Nghị lực phi thường của cậu bé bị đa dị tật, liệt tứ chi

Đa dị tật, liệt tứ chi từ lúc lọt lòng, bằng nghị lực phi thường, Minh Chí tạo ra những điều kỳ diệu. Tương lai tưởng chừng mờ mịt lại được soi lối bằng niềm tin vào tri thức.

"Chú lính chì" dũng cảm

Vừa chào đời được 3 ngày, cậu bé Nguyễn Văn Minh Chí (SN 2011, trú xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) được bác sĩ chỉ định phẫu thuật đôi chân và đôi tay dị tật. Rồi những cuộc phẫu thuật chỉnh hình dày đặc sau đó đã "phủ kín tuổi thơ" của một "chú lính chì" dũng cảm.

Nguyễn Văn Minh Chí không may bị dị tật, liệt tứ chi từ khi mới ra đời.

Nguyễn Văn Minh Chí không may bị dị tật, liệt tứ chi từ khi mới ra đời.

"Lúc mang thai, đi khám nhưng không phát hiện vấn đề gì. Khi cháu vừa sinh ra đã bị đa dị tật, liệt tứ chi vợ chồng tôi đau buồn và thương con nên tìm mọi phương pháp điều trị với hy vọng con có thể hoạt động tay, chân", chị Nguyễn Thị Lan Hương (SN 1987, mẹ cháu Minh Chí) chia sẻ.

Nhìn đứa con trải qua những ca phẫu thuật đau đớn về thể xác, người làm cha mẹ như bị dao cứa vào tim. Nhưng sau những nỗ lực, chịu đựng, kết quả điều trị không như mong đợi, Minh Chí không vẫn không thể tự đứng trên đôi chân và cầm, nắm bằng đôi tay của mình. Mọi nhu cầu sinh hoạt của em đều do người thân hỗ trợ. Nhìn đứa con tội nghiệp với tương lai mờ mịt, chị Hương khóc trong vô vọng.

Năm lên 3, Minh Chí được mẹ đưa đến lớp mẫu giáo, nhìn bạn bè nô đùa em cũng háo hức được làm cậu học sinh nhỏ. Nhưng rồi cậu bé Minh Chí phải thất vọng vì tình trạng cơ thể và sức khỏe khiến em không thể học tập cùng các bạn.

Không đầu hàng với số phận, Minh Chí nỗ lực từng ngày tập viết chữ bằng chân.

Không đầu hàng với số phận, Minh Chí nỗ lực từng ngày tập viết chữ bằng chân.

Rồi cậu bé này lại trở về làm bạn cùng chiếc giường và ô cửa sổ. Trong vòng tay mẹ, Minh Chí chỉ có thể ở nơi đầu ngõ, ngóng theo những đứa trẻ đang tung tăng đến trường. Thương con, chị Hương mua sách vở cho con học chữ, chị vừa là mẹ, vừa là cô giáo.

Đôi tay của Minh Chí di tật và dường như không thể cử động. Thấy đôi chân có thể cử động, bố mẹ Minh Chí bàn nhau thử cho con tập viết bằng chân. Từ những đường dài nguệch ngoạc, với sự chịu đựng và kiên trì, đôi chân không lành lặn có thể ghì bút viết những con chữ đầu tiên. Yêu từng con chữ, đôi bàn chân èo uột, nhỏ bé của Minh Chí đã dần thuần thục viết chữ tròn trịa, rõ nét và nhanh.

"Ban đầu tập cho cháu viết bằng chân vô cùng khó khăn. Chân không được bình thường, hai chân rất yếu, với lại chân không khéo như tay nên chữ không ra chữ. Ngồi tập chốc lát là cháu lại mỏi và đau. Được cái Minh Chí rất ham học và kiên trì nên cũng dần viết tốt", mẹ Minh Chí tâm sự.

Thầy Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương em noi theo

"Ba mẹ kể thầy Nguyễn Ngọc Ký bị liệt tay nhưng viết chữ bằng chân. Em cũng muốn được như thầy để đến lớp học chữ và trở thành người có ích nên cố gắng tập viết, tập đọc. Thầy Nguyễn Ngọc Ký chính là tấm gương để em noi theo", Minh Chí tâm sự thêm.

Đôi chân không bình thường đã nắn nót viết từng con chữ.

Đôi chân không bình thường đã nắn nót viết từng con chữ.

Khi con đến tuổi lên lớp 1, vợ chồng chị Hương đến gặp lãnh đạo Trường Tiểu học Gio Việt, nay là Trường Tiểu học và THCS Gio Việt đề đạt nguyện vọng. Nghe chuyện của Chí, nhà trường đồng ý cho em cơ hội được đến trường, từ đây, một cánh cửa mới mở ra đối với Minh Chí và cả gia đình.

Những ngày chuẩn bị đến lớp, Minh Chí háo hức xen lẫn lo lắng. Em không biết đi học sẽ thế nào, có ai chơi với mình không, làm sao để theo kịp các bạn… Nhưng sự thân thiện, hòa đồng của thầy cô và các bạn đã giúp Minh Chí xua tan mặc cảm, ngày ngày vui đến lớp. Tiếp xúc với em, ai cũng ấn tượng trước sự vui tươi, luôn chủ động hòa vào các bạn để học tập, vui chơi.

"Ở trường em được thầy cô chuẩn bị bàn ghế riêng, các bạn cũng giúp đỡ nhiều. Vì viết bằng chân nên khó theo kịp các bạn, nhưng từ năm lớp 4 đến lớp 6, em viết tốt hơn. Năm nào em cũng có giấy khen để thầy cô mừng và tặng ông bà, bố mẹ", Minh Chí cười tươi chia sẻ.

Vượt qua những bất công của số phận, Minh Chí trở thành con ngoan, trò giỏi.

Vượt qua những bất công của số phận, Minh Chí trở thành con ngoan, trò giỏi.

Vượt qua những bất công của số phận, Minh Chí trở thành con ngoan, trò giỏi và là người anh mẫu mực. Lúc ở nhà, Minh Chí phụ mẹ việc chỉ dẫn và thúc giục 2 em học tập. Nhìn gương người anh, các em cũng chăm ngoan, cố gắng học tập.

Chia sẻ về ước mơ của mình "chú lình chì" mong muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho tất cả mọi người, để ai cũng có sức khỏe tốt, được khỏe mạnh.

"Em không may bị bệnh từ nhỏ nhưng sẽ cố gắng học tập mong sau này có thể làm bác sĩ để điều trị mọi loại bệnh và không ai bị ốm yếu hay liệt như em nữa", Minh Chí chia sẻ về ước mơ của mình.

Lúc ở nhà, Minh Chí phụ mẹ việc chỉ dẫn và thúc dục 2 em học tập.

Lúc ở nhà, Minh Chí phụ mẹ việc chỉ dẫn và thúc dục 2 em học tập.

Thầy giáo Đinh Văn Giang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, nghị lực, sự thông minh và khả năng giao tiếp tốt của Minh Chí khiến giáo viên và các học sinh nhà trường nể phục.

"Cán bộ, giáo viên nhà trường luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Minh Chí. Nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất để em học tập, phát triển, bù đắp những thiệt thòi. Minh Chí là một học sinh tiêu biểu của trường và là tấm gương sáng về nghị lực mà chúng tôi luôn muốn học sinh toàn trường noi theo", thầy Giang chia sẻ.

Video: Ước mơ của "Nguyễn Ngọc Ký nhí".

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nghi-luc-phi-thuong-cua-cau-be-bi-da-di-tat-liet-tu-chi-169230725001704623.htm