Nghĩa cử cao đẹp của những người có nhóm máu hiếm

Nhận được điện thoại khẩn cấp từ bệnh viện, nữ Đại úy Nguyễn Thị Hà Mi (Công an TP Hà Nội) tức tốc có mặt tham gia hiến máu hiếm. Biết mình mang nhóm máu hiếm - nhóm máu hiếm Rh (D) âm - những thành viên trong Câu lạc bộ Máu hiếm đều rất chú ý giữ gìn sức khỏe, để khi nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ bệnh viện, bất kể đêm hay ngày, họ cố gắng tới nơi sớm nhất truyền máu cho người bệnh. Nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông, bệnh hiểm nghèo đang cấp cứu, nhờ những người truyền máu hiếm đã được hồi sinh.

Tại chương trình gặp mặt người hiến máu hiếm tiêu biểu do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện xúc động của các thành viên máu hiếm. Năm 2019, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, anh Nguyễn Đức Sơn (30 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) tham gia hiến máu lần đầu tiên và lúc đó, anh mới biết mình mang nhóm máu hiếm O Rh (D) âm.

Chị Mai Thị Yến Hoa (ở giữa, hàng đầu) và những người hiến máu hiếm tiêu biểu được tôn vinh.

Ý thức được mình có nhóm máu hiếm, anh Sơn luôn cố gắng giữ gìn sức khỏe, duy trì lối sống lành mạnh, để bất cứ khi nào có người cần là có thể hiến được ngay. Cứ đều đặn 3 tháng một lần, anh lại hiến máu toàn phần. Năm 2022, khi dịch sốt xuất huyết tăng cao, anh bắt đầu hiến tiểu cầu. Từ đầu năm đến nay, anh đã 8 lần hiến tiểu cầu từ nguồn máu hiếm của mình.

Cách đây chưa lâu, nhận được điện thoại của Viện Huyết học có ca cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức cần tiểu cầu gấp, dù đang giữa giờ làm, anh xin công ty nghỉ để đi hiến máu cứu người. "Nam bệnh nhân bị TNGT đa chấn thương, điều trị tại Yên Bái nhưng trên đó không có máu để truyền, phải đưa gấp về Bệnh viện Việt Đức. Do tiểu cầu của bệnh nhân tụt xuống rất thấp nên tôi và một người có máu hiếm ở Hưng Yên đã hiến 2 đơn vị tiểu cầu để truyền cho bệnh nhân", anh Sơn vui vẻ nói và cho biết thêm, cách đây 2 tuần, nam bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện về nhà.

Anh Sơn cho biết, tuy Câu lạc bộ Máu hiếm có 500 người, nhưng ở Hà Nội, để có thể hiến được thường xuyên chỉ có khoảng 20 người và hiến được tiểu cầu lại càng ít, chỉ 10 người. Các anh chị em máu hiếm đều rải rác ở khắp các tỉnh, thành, mỗi ca cấp cứu cần huy động máu, có người đi suốt đêm từ tỉnh về Hà Nội. Chị Đinh Thị Thơm (33 tuổi, Hưng Yên) có nhóm máu hiếm A Rh (D) âm kể lại: "Tôi nhớ có lần nhận được cuộc gọi khẩn của Viện Huyết học, lúc đó là 20h30 cần máu gấp truyền cho bệnh nhân TNGT rất nặng. Tôi vội vàng nhờ chồng chở xe máy, vượt gần 50km lên Hà Nội hiến máu. May mắn, bệnh nhân đã qua khỏi".

Còn anh Cao Hải Anh (30 tuổi, Nam Định) lại day dứt mãi khi một lần nhận cuộc gọi từ "đường dây nóng" cần máu hiếm cho bệnh nhân cấp cứu TNGT ở Bệnh viện Việt Đức. Ngay trong đêm, anh đi từ Nam Định lên Hà Nội với tâm thế sẵn sàng hiến máu. Nhưng khi tới nơi thì được bác sĩ thông báo, bệnh nhân đã không qua khỏi. "Tôi rất day dứt và luôn nghĩ, giá như mình ở gần hơn, đến được sớm hơn, bệnh nhân có thể đã được cứu sống. Sau lần đó, tôi luôn cố gắng đến nhanh nhất có thể khi bệnh nhân cần máu".

Còn nữ Đại úy Nguyễn Thị Hà Mi, cán bộ Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ, Công an TP Hà Nội đến nay đã hiến máu được gần 10 lần, hầu hết đều là các trường hợp khẩn thiết cần nhóm máu hiếm. Vào tháng 8 vừa qua, khi nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ Viện Huyết học, Hà Mi đã có mặt ngay để hiến máu. Trước đó, ngày 10/4, qua kêu gọi của người nhà bệnh nhân và thông tin từ Câu lạc bộ Phản ứng nhanh hiến máu tình nguyện của Tuổi trẻ Công an Thủ đô, biết mình có cùng nhóm máu với người bệnh, Hà Mi cũng đã hăng hái nhận nhiệm vụ đến hiến máu.

Theo nữ Đại úy chia sẻ, cô biết mình có nhóm máu hiếm khi đang học lớp 12 trong một lần mắc sốt xuất huyết nặng, được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Khi đó, chỉ số tiểu cầu của Mi tụ xuống rất thấp, thật may mắn đã được truyền tiểu cầu kịp thời từ người có nhóm máu hiếm như cô. Chị Mai Thị Yến Hoa (36 tuổi, Hà Nội, là nhân viên ngân hàng) phát hiện mình mang nhóm máu hiếm khi tham gia hiến máu tại Lễ hội Xuân Hồng năm 2009. Đến nay, chị Hoa không nhớ mình đã bao nhiêu lần hiến máu và hiến tiểu cầu. "Có lẽ vài chục lần", chị cười nói.

TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, máu đã quan trọng, máu hiếm lại càng quan trọng hơn. Những người nhóm máu hiếm khác với những người hiến máu tình nguyện khác, chỉ khi nào có người trùng khớp mới được kêu gọi. Năm 2023, nhu cầu và chế phẩm máu cho cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện khu vực phía Bắc đều tăng hơn khoảng 10% so với năm trước. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng chế phẩm máu nhóm hiếm cũng tăng gấp đôi so với năm 2022. Để đáp ứng nhu cầu, lượng máu nhóm hiếm sẵn có chỉ đáp ứng được 30%, số còn lại viện phải huy đọng, gọi điện mời gọi người hiến máu nhóm hiếm.

Trong danh sách những người nhóm máu hiếm tiêu biểu năm 2023, dù họ làm bất kỳ công việc nào, độ tuổi nào, nhưng điểm chung là luôn phải giữ sức khỏe để sẵn sàng "lên đường làm nhiệm vụ" bất cứ lúc nào. Họ coi việc hiến máu, hiến tiểu cầu là trọng trách, là nhiệm vụ. Vì thế, họ không ngại đi cả trăm cây số, đi giữa đêm khuya để hiến máu cứu người. Bác sĩ Quế cho biết, những người có nhóm máu hiếm Rh (D) âm có cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động bình thường. Tuy nhiên, khi họ cần truyền máu không phải lúc nào cũng có sẵn nhóm máu hiếm đó, nếu bệnh viện không dự trữ đầy đủ. Những người có nhóm máu hiếm chỉ có thể truyền máu cho nhau, nếu truyền nhầm nhóm máu Rh (D) dương (trên 99% người Việt Nam) sẽ xảy ra hiện tượng tan máu, sốc, suy thận, trụy tim mạch và tử vong.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/nghia-cu-cao-dep-cua-nhung-nguoi-co-nhom-mau-hiem-i717516/