Nghĩa vụ vẻ vang

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong QĐND Việt Nam và trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Đã thành thông lệ, vào dịp đầu Xuân năm mới, các đơn vị, địa phương trong cả nước lại phối hợp tổ chức lễ giao nhận quân để đưa tiễn thanh niên ưu tú của quê hương lên đường nhập ngũ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế trò chuyện với chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2024. Ảnh: Võ Tiến

Thực Quyết định số 82/QĐ-TTg ngày 4/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc gọi công dân nhập ngũ, từ ngày 25 đến hết ngày 27/2/2024, hàng vạn thanh niên trên địa bàn cả nước sẽ lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự 2024.

Để chuẩn bị cho tốt công tác tuyển quân, đến thời điểm này, các địa phương giao quân và đơn vị nhận quân đã thường xuyên trao đổi phối hợp, hiệp đồng và tổ chức thực hiện chặt chẽ các khâu, các bước trong quy trình tuyển quân đảm bảo chỉ tiêu, chất lượng và an toàn tuyệt đối.

Các đơn vị nhận quân đã xây dựng kế hoạch, phương án tiếp nhận, vận chuyển tân binh về đơn vị; chuẩn bị chu đáo nơi ăn nghỉ, sinh hoạt cho bộ đội ngay từ ngày đầu về đơn vị. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự các địa phương, đơn vị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt các khâu, các bước trong quy trình tuyển quân. Hoạt động tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy trình, quy định trong công tác tuyển quân; đề cao dân chủ, công khai, công bằng xã hội...

Mỗi người dân Việt Nam luôn ý thức rằng, mỗi công dân khi tham gia nghĩa vụ quân sự chính là thể hiện nghĩa vụ cao cả, đóng góp một phần sức lực của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, thể hiện trách nhiệm của công dân với Tổ quốc và dân tộc.

Theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú... nhằm góp phần xây dựng nền quốc phòng, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, mà trọng tâm là bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ để xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, trong khi hầu hết các gia đình động viên con em mình đang trong độ tuổi nhập ngũ hăng hái đăng ký, khám tuyển nghĩa vụ quân sự và sẵn sàng lên đường nhập ngũ, thì vẫn còn một số người nhận thức chưa đầy đủ về nghĩa vụ quân sự, dùng mọi cách để trốn tránh nghĩa vụ. Một số địa phương chưa đăng ký, quản lý hết nguồn công dân trong độ tuổi nhập ngũ. Công tác nắm và quản lý tình hình chính trị, tư tưởng và bệnh sử của công dân chưa sâu sát, còn để trường hợp công dân nhập ngũ vào quân đội mắc bệnh lý, không đảm bảo tiêu chuẩn phải loại trả...

Theo pháp luật hiện hành, hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, mỗi công dân nên có sự nhìn nhận, thái độ đúng đắn và thực hiện việc tham gia nghĩa vụ quân sự đúng theo quy định của pháp luật.

Đảng, Nhà nước, quân đội, các địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo hậu phương, gia đình và bảo đảm quyền lợi cho công dân nhập ngũ. Vì vậy, những cái nhìn thiển cận về nghĩa vụ quân sự, những biểu hiện tiêu cực trong công tác tuyển quân cần lên án, loại bỏ và xử lý nghiêm.

Để ngày giao nhận quân ở các địa phương thật sự là ngày hội, các địa phương giao quân cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tuyển quân; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân trong thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Tin rằng, các thế hệ thanh niên Việt Nam khi tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ tiếp tục đem sức trẻ của mình ra sức rèn luyện, tu dưỡng, học tập, công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân dành cho thế hệ trẻ.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nghia-vu-ve-vang-post472910.html