Nghĩ ngứa da do thời tiết, đi khám cả nhà phát hiện mắc ghẻ

Cả nhà 3 người trong một gia đình bị ngứa, có mụn nước. Người mẹ cho rằng do thay đổi thời tiết nên đi mua thuốc về bôi. Tuy nhiên, tình trạng ngứa không khỏi lại bị tổn thương da loét, nhiễm trùng. Lo sợ nên đi khám các bác sĩ phát hiện cả nhà 3 người đều mắc ghẻ.

Hiện khá nhiều người cho rằng: "giờ ai mắc bệnh ghẻ nữa". Tuy nhiên, theo thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Thành - Thành viên hội da liễu Việt Nam, ghẻ là bệnh da phổ biến. Ai cũng có thể mắc ghẻ và ở bất kỳ thời điểm nào cũng có thể mắc bệnh. Vì vậy, khi có biểu hiện ngứa kèm theo các tổn thương nghi ngờ hãy đi khám, tránh tự mua thuốc dẫn đến tổn thương da, hệ lụy cho sức khỏe.

Cả nhà mắc ghẻ do lây nhiễm từ chồng đi công tác xa

Mới đây, thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Thành vừa thăm khám cho cả gia đình 3 thành viên đều bị ghẻ, một số thành viên do điều trị không đúng, tắm, đắp lá cây khiến tổn thương da loét, nhiễm trùng.

Được biết, cả gia đình đến khám vì ngứa, đặc biệt em bé 5 tháng tuổi với tổn thương da nhiều vết sẩn ngứa, tổn thương loét nặng, nhiều mụn mủ, đóng vảy tiết.

Theo BS Nguyễn Tiến Thành, khai thác tiền sử của cả gia đình biết được, trước khi có biểu hiện ngứa 3 tuần, người bố đi công tác xa về, sau khoảng 3 ngày thì các thành viên khác trong gia đình xuất hiện tổn thương mụn nước, sẩn ngứa: ngứa nhiều ở kẽ tay chân, vùng bụng, nách, sinh dục, ngứa nhiều vào ban đêm. Tuy nhiên, nghĩ là chỉ là ngứa do thay đổi thời tiết, nên người vợ đã tự ra hiệu thuốc mua thuốc bôi. Sau đó lấy lá trầu không để cả nhà tắm… nhưng tình trạng ngứa không giảm, mọc nhiều mụn nước, mẩn ngứa mới. Em bé thì đêm khóc không ngủ… lúc đó người vợ mới lo lắng đưa cả nhà đi khám.

Hình ảnh tổn thương do ghẻ của bệnh nhân được BS Nguyễn Tiến Thành thăm khám.

Hình ảnh tổn thương do ghẻ của bệnh nhân được BS Nguyễn Tiến Thành thăm khám.

Bệnh ghẻ rất phổ biến, dễ lây lan

Theo BS Tiến Thành, bệnh ghẻ là bệnh lý ngoài da phổ biến do ký sinh trùng ghẻ trên da gây nên. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt.

"Bệnh ghẻ do ký sinh trùng ghẻ cái gây nên và lan truyền từ người này qua người khác qua tiếp xúc trực tiếp qua da như bắt tay, bế ẵm, quan hệ tình dục hoặc do dùng chung quần áo, chăn đệm, giường chiếu với người có bệnh. Do đó bệnh ghẻ còn được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục". – BS Thành nói.

Ngứa về đêm, cảnh giác với bệnh ghẻ

Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chia sẻ về cách phát hiện bệnh ghẻ, theo BS Thành, thời gian ủ bệnh khoảng 10-15 ngày phụ thuộc vào khả năng miễn dịch với ghẻ ở từng người khác nhau, bệnh phát với các triệu chứng tổn thương đặc hiệu của bệnh ghẻ là luống ghẻ và mụn nước (còn gọi là mụn nước và đường hầm).

"Các mụn nước trong bệnh ghẻ thường nhỏ mọc rải rác, trong như hạt hạt tấm, không bao giờ mọc thành chùm, thường mọc ở vùng da mỏng. Đường hầm do cái ghẻ là 1 đường thẳng hoặc cong ngoằn ngoèo hình chữ chi, dài 2-3 cm có thể dài 10cm, gờ cao hơn mặt da, màu trắng đục hay trắng xám, không khớp với hằn da, ở đầu đường hang có mụn nước 1-2 mm đường kính, chính là nơi cư trú của cái ghẻ"-BS Thành phân tích thêm.

Cũng theo BS Thành, biểu hiện để dễ nhận thấy khi mắc bệnh ghẻ là người bệnh thấy ngứa nhiều nhất là về đêm, lúc đi ngủ do cái ghẻ di chuyển gây kích thích đầu dây thần kinh cảm giác ở da và một phần do độc tố ghẻ cái tiết ra khi đào hang. Ngứa gãi gây nhiễm khuẩn….và có thể có sốt.

Tuy nhiên, theo BS Thành, người bị nhiễm ký sinh trùng ghẻ lần đầu tiên trong vòng 2 tuần đầu hoàn toàn chưa có biểu hiện ngứa do có thể mới bị ghẻ xâm nhập nên chưa có sự phản ứng lại nên chưa thấy ngứa, điều đó lý giải tại sao một số bệnh nhân có tổn thương ghẻ thực sự mà hoàn toàn chưa thấy ngứa. Còn những người bị tái nhiễm ghẻ thì xuất hiện ngứa dữ dội ngay từ khi cái ghẻ xâm nhập vào da.

"Ngứa gãi gây nhiễm khuẩn. Vết xước gãi, vết trợt, sẩn, vẩy tiết, mụn nước, mụn mủ, chốc nhọt, sẹo thâm màu, bạc màu... tạo nên hình ảnh được ví như bức tranh "khảm xà cừ" hoặc tranh "hình hoa gấm". Những tổn thương thứ phát và biến chứng nhiễm khuẩn, viêm da, eczema hóa thường che lấp, làm lu mờ tổn thương đặc hiệu và gây khó khăn cho chẩn đoán"-BS Thành nhấn mạnh.

Hình ảnh ghẻ ở bệnh nhi được BS. Nguyễn Tiến Thành khám

Hình ảnh ghẻ ở bệnh nhi được BS. Nguyễn Tiến Thành khám

Không tự điều trị khi bị ngứa da

Khi bị ngứa da người bệnh không nên chủ quan mua thuốc để chữa, tránh những nguy hại. Để điều trị hiệu quả, bác sĩ Tiến Thành khuyến cáo người bệnh cần lưu ý bôi thuốc trị ghẻ đúng cách vào buổi tối, chú ý bôi kỹ những vùng nếp gấp, sinh dục, quanh móng, sau tai. Trẻ em sơ sinh có những thuốc bôi và tắm riêng theo chỉ định của bác sĩ, cách ly người bệnh với người không bị ghẻ, vệ sinh chăn chiếu, đồ dùng…Không được tắm các loại lá cây vì có thể gây dị ứng hoặc gây độc đặc biệt là trẻ em.

Phụ thuộc vào tình trạng bệnh nhân bị ghẻ như ghẻ chàm hóa, ghẻ bội nhiễm, hay ghẻ sẩn cục, bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân bằng thuốc bôi tại chỗ như kem permethrin 5%, dung dịch DEP, benzyl benzoat 10-25%, ivermectin 1%, sulfur 6-33%, malathion 0,5%, kem crotamiton…

Bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm ngứa, kháng sinh, chống viêm nếu trẻ bị ghẻ bội nhiễm, chàm hóa bác sĩ chuyên khoa da liễu cân nhắc việc sử dụng thuốc theo tình trạng.

Theo bác sĩ Tiến Thành, cách tốt nhất để phòng tránh bệnh ghẻ là tránh tiếp xúc trực tiếp với da của người bị bệnh ghẻ (bế, ôm, nằm cùng giường…). Vì thế, mọi người không nên sử dụng quần áo hoặc khăn trải giường chung với người bị nhiễm ghẻ.

Gia đình cần vệ sinh, thay đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn tắm, chiếu, khăn trải giường hàng ngày cho trẻ, sau đó phơi, sấy khô, là ủi hai mặt nếu có thể rồi bịt kín trong túi, sử dụng lại sau khoảng 5- 7 ngày.

Khánh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nghi-ngua-da-do-thoi-tiet-di-kham-ca-nha-phat-hien-mac-ghe-canh-giac-voi-can-benh-ngoai-da-nay-169231216093636929.htm