chở đến bằng xe máy, rồi "thả" đi khắp ngả với xấp vé số trên tay. Về khuya, bí mật bám theo những người đàn ông ấy, biết thêm nơi tập kết là mấy dãy nhà trọ bên quận Gò Vấp, quận 12…

Một bà lão bán vé số bước đi xiêu vẹo, có vẻ đói. Chúng tôi mời cụ khúc bánh mì chấm ếch xào lăn, tranh thủ hỏi: "Cụ mệt thì về nghỉ đi chứ!" - "Nửa đêm mới nghỉ. Phải bán cho hết, về nộp tiền đủ, không thì bị đánh đòn" - "Ai đánh?" - "Tụi nó". Cụ nói, mắt lấm lét hướng ra phía ngã tư, ở đó có 2-3 người đàn ông ngồi trên xe máy, ung dung rít thuốc. Tôi nói với đám bạn, "tụi mình càng giúp các cụ thì các cụ phải đi bán sức lao động suốt đời cho bọn kia".

Đó là nghịch lý của lòng thương!

Qua quan hệ công việc, chúng tôi báo tới cơ quan quản lý nhà nước về lao động - xã hội nghi vấn xuất hiện những đường dây chăn dắt bán vé số thì được nhận lại lời "cảm ơn, ghi nhận", rồi thôi. Sự cảm thương của thiên hạ có thể giải quyết tạm thời sinh kế của các cụ, nhưng về lâu dài, trong một xã hội với đầy đủ thiết chế được tổ chức chặt chẽ thì lẽ nào mãi làm ngơ trước mảng tối nhức nhối như thế?

Một trường hợp người cao tuổi bán vé số dạo mưu sinh ở TP HCM. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Một trường hợp người cao tuổi bán vé số dạo mưu sinh ở TP HCM. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

2.

TP HCM có rất nhiều cây cầu lớn, liên quận, đông người lại qua. Tại nhiều nơi, mặt cầu là mặt đường; gầm cầu là nơi trú thân của người cơ nhỡ, dân bụi đời; còn lề cầu là nơi kiếm cơm của lắm người không rõ thân phận.

Nói là "không rõ thân phận" bởi vì họ, cứ chập choạng tối là ra ngồi dọc lề cầu, xin tiền người qua đường hoặc chờ các nhóm thiện nguyện đến phát cơm, cho quần áo; những đêm may mắn được người dư dả dừng chân dúi cho dăm tờ bạc; đến quá khuya thì rời đi. Đi chơi xài thâu đêm suốt sáng cũng có, về ngủ no mắt đến tận trưa hôm sau cũng có và tranh thủ tới các chợ đầu mối bốc vác thuê, kiếm thêm cũng có. Đủ hạng.

Ngoại trừ những nạn nhân bị bọn xấu chăn dắt và những người khó khăn thật - dù biết ăn xin là nghề mạt hạng song không còn cách nào khác phải tạm ngửa tay nhờ bố thí một thời gian rồi tìm việc làm, kiếm tiền chân chính; còn lại khá đông là kẻ lười biếng, chỉ biết tay bị tay gậy, lấy tiền bá tánh làm của nả riêng mình. Dư luận đã từng té ngửa trước trường hợp một người ăn xin bị cướp 25 cây vàng cách đây không lâu; hay chuyện một người hành khất neo đơn bị mắc COVID-19, khi lực lượng chức năng đưa ông đi khám chữa bệnh thì phát hiện trong người quấn mấy lượng vàng và cả trăm triệu đồng…

Tôi qua lại cầu Nguyễn Văn Cừ gần như mỗi đêm, nhẵn mặt những người ngồi lề cầu chờ tiền, quà từ thiện. Chỉ khi mưa quá to, gió quá lớn họ mới vắng. Con bé nhà tôi, tuổi đang lớn, có lần cám cảnh hỏi ba: "Sao mình không dừng lại cho họ ít tiền?" - "Càng cho, họ càng ngồi đây hoài thôi, sẽ ngày càng đông người kéo tới ngồi, vì thấy kiếm ăn được".

Lại là nghịch lý của lòng thương!

Hồi giữa tháng 8-2021, khi dịch COVID-19 đang cao điểm, làm việc với chính quyền quận 4, TP HCM, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo phải gom hết người ăn xin, cơ nhỡ hằng đêm bám gầm cầu, lề cầu về các trung tâm công tác xã hội để vừa ngăn lây lan dịch vừa tìm hướng bảo trợ họ. Lúc ấy, địa phương gom được. Lẽ ra, với cái đà đó, giải quyết triệt để luôn; đằng này, đánh trống bỏ dùi.

Bây giờ, mỗi đêm, các nhà chức trách hãy chịu khó băng qua những cây cầu, để biết mấy nơi đó không hoàn toàn "nối nhịp bờ vui" như ta tưởng…

PHỐ XA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nghich-ly-cua-long-thuong-20230805201615059.htm