Nghị lực và những tấm lòng thiện nguyện

'Mỗi câu chuyện, mỗi việc làm của họ đều để lại ấn tượng sâu sắc về ý chí, nghị lực và tấm lòng thơm thảo khiến chúng ta trân trọng, mến phục, tin yêu'. Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh khi nói về những tấm gương tiêu biểu của thành phố, có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Chúng tôi biết Nguyễn Ngọc Lâm, 38 tuổi, qua Facebook. Ấn tượng ban đầu về Lâm không có gì nổi bật ngoài hình ảnh của một người khuyết tật thích làm thơ. Nhưng rồi tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi dần dần thán phục chàng trai giàu nghị lực và lòng nhân ái này. Tìm gặp Lâm trong căn phòng nhỏ ở Trung tâm bảo trợ Nhà May Mắn (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), chúng tôi được nghe kể về những việc làm của “thầy giáo xe lăn” giúp ích cho đời.

Năm 2004, đang học năm thứ nhất Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước (nay là Trường Cao đẳng Bình Phước), Lâm bị tai nạn giao thông, gãy hai đốt sống cổ, khiến toàn thân bị liệt, sức khỏe mất 97%. Sau thời gian dài điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, anh chuyển sang Bệnh viện quận 8 tập vật lý trị liệu. Do hai tay yếu, đôi chân bị liệt hoàn toàn nên anh phải ngồi xe lăn suốt đời. Thế rồi nhờ cơ duyên, Lâm được nhận vào Trung tâm bảo trợ Nhà May Mắn, tiếp tục được hỗ trợ vật lý trị liệu và được học nghề tin học.

Dù vô cùng vất vả, khó nhọc nhưng Lâm vẫn quyết tâm vượt qua trở ngại để thạo nghề. Nỗ lực được đền đáp, sau khi học nghề xong, năm 2012, anh vào làm quản lý trang web cho Trung tâm bảo trợ Nhà May Mắn. Đến năm 2015, anh chính thức được trung tâm mời dạy tin học cho học trò nghèo. Nguyễn Ngọc Lâm tâm sự: “Học sinh ở Trung tâm bảo trợ Nhà May Mắn đa phần là trẻ em hoàn cảnh khó khăn, mồ côi hoặc trẻ em khuyết tật... Ngoài việc dạy tin học từ lớp 2 đến lớp 5, tôi còn dạy các em cách bảo vệ bản thân, tránh xa tệ nạn xã hội, giáo dục kỹ năng sống, dạy các em đạo lý làm người”.

Hơn 8 năm gắn bó với học trò nghèo, học trò khuyết tật, nghị lực sống và niềm đam mê công việc của thầy giáo Lâm đã lan tỏa, truyền cảm hứng học tập, rèn luyện cho hàng trăm học sinh kém may mắn nỗ lực vươn lên sống có ích cho đời.

Anh Nguyễn Ngọc Lâm hướng dẫn học sinh học tập tại Trung tâm bảo trợ Nhà May Mắn. Ảnh: NGỌC NGUYỄN

Cũng bị khuyết tật từ nhỏ, anh Nguyễn Phước Thiện ở quận 3, TP Hồ Chí Minh đã vượt lên số phận, trở thành thầy giáo dạy kèm tiếng Anh cho nhiều thế hệ học sinh. Khi lên 10 tuổi, sau một tai nạn bất ngờ, cậu bé Thiện bị mù đôi mắt khiến việc học tập gián đoạn. Cha mất sớm, người mẹ là chỗ dựa duy nhất của Thiện. Anh kể: “Nhà tôi nghèo lắm, ngày ngày, hai mẹ con phải sống nhờ vào tiền bán rau lặt vặt. Nửa đêm, mẹ tôi đã thức dậy, chực chờ ở chợ đầu mối mua lại mấy bó rau mang về bán ở chợ Bàn Cờ (quận 3). Ăn chẳng đủ, lại phải lo tiền thuốc chữa bệnh cho tôi nên nhà lại càng nghèo thêm. Nhưng đó chính là động lực giúp tôi quyết tâm không thể trở thành người vô dụng”.

Với ý chí đó, Thiện lao vào học các chương trình tiếng Anh thông qua chiếc máy cassette. Rất nhiều chương trình nghe, đọc tiếng Anh, hướng dẫn học tiếng Anh căn bản, nâng cao đã giúp Thiện tích lũy được khối kiến thức Anh văn sâu rộng, đủ để thi đậu bằng C khi vừa tròn 18 tuổi. Từ đó, anh bắt đầu nhận dạy thêm tiếng Anh cho học sinh các cấp, mỗi ngày 5 lớp với tổng số khoảng 50 em. Ngoài ra, anh còn nhận dạy miễn phí cho học sinh nghèo trên địa bàn, giúp các em nâng cao kiến thức. Theo suy nghĩ của Thiện: “Sống ở trên đời phải biết yêu thương. Chỉ cần có ý chí vươn lên thì người khuyết tật cũng trở thành những người đóng góp tích cực cho xã hội”.

Ở quận Bình Thạnh, em Nguyễn Thái Dương, 19 tuổi, là một tấm gương hiếu thảo. Sinh ra trong một gia đình hoàn cảnh khó khăn, cha bị tai biến và suy thận mãn nên Dương sớm phải cáng đáng việc nhà, chăm lo các em để mẹ có thời gian chăm sóc cha trong bệnh viện. Học lớp 7, em đã bắt đầu dạy kèm học sinh tiểu học. Vốn thông minh, học giỏi nên khi lên lớp 9, Dương trở thành gia sư nhận hướng dẫn ôn tập cho học sinh lớp dưới. Vừa lo việc gia đình vừa học tập và dạy kèm nhưng Dương vẫn nhiệt tình tham gia công tác Đoàn ở trường và địa phương; sẵn sàng giúp đỡ người già, trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Công việc lớn-nhỏ, chung-riêng, Dương đều chu toàn, trở thành chỗ dựa cho cha mẹ và các em, được mọi người tin yêu, quý mến. Dương bộc bạch: “Em biết nhà mình nghèo nhưng không vì thế mà nản chí, thụt lùi. Em tự nhủ phải học tốt, làm tốt mọi việc, phải có kỹ năng sống để trưởng thành, tiến bộ”...

Còn rất nhiều tấm gương giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh để sống có ích và giúp đỡ người khác như: Chị Huỳnh Thanh Thảo ở xã Trung Lập Thượng (Củ Chi) mở thư viện mini và lớp học tình thương cho trẻ em nghèo; chị Trần Thụy Thúy Vy ở quận 4, bị khuyết tật chân, mở cơ sở tranh giấy xoắn tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật; chị Đào Lệ Xuân, Chủ tịch Hội Người mù quận Bình Thạnh, có 2 bằng đại học, nhận dạy thêm tiếng Anh, tiếng Trung, dịch sách, dịch tài liệu giáo dục đặc biệt phục vụ cộng đồng người khiếm thị... Theo bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, nghị lực và những việc làm tốt đẹp của các cá nhân điển hình có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Thành phố mang tên Bác ngày càng sâu rộng, thiết thực, ý nghĩa.

YẾN LONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/nghi-luc-va-nhung-tam-long-thien-nguyen-729509