Nghi phạm 15 tuổi sát hại thiếu nữ, chôn xác trong vườn chuối bị xử lý thế nào?

Trường hợp người phạm tội giết người là người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ không áp dụng hình phạt tử hình, tù chung thân mà chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn và không quá 12 năm tù.

Liên quan đến vụ án nữ sinh lớp 9 bị sát hại, giấu thi thể trong vườn chuối, trưa 20/4, Công an TP Hải Phòng thông tin vụ việc và cho biết, Công an huyện An Dương đã triệu tập, làm việc với nghi phạm Lê Văn T., (SN 2009, trú tại thôn Lê Sáng, xã An Hồng, huyện An Dương, Hải Phòng) nghi phạm gây ra vụ án này.

Tại cơ quan công an Lê Văn T. khai nhận, ngày 12/4/2024, tại nhà T. đã xảy ra tranh cãi với Nguyễn Thùy D. Tại đây, nghi phạm đã đánh ngất Nguyễn Thùy D., sau đó xiết cổ nạn nhân rồi kéo ra vườn nhà chôn.

Khai quật thi thể nữ sinh 15 tuổi tại vườn chuối. Ảnh: Báo Giao thông

Qua theo dõi vụ việc, Tiến sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật Chính pháp cho rằng, đây là vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng và từ lời khai của nghi phạm, luật sư Cường cho rằng đến nay có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can để điều tra đối với nghi phạm này về tội giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Trong vụ việc này, theo luật sư Cường, theo thông tin từ phía cơ quan điều tra, nghi phạm học lớp 9, đã trên 14 tuổi, nên đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Vì vậy, vấn đề còn lại là cần làm rõ hành vi sát hại nạn nhân và nhận thức của nghi phạm về hành vi của mình và với hậu quả do hành vi của mình gây ra.“Trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy đối tượng nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả nạn nhân có thể bị tử vong thì có căn cứ để xử lý đối tượng này về tội giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS. Về hình phạt, luật sư Cường thông tin, trường hợp người phạm tội giết người là người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, theo quy định pháp luật Việt Nam hiện nay sẽ không áp dụng hình phạt tử hình, tù chung thân mà chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn và mức hình phạt tù có thời hạn không quá 12 năm tù”- luật sư Cường nói.

Điều đáng chú ý trong vụ việc này, theo luật sư Cường, cả nghi phạm và nạn nhân đều là trẻ em, là người chưa đủ 16 tuổi. Đây là vụ việc rất đau xót khi các em đều đang đi học và đang ở thời điểm cuối cấp, đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THCS. Đây là thời điểm quan trọng đối với các em và bao kỳ vọng của gia đình vào tương lai tốt đẹp của các con, vậy mà hậu quả của sự việc lại rất nghiêm trọng, người thì mất mạng, kẻ thì vướng vòng lao lý.

“Cơ quan điều tra sẽ làm rõ mối liên hệ giữa nạn nhân và nghi phạm để làm rõ mối quan hệ giữa các bên, làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, đồng thời để đánh giá tính chất của vụ án”- luật sư Cường nói.

Từ vụ việc trên, trưởng văn phòng Luật Chính pháp cho rằng, thực tiễn xã hội hiện nay, nhiều em học sinh lớp 8, lớp 9 đã tương đối phát triển về thể chất và đã phát sinh tình cảm yêu đương. Ở độ tuổi này các em ít tiếp xúc với cha mẹ hơn và dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào các thói hư, tật xấu. Thêm vào đó, ở độ tuổi chưa thành niên thì các em đang trong quá trình hình thành nhân cách, nhận thức chưa đầy đủ về xã hội và cuộc sống, dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo, thiếu kỹ năng sống nên dễ mắc sai lầm và có thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Bởi vậy, những vụ việc như thế này sẽ là bài học lớn trong công tác quản lý, giáo dục con cái, đặc biệt là các con ở độ tuổi dạy thì và những đứa trẻ sống trong môi trường đặc biệt (như thiếu cha, thiếu mẹ, không sống cùng cha mẹ, hoặc những đứa trẻ sống trong gia đình bất hòa, thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực…).

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, theo luật sư Cường, cha mẹ cũng cần sát sao hơn đối với con cái, kiểm soát chặt chẽ hơn các mối quan hệ tình cảm thiếu lành mạnh có thể dẫn đến các con bị bạo hành, bị xâm hại.

Với những đứa trẻ thiếu cha, thiếu mẹ, theo luật sư Cường, việc quan tâm chăm sóc giáo dục cần phải được chú trọng hơn nữa, không chỉ có những người thân trong gia đình có trách nhiệm giáo dục, quản lý con cháu mình mà còn phải có trách nhiệm hơn của cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương.

Cùng với đó, nhà trường cũng cần tăng cường công tác giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để các em có lối sống lành mạnh, có nhận thức ngày càng đầy đủ, ngày càng đúng đắn về xã hội và cuộc sống để các em từng bước làm chủ cảm xúc, làm chủ bản thân, có những suy nghĩ và hành động đúng đắn để có những hành vi phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/nghi-pham-15-tuoi-sat-hai-thieu-nu-chon-xac-trong-vuon-chuoi-bi-xu-ly-the-nao-post1090330.vov