Nghị viện châu Âu bác việc loại Panama khỏi danh sách rủi ro tài chính cao

Ngày 24/4, với 490 phiếu ủng hộ, 64 phiếu chống và 56 phiếu trắng, EP bác quyết định của EC về việc đưa Panama ra khỏi danh sách các quốc gia có nguy cơ đe dọa hệ thống tài chính của EU.

Toàn cảnh phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/4, với 490 phiếu ủng hộ, 64 phiếu chống và 56 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu (EP) đã bác quyết định của Ủy ban châu Âu (EC) về việc đưa Panama ra khỏi danh sách các quốc gia có nguy cơ đe dọa hệ thống tài chính của Liên minh châu Âu (EU) do thiếu các quy định pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn hoạt động rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, động thái trên của EP được đưa ra trong bối cảnh ngày 15/3, Ủy ban châu Âu thông báo quyết định đưa Panama ra khỏi danh sách các quốc gia có rủi ro tài chính cao dựa trên kết luận của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), trong đó cho rằng quốc gia Trung Mỹ này không còn gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng cho hệ thống tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, phiên họp toàn thể của EP ngày 24/4 đã bác bỏ quyết định của Ủy ban châu Âu. EP cho rằng Panama đã có những hành động không phù hợp nhằm giảm thiểu tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga, trong đó có các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực tài chính.

Trước đó, tháng 12/2017, Panama đã bị liệt vào danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác trong cuộc chiến chống trốn thuế sau khi vụ “Hồ sơ Panama” bị các nhà báo quốc tế phanh phui từ cơ sở dữ liệu của công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại nước này.

Năm 2020, EU một lần nữa đưa Panama vào danh sách "đen" các quốc gia tạo điều kiện cho hoạt động trốn thuế và rửa tiền do không đáp ứng các tiêu chuẩn liên quan đến tính minh bạch về tài chính và thuế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nghi-vien-chau-au-bac-viec-loai-panama-khoi-danh-sach-rui-ro-tai-chinh-cao-post942151.vnp