Nghĩa tình quân dân nơi biên giới

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) La Lay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị trong những năm qua đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để động viên, hỗ trợ người dân khu vực biên giới khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Việc làm này góp phần làm sáng đẹp thêm hình ảnh của những người lính mang quân hàm xanh, tô thắm nghĩa tình quân dân nơi biên giới cũng như mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.

 Từ hỗ trợ của Đồn Biên phòng CKQT La Lay, mô hình nuôi dê của gia đình anh Hồ Văn Thủa, ở thôn A Đeng, xã A Ngo mang lại nguồn thu nhập ổn định - Ảnh: V.H

Từ hỗ trợ của Đồn Biên phòng CKQT La Lay, mô hình nuôi dê của gia đình anh Hồ Văn Thủa, ở thôn A Đeng, xã A Ngo mang lại nguồn thu nhập ổn định - Ảnh: V.H

Hai năm trước, gia đình anh Hồ Văn Thủa, ở thôn A Đeng, xã A Ngo (huyện Đakrông) được Đồn Biên phòng CKQT La Lay tặng cặp dê giống. Ghi nhớ lời dặn của cán bộ biên phòng là phải chăm sóc thật chu đáo để dê sinh sản thành đàn, từ đó có thêm thu nhập ổn định cuộc sống gia đình, thoát nghèo bền vững, vợ chồng anh Thủa đã bước đầu thành công khi đến nay gia đình đã có đàn dê hơn 10 con.

“Trước đây cuộc sống của vợ chồng tôi rất khó khăn vì thu nhập từ nương rẫy không đáng là bao. Khoảng 1 năm trở lại đây, điều kiện kinh tế của gia đình được cải thiện nhờ bán dê thịt, dê giống cho bà con trong vùng. Gia đình tôi cảm ơn BĐBP rất nhiều vì không những tặng dê giống mà các anh còn luôn quan tâm thăm hỏi, hướng dẫn cách nuôi để dê phát triển, sinh sản tốt”, anh Thủa cho biết.

Theo tính toán của anh Thủa, với mức giá thu mua của thương lái như hiện nay từ 140 - 160 nghìn đồng/kg dê hơi, người chăn nuôi có thu nhập khá tốt. Do vậy, anh sẽ tập trung đầu tư phát triển đàn dê, xem đây là sinh kế bền vững của gia đình.

Gia đình anh Thủa là một trong nhiều hộ dân trên địa bàn hai xã A Bung, A Ngo thuộc huyện nghèo Đakrông nhận được hỗ trợ từ Đồn Biên phòng CKQT La Lay để ổn định sinh kế, từng bước thoát nghèo. Đây cũng chính là những việc làm thiết thực, mang nhiều ý nghĩa của đơn vị trong thực hiện công tác dân vận, thắt chặt nghĩa tình quân dân trên địa bàn đóng quân.

Đồn phó Đồn Biên phòng CKQT La Lay, Thiếu tá Nguyễn Thế Cường cho biết: “Đơn vị đã triển khai các hoạt động như: Phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng, đưa vào hoạt động 2 hệ thống điện chiếu sáng ở các thôn với tổng chiều dài 2 km trị giá gần 40 triệu đồng; 6 giếng khoan trị giá 60 triệu đồng/giếng; xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình “Nồi cháo nghĩa tình”, “Ổ bánh mỳ nơi biên giới”, “Tay kéo biên phòng”, “Tiết học biên giới”… Những hoạt động, mô hình này đã phát huy tốt hiệu quả trên nhiều mặt, nhất là góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô cũng như bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

Đơn cử như mô hình “Tiết học biên giới” được Đoàn thanh niên Đồn Biên phòng CKQT La Lay phối hợp đoàn thanh niên các trường học trên địa bàn đóng quân triển khai trên tuyến biên giới vào năm 2017. Qua “Tiết học biên giới”, các em học sinh được những “thầy giáo” mang quân hàm xanh truyền đạt dễ hiểu, sinh động những kiến thức về biên giới, những quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cư dân vùng biên, các kỹ năng nhận biết đâu là vùng cấm, nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới...

“Đây không chỉ là một biện pháp vận động quần chúng mà còn là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để học sinh Vân Kiều, Pa Kô hiểu rõ thêm về thực tiễn cuộc sống, nhiệm vụ của lực lượng biên phòng, qua đó nhân lên tình yêu Tổ quốc ở các em”, Trung úy Hồ Văn Thủ, cán bộ Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo cho hay.

“Khó có thể kể hết nghĩa tình của Đồn Biên phòng CKQT La Lay đối với dân bản bởi cán bộ, chiến sĩ đơn vị có thể chung tay làm bất cứ việc gì từ chăn nuôi, trồng trọt, tu sửa đường sá, thủy lợi, dạy học, xây dựng đời sống văn hóa mới, khám chữa bệnh… để giúp bà con ngày càng có cuộc sống tốt hơn”, già làng Lê Hoàn, thôn A Bung, xã A Bung chia sẻ.

Không chỉ thực hiện tốt công tác dân vận trên địa bàn quản lý, Đồn Biên phòng CKQT La Lay còn phối hợp, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã A Ngo tổ chức thực hiện tốt mô hình kết nghĩa bản - bản trên tuyến biên giới giữa bản La Lay (Việt Nam) và bản La Lay A Sói (Lào).

Từ khi kết nghĩa vào năm 2007 đến nay, phát huy truyền thống tương thân, tương ái và giao thương lâu đời, hai bản đã luôn tích cực hỗ trợ, hợp tác với nhau trong sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm nông sản, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất; phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, COVID-19; giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục - thể thao, xây dựng đời sống văn hóa mới; cùng nhau xây dựng, bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, phát triển…

“Trong các dịp lễ, tết hay khi gặp thiên tai, hoạn nạn, người dân hai bản La Lay - La Lay A Sói kịp thời qua lại thăm hỏi, hỗ trợ, động viên lẫn nhau. Ví dụ như sau đợt mưa lũ tháng 10/2020, đơn vị và bà con bản La Lay đã huy động phương tiện và gần 100 ngày công sang giúp bản La Lay A Sói sửa chữa đập thủy lợi, nạo vét, khơi thông dòng chảy để phục hồi sản xuất 15 ha lúa nước hay khi COVID-19 diễn biến phức tạp chúng tôi kịp thời hỗ trợ bạn vật tư y tế phòng, chống dịch, lương thực, thực phẩm trong điều kiện cho phép để bạn vượt qua khó khăn.

Có thể khẳng định, hoạt động kết nghĩa bản - bản không chỉ góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển KT - XH hai bên biên giới mà còn góp phần thắt chặt, thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào”, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng CKQT La Lay, Trung tá Hoàng Văn Viễn cho biết.

Vũ Hoàng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=170854&title=nghia-tinh-quan-dan-noi-bien-gioi