Nghĩa tình dưới chân đèo Phượng Hoàng

Để bảo đảm tốt nhất cơ sở vật chất, nơi ăn ở, sinh hoạt, cách ly y tế tập trung, phòng chống dịch (PCD) Covid-19 cho gần 400 công dân Việt Nam từ Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ trở về, những ngày qua, nhiều cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 210 và 803 (Sư đoàn 305, Quân khu 5) đã tình nguyện nhường phòng, xuống ở tạm trong các dãy nhà kho, nhà bạt hoặc mắc tăng võng dã chiến. Khó khăn, vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao, song các anh luôn vui vẻ, lạc quan, hết lòng phục vụ mọi người.

Từ Đài Loan về nước, bác Bùi Thị Kim Ngân (62 tuổi, trú tại quận 3, TP Hồ Chí Minh) rất cảm động khi cả ba mẹ con, bà cháu được bộ đội Trung đoàn 210 đón tiếp rất ân cần, chu đáo và bố trí ở chung trong một căn phòng nhỏ, có đầy đủ quạt trần, chăn màn, gối chiếu và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác. Cháu ngoại bác là Trần Hoàng Đông Quân (14 tháng tuổi) vốn rất kén ăn, thế mà vào đây, chẳng hiểu các chú bộ đội dỗ dành thế nào, tô cháo gà to, mẹ cháu bón một loáng đã hết sạch...

Trao đổi với Trung tá Đào Trọng Dũng, Chính ủy Trung đoàn 210, chúng tôi được biết, trong 100 công dân về cách ly tại đơn vị, có đến 57 phụ nữ đang mang thai. Để các chị không phải nằm giường tầng, leo lên leo xuống nguy hiểm, có bao nhiêu giường gỗ của anh em cán bộ, từ đại đội đến trung đoàn, chúng tôi phải huy động bằng hết. Nửa đêm gà gáy, chị nào có nhu cầu nước sôi để pha sữa, pha mì, bộ đội cũng đáp ứng đầy đủ, tận tình. Tuy số lượng suất ăn không lớn, song do có người ăn chay, ăn kiêng, ăn cháo và phụ nữ mang thai nên mỗi bữa anh em nuôi quân, phục vụ phải chế biến rất nhiều món khác nhau.

Công dân cách ly tại Trung đoàn 803 được nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm.

Nhà ở gần khu cách ly, song mỗi lần người thân nhắn tin, gọi điện hỏi thăm hay định lên tiếp tế, anh Võ Thành Tài (27 tuổi, trú tại xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) lại gạt đi, anh nói: “Con ở đây chẳng thiếu thứ gì cả, cơm bộ đội nấu cũng ngon lắm, bố mẹ không phải lo lắng gì đâu. Hôm trước xét nghiệm, mọi người đều âm tính cả, vài bữa nữa là con được về nhà rồi, bố mẹ cứ yên tâm”. Cao to, xông xáo, nhiệt tình, sáng nào anh Tài cũng thức dậy từ sớm quét sân, dọn phòng và đi xách nước cho các chị em đang mang bầu nên ai cũng quý.

Lần thứ hai tham gia phục vụ người dân về cách ly y tế, Binh nhất Nguyễn Văn Chung, chiến sĩ Ban Hậu cần Trung đoàn 210 luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trên cơ sở thực đơn có sẵn, anh luôn tìm cách chế biến để các món ăn trở nên bắt mắt và hấp dẫn hơn. Món thịt kho tàu, canh chua cá lóc, canh gà lá giang do anh chế biến nhận được rất nhiều lời khen ngợi của mọi người.

Cách Trung đoàn 210 hơn chục cây số, 289 công dân Việt Nam vừa trở về từ Mỹ cũng rất hài lòng trước sự quan tâm, chăm sóc mà cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 803 dành cho mình. Năm 2019, Trung đoàn 803 được cấp trên quan tâm đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa và xây mới một số công trình, nên điều kiện ăn ở, sinh hoạt của người dân ở đây rất tốt. Trong khu cách ly có nhiều công dân lớn tuổi, lại mắc bệnh tiểu đường, huyết áp, tim mạch, nhưng không có người thân ở bên chăm sóc. Cảm thông với hoàn cảnh của họ, mỗi lần xuống đưa cơm, đo thân nhiệt, phát khẩu trang, cán bộ, chiến sĩ và nhân viên y tế thường xuyên thăm hỏi, chuyện trò, động viên rất ân cần, chu đáo. Bà con cần hỗ trợ gì, bộ đội đều sẵn lòng giúp đỡ. Ngoài chế độ tiêu chuẩn chung theo quy định, hằng ngày các anh còn bảo đảm thêm cho mỗi phòng ở 2-3 tờ báo để bà con cập nhật thông tin.

Trong thời gian cách ly, chị Võ Thị Thủy Hà (52 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) và chị Lý Thị Thảo (49 tuổi, trú tại quận Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) gần như ngã quỵ khi hay tin người thân đột ngột qua đời. Nghĩa tử là nghĩa tận, ai cũng mong được trở về nhà nhìn mặt người thân lần cuối, song được các cán bộ, chiến sĩ và mọi người quan tâm, động viên, an ủi và gửi vòng hoa về quê phúng điếu, các chị như được sẻ chia, tiếp thêm động lực để ở lại cách ly.

Thượng tá Nguyễn Văn Tuyển, Chính ủy Trung đoàn 803 cho biết: “Các trường hợp đau ốm, khó khăn trong khu cách ly đều được chúng tôi quan tâm, giúp đỡ rất kịp thời. Đặc biệt, sau khi xét nghiệm lần một, nhiều người ở đây tỏ ra hoang mang, lo lắng khi có một trường hợp phát hiện dương tính với Covid-19, phải chuyển đi điều trị tại bệnh viện. Sau khi được bộ đội và các y sĩ, bác sĩ trấn an tinh thần, mọi người đã bình tĩnh, an tâm và rất ý thức, tự giác trong việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn. Do quân số mỏng nên hằng ngày các cán bộ, chiến sĩ trong khu cách ly phải thức khuya, dậy sớm lo quét dọn vệ sinh, tiếp phẩm, nấu ăn, chia cơm, đổ rác, tuần tra canh gác, bảo đảm an ninh, an toàn... rất vất vả. Qua sinh hoạt, nắm bắt ý kiến của người dân, bà con đều rất hài lòng trước sự chăm sóc, quan tâm, sẻ chia mà bộ đội dành cho”.

Khu vực đóng quân nằm dưới chân đèo Phượng Hoàng quanh co, uốn lượn, sau một ngày làm việc vất vả, nặng nhọc, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 210, 803 vẫn luân phiên tuần tra, canh gác, để người dân có giấc ngủ ngon. Với các anh, được tham gia phục vụ người dân và chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh là thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người chiến sĩ đối với nhân dân.

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/nghia-tinh-duoi-chan-deo-phuong-hoang-631274